Từ những suất học bổng đến giải thưởng Sao tháng Giêng

VIỆT QUỲNH 06:33, 10/01/2024

Với Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh năm 2001, hiện là sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt), giảng đường đại học không chỉ là nơi em được học tập và rèn luyện, mà còn tiếp thêm sức mạnh và động lực để em khẳng định bản thân và viết tiếp giấc mơ của mình. Mới đây, Ánh vinh dự là sinh viên duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2023.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh là sinh viên
duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được nhận giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2023
Nguyễn Thị Ngọc Ánh là sinh viên duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được nhận giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2023

Trở về từ chương trình kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra vào ngày 7/1 tại TP Hồ Chí Minh, Trần Thị Ngọc Ánh mang về trọn vẹn niềm vui và tự hào khi em bảo rằng: “Sao tháng Giêng là mơ ước và mục tiêu to lớn của em, bởi ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, em đã vô cùng ngưỡng mộ các anh chị đi trước nhận được giải thưởng này”. Đây cũng là “quả ngọt” cho những tháng ngày cô sinh viên nhỏ nỗ lực hết mình trong học tập và cố gắng hết mình cho các hoạt động Đoàn - Hội trong nhà trường.

Trong 3 năm học qua, Ánh đã đạt nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, như đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm 2023; đạt giải Khuyến khích giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2023 cấp trường. Đồng thời, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện năm học 2022-2023 với điểm trung bình 3,76. Chia sẻ kinh nghiệm để đạt điểm số cao trong học tập, Ánh cho biết: “Em xác định môi trường đại học không giống như cấp III. Ở đây, chúng em cần chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức và thật sự tập trung chú ý khi thầy cô giảng bài. Bên cạnh đó, em học hỏi từ các anh chị khóa trước, tham khảo nhiều tài liệu, tham gia vào các câu lạc bộ học thuật để tìm cho mình hướng đi. Đồng thời lên cho mình một kế hoạch nhất định, cụ thể, rõ ràng và cố gắng hoàn thành từng mục tiêu trước thời hạn”. 

Bên cạnh đó, máu Đoàn đã ngấm vào tim - Ánh bảo vậy, nên từ những ngày còn là cô lớp trưởng kiêm bí thư ở Trường THPT Pró, đến khi là lớp phó học tập và Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Liên chi Đoàn Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt, Ngọc Ánh vẫn luôn mang trong mình tinh thần năng động, sôi nổi, nhiệt huyết và trách nhiệm. Phụ trách nội dung trong Ban Truyền thông của Khoa, Ánh đã cùng BCH Liên chi đoàn, Liên chi hội lên nội dung và ý tưởng, tổ chức thành công nhiều hoạt động. Sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập và công tác Đoàn - Hội, Ngọc Ánh chia sẻ: “Công tác Đoàn - Hội biến em từ một người rụt rè trở thành một người mạnh dạn, tự tin, giao tiếp với mọi người hơn tốt hơn. Em cũng học được rất nhiều kỹ năng và bài học kinh nghiệm từ các hoạt động thực tiễn”.

Sinh ra và lớn lên nơi thôn nhỏ ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương trong một gia đình có 7 chị em gái, khi mà điều kiện học tập lẫn cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, câu chuyện của Nguyễn Thị Ngọc Ánh như một minh chứng tiêu biểu cho sự nỗ lực của bao thế hệ học trò ở những vùng quê khó khăn, rằng “học để thoát nghèo, để có con chữ thay đổi cuộc đời”. Từ cấp III, Ánh đã tham gia vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử của trường và đoạt giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đồng thời là một trong những thế hệ học sinh đầu tiên của Trường THPT Pró tham gia vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật. 

So với các bạn đồng trang lứa, Ánh bị chậm một năm, bởi em đã có 1 học kỳ theo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và sức khỏe của mẹ có vấn đề, Ánh quyết định nghỉ học để về nhà, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Thế nhưng, cũng chính trong thời gian đi làm, tiếp xúc với thực tế đó, Ánh nhận thức sâu sắc nhất tầm quan trọng của tri thức và tấm bằng đại học. “Nếu em chỉ làm mãi công việc phổ thông thì lương của em chỉ có vậy, tương lai của em cũng sẽ bị hạn chế chứ không rộng mở. Tri thức từ giảng đường đại học sẽ là thứ quyết định cuộc đời em sau này có thay đổi được hay không” - Ánh nghĩ vậy, nên em gom góp số tiền tiết kiệm được sau hơn nửa năm đi làm, quyết định đi học lại tại Trường Đại học Đà Lạt để có thể gần bố mẹ. 

Ánh là con út trong gia đình, cũng là người con duy nhất trong nhà được học đại học. Dù các chị có học lực khá giỏi, nhưng những bữa cơm 9 miệng ăn chỉ trông chờ từ tiền công làm thuê, làm mướn của bố mẹ khiến các chị không dám nghĩ đến chuyện học nhiều hơn. Thế nên, Ánh nói rằng, em nỗ lực cho cả phần của các chị, cho cả những kỳ vọng, động viên của cả gia đình. 

Nhận xét về Ngọc Ánh, chị Phạm Thị Huê - Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: “Mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ngọc Ánh thường xuyên phải di chuyển từ Đà Lạt về Đơn Dương để phụ giúp gia đình vào những ngày cuối tuần nhưng không vì thế mà em ngừng phấn đấu, trở thành sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, có các công trình nghiên cứu khoa học và giúp đỡ những người yếu thế trong cộng đồng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, Ngọc Ánh đã được các đồng chí trong Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường, các giảng viên hướng dẫn và phấn đấu để hoàn thiện các tiêu chí xét giải thưởng Sao tháng Giêng. Em là một cán bộ Đoàn - Hội rất nghị lực và xứng đáng là tấm gương sáng cho các bạn sinh viên noi theo”.



Liên kết hữu ích