Tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trường học cũng như các vật liệu tái chế, nhiều khu vườn rau xanh đã khéo léo được xây dựng trong trường học trên địa bàn huyện Lạc Dương, giúp các em có mô hình thực hành và cũng là nguồn cung cấp an toàn cho các bữa ăn bán trú.
Em Kră Jăn Ka Đoan cùng các bạn chăm sóc vườn rau xanh |
Cứ mỗi giờ ra chơi, em Kră Jăn Ka Đoan (học sinh lớp 8A, Trường THCS Đưng K’nớ) lại không quên chạy đến kiểm tra xem những cây rau xà lách mình trồng đã ra được mấy lá, có lớn thêm chút nào hay không. Em cũng rất tự hào khoe sau khi được hướng dẫn đã biết cách làm đất, lên luống để trồng rau. Giờ đây, việc của các em là hằng ngày tưới nước, nhổ cỏ và chờ đợi ngày thu hoạch. “Em cũng không ngờ trồng rau mất nhiều thời gian và công đoạn như thế. Giờ đây, em có thể áp dụng các kiến thức về sinh học, công nghệ... đã được học vào thực tế. Nếu có gì khó hay thắc mắc thì có thể hỏi ngay giáo viên. Chúng em cũng rất vui vì có thể trồng được nhiều loại rau, ăn rất ngon nữa”, Ka Đoan nói.
Tại địa phương còn nhiều khó khăn như Đưng K’nớ, việc đưa học sinh trải nghiệm trồng rau, hoa hay các mô hình phát triển nông nghiệp ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, với việc được hỗ trợ nhà kính trồng rau và triển khai các mô hình trồng rau ngoài trời, học sinh đã có thể có những trải nghiệm thực tiễn sản xuất và rèn luyện kỹ năng sống. Anh Pang Ting Manh - Bí thư Đoàn Trường THCS Đưng K’nớ cho biết, từ khi mô hình được triển khai thường xuyên đã tạo được sự hào hứng trong các em học sinh. Đồng thời, nhà trường có thêm nguồn rau xanh tại chỗ để cải thiện bữa ăn bán trú. Bên cạnh đó, nhà trường hiện có 12 bạn học sinh nội trú, ăn ở tại trường. Các em đã được chăm lo theo chế độ của nhà nước quy định, tuy nhiên nhà trường cũng thường xuyên vận động từ các nhà hảo tâm để bổ sung thực phẩm làm phong phú các bữa ăn.
Hiện nay, nhà trường cũng tận dụng phần đất trống còn lại trong khuôn viên trường để mở rộng không gian trồng thêm các loại rau như su su, bí, rau lang... giúp các em có thêm những trải nghiệm, cải thiện bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho các em. Bên cạnh đó cũng giúp hoạt động giảng dạy ở trường học trở nên phong phú, qua đó tăng thêm hứng thú học tập cho học sinh. “Các em được thực hành cuốc đất, làm đất, bón phân, gieo hạt, trồng cây... là kiến thức sinh học lớp 6, 7 đã được học nhưng không có nhiều điều kiện áp dụng tại nhà. Từ khi có vườn rau, các em không chỉ biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để vận dụng trong cuộc sống hằng ngày mà còn giúp các em biết trân quý sức lao động, yêu thiên nhiên hơn”, anh Pang Ting Manh chia sẻ.
Chị Trần Phương Anh - Quyền Bí thư Huyện Đoàn Lạc Dương cho biết, mặc dù mô hình với quy mô còn nhỏ, tuy nhiên với hiệu quả mang lại đã thể hiện tinh thần đoàn kết của các bạn đoàn viên, thanh niên. Đây là một trong những phần việc, công trình rất ý nghĩa và thiết thực. Huyện Đoàn cũng đã nhân rộng ra hầu hết các chi đoàn trường học trên địa bàn với tên gọi “Vườn rau thanh niên”.
Ngoài việc tận dụng không gian trống trong khuôn viên trường, từ các vật liệu tái chế từ thùng xốp, ống nước, lon sữa... các thầy cô, học sinh trong các chi đoàn trường học đã khéo léo xây dựng nên các vườn với đa dạng loại rau tươi tốt. “Những loại rau như bó xôi, xà lách, cải ngọt,... được trồng theo mô hình rau sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau được thu hoạch sẽ giúp cải thiện bữa ăn cho các em học sinh bán trú, đồng thời bán cho các thầy cô giáo trong nhà trường, người dân có nhu cầu nhằm gây quỹ để cuối năm các đơn vị có tiền trao học bổng hoặc hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm động lực vươn lên”, chị Phương Anh cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin