Lâu nay, người dân xã Đạ K’nàng (Đam Rông) vẫn thường gắn bó với cây trồng quen thuộc là cà phê. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng một số cây có giá trị kinh tế tăng thêm thu nhập. Mô hình tổng hợp cà phê kết hợp với trồng cà chua, ớt sừng... của gia đình anh Triệu Đức Lành, đoàn viên xã Đạ K’nàng là một ví dụ điển hình.
Anh Triệu Đức Lành (bìa trái) là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Đam Rông |
Trước đây, cũng như bao bà con trong vùng, gia đình anh Triệu Đức Lành chủ yếu độc canh cây cà phê, nhưng những năm trở lại đây, anh Lành đã dành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua, cây ớt từ những người đi trước ở một số xã lân cận trong huyện và huyện Đơn Dương. Sau một thời gian tìm hiểu thực tế tại một số nơi, năm 2022, anh Triệu Đức Lành đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha cà phê, mắc ca đang cho kinh doanh để trồng cây cà chua, ớt. Vạn sự khởi đầu nan, khi mới bắt tay thực hiện, anh Lành cũng gặp một số khó khăn, như: chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây..., nên hiệu quả mang lại còn hạn chế. Bên cạnh đó, có thời điểm cà chua rớt giá nên cũng có những khó khăn nhất định.
Được Đoàn Thanh niên xã Đạ K’nàng hỗ trợ cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp và với ý chí quyết tâm, anh Triệu Đức Lành vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đến nay, mô hình trồng cà chua, ớt của gia đình anh đã phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Anh Triệu Đức Lành chia sẻ, trước đây, trồng cây cà phê cũng rất vất vả, chi phí đầu tư khá cao, giá cả thì bấp bênh, làm một năm mới thu một lần. Còn từ khi trồng cà chua, ớt thì thu nhập hàng năm của gia đình đã được cải thiện đáng kể. Với 1 ha ớt sừng, ớt xiêm và 0,5 ha cà chua, một năm trồng từ 2 - 3 vụ, với giá thị trường dao động từ 10.000 - 23.000 đồng/kg, năm 2023, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 800 triệu đồng. Anh Lành còn cho biết thêm, có thời điểm cà chua được giá, bình quân gia đình anh thu trên 100 triệu đồng/vụ/sào, có lúc giá cả thị trường xuống còn 5.000 đồng/kg, thì từ 5 sào cà chua cũng cho gia đình anh thu 200 triệu đồng/vụ, sau khi đã trừ chi phí. Canh tác ớt, cà chua, nông dân phải thường xuyên đi thăm đồng, sớm phát hiện dịch bệnh để kịp thời phòng trừ; đồng thời, thường xuyên tưới nước, bón phân, xịt thuốc (bằng dòng chế phẩm sinh học) cho cây phát triển cho năng suất, chất lượng quả tốt và thân thiện với môi trường. Bên cạnh trồng cà chua, gia đình anh Triệu Đức Lành còn duy trì trồng 5 ha cà phê giống cao sản và xen mắc ca, mỗi năm bình quân thu về trên 15 tấn cà phê nhân, trừ chi phí đầu tư, gia đình cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp cà chua, ớt, cà phê, mắc ca, mỗi năm gia đình anh Lành có thu nhập trên 900 triệu đồng. Nhờ đó, đến nay kinh tế của gia đình anh đã phát triển ổn định, anh chẳng những có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học, mà có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, thâm canh cà phê được tốt hơn. Không chỉ cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh Triệu Đức Lành còn phát huy tính tiền phong gương mẫu của tuổi trẻ trong xung kích tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương, nhất là phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới...
Chị Kon Sơ K’Hiếu - Phó Bí thư Đoàn xã Đạ K’nàng, cho biết: “Anh Triệu Đức Lành là đoàn viên thanh niên luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tích cực tham gia phong trào của Đoàn cũng như địa phương phát động. Ngoài ra, anh Triệu Đức Lành là thanh niên chịu khó, ham tìm tòi, học hỏi để áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững...”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin