Xây dựng vị thế hàng đầu khu vực Tây Nguyên trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ

VIỆT QUỲNH 07:29, 03/06/2024

Từ khoá tuyển sinh đầu tiên vào năm 1977, sau khi được thành lập trên cơ sở Viện Đại học Đà Lạt, đến tháng 3/2023, hơn 77.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp ở các loại hình, trình độ khác nhau tại Trường Đại học Đà Lạt. 

Tỷ lệ học sinh, sinh viên khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng theo học Trường Đại học Đà Lạt tăng dần qua các năm
Tỷ lệ học sinh, sinh viên khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng theo học Trường Đại học Đà Lạt tăng dần qua các năm

Trường Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở Viện Đại học Đà Lạt vào năm 1976 và tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 1977. Theo TS. Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, trải qua lịch sử hơn 65 năm hình thành, đổi mới và phát triển, Trường hiện là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực; đã khẳng định vị thế vững chắc là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng có chất lượng, uy tín cao ở khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Trường có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia; có đóng góp lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên và cả nước. 

Đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Đà Lạt có tổng cộng 57 ngành đào tạo, gồm 40 ngành ở trình độ đại học (chiếm 30,1% tổng số ngành toàn khu vực Tây Nguyên), 10 ngành ở trình độ thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 50%) và 7 ngành ở trình độ tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 63.6%). 

Quy mô sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường luôn duy trì ở mức cao so ở khu vực với hơn 14.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các trình độ, loại hình đào tạo. Năm học 2023 - 2024, Trường có tổng cộng 14.510 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học ở tất cả các loại hình, trình độ đào tạo. 

Tính đến tháng 3/2024, tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của Trường Đại học Đà Lạt là 451 người, trong đó có 315 giảng viên, bao gồm 1 giáo sư, 18 phó giáo sư, 105 tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của Trường chiếm tỉ lệ 39,4% tổng số giảng viên toàn Trường, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm tỉ lệ 90,5% tổng số giảng viên cơ hữu.

TS. Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Trường là một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, một số lĩnh vực đào tạo trọng điểm đã có truyền thống lâu đời và là thế mạnh của Trường như: các ngành khoa học cơ bản (hơn 45 năm), sư phạm (42 năm), du lịch (22 năm), lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học (hơn 20 năm). Hiện, Trường có 9 ngành đào tạo lĩnh vực sư phạm; 9 ngành kinh doanh, quản lý, pháp luật, du lịch; 15 ngành khoa học xã hội và nhân văn; 5 ngành nông nghiệp, công nghệ sinh học, sản xuất, chế biến và 19 ngành khoa học tự nhiên, công nghệ. Đây cũng là những ngành nghề giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Kết quả thống kê cho thấy, trong tổng số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã được công nhận tốt nghiệp từ Trường Đại học Đà Lạt, có 23,74% đến từ khu vực Tây Nguyên, trong đó 19,43% đến từ địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2015 đến nay, số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Trường Đại học Đà Lạt có 55,21% đến từ khu vực Tây Nguyên, trong đó 45,9% đến từ tỉnh Lâm Đồng, cho thấy có một sự dịch chuyển lớn so với giai đoạn trước.

Về công tác nghiên cứu khoa học - hợp tác quốc tế, Tạp chí khoa học của Trường Đại học Đà Lạt là một trong 6 tạp chí đầu tiên của cả nước được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á - ACI. Từ năm 2018 đến nay, cán bộ, nhà khoa học của Trường đã thực hiện hơn 40 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trở lên, công bố hơn 1.000 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Đặc biệt, liên tục trong nhiều năm qua, Trường Đại học Đà Lạt luôn nằm trong top 30 Trường có số bài báo được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nhiều nhất cả nước. 

Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế của Trường Đại học Đà Lạt không ngừng được mở rộng. Từ năm 2018 đến nay, Trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 70 đối tác nước ngoài. Các đối tác đã tài trợ hơn 230.000 USD cho các dự án khác nhau của Trường. Trong đó, Trường Đại học Đà Lạt đặc biệt có mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả với các trường đại học, các đối tác của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là cơ sở quan trọng để Trường triển khai các dự án, đề tài, tài trợ và đưa sinh viên đi thực tập ở các nước.

Theo Hiệu trưởng Lê Minh Chiến, là cơ sở giáo dục đại học có truyền thống lâu đời nhất khu vực Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt cũng đồng thời xây dựng và khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của khu vực. Trường Đại học Đà Lạt là cơ sở giáo dục đại học xếp thứ 33 trong tổng số 100 trường đại học hàng đầu Việt Nam và đứng đầu khu vực Tây Nguyên theo bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam VNUR năm 2024. 

Trường Đại học Đà Lạt xác định mục tiêu đến năm 2030, Trường trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu khu vực, cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Nam Tây Nguyên và vùng phụ cận. Đồng thời, trở thành một trung tâm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và cung cấp các giải pháp, sản phẩm khoa học công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhân lực cho địa phương và khu vực trong các lĩnh vực trọng điểm. Đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong khu vực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, góp phần nâng cao các chỉ số về giáo dục, bao gồm cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.