(LĐ online) - Gần 50 đoàn viên thanh niên của các đơn vị hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Đam Rông đã cùng người dân trong tiểu khu Đạ Mpô (Thôn 5, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông) dựng lại cây cầu Đạ Mpô, đảm bảo an toàn và thuận tiện đi lại cho bà con.
Người dân dùng ván cũ làm thành bè tạm để di chuyển khi không có cầu |
Trước đó, vào ngày 17/8, do ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ nhiều, cây cầu gỗ duy nhất bắc ngang qua con suối Trạm Hương, đường vào xóm Lù A Gia (thôn 5) bị sập hoàn toàn khiến cho việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Khi cầu sập, mỗi lần qua suối là một lần vất vả và nguy hiểm |
Anh Sùng Vang Tính – Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở thôn 5 cho biết, trước khi sập hoàn toàn, cây cầu đã bị nghiêng phần lớn, bà con không thể di chuyển xe máy, xe đạp qua cầu. Khu dân cư này cách trung tâm của thôn - nơi có các điểm trường khoảng hơn 1km. Cầu Đạ Mpô trước nay là đường đi lại, vận chuyển hàng hóa duy nhất của bà con.
Đoàn viên thanh niên dọn dẹp rác trên lòng suối để làm cầu |
Từ ngày cầu sập, để qua suối, lúc nước cạn thì có thể đi bộ hoặc chạy xe máy qua phần lòng suối. Nhưng khi nước lên, người dân sử dụng một phần mặt cầu cũ rơi xuống suối để cột dây làm thành một cái phà tạm, chở người và xe máy cùng hàng hóa. Tuy nhiên việc này cũng mất an toàn, phải có sự giúp sức của nhiều người, vô cùng bất tiện.
Hàng trăm người dân tại Tiểu khu Đạ Mpô cũng tham gia làm cầu |
Sau những cơn mưa lớn, nước tràn về dâng cao hơn, nhiều người không dám qua suối mà chọn cách đi bộ bằng đường vòng phía trên các đồi cao. “Nếu đi bộ đường đó thì phải mất tầm 20 phút so với qua suối. Đường đất mùa mưa cũng trơn, nhưng an toàn hơn. Tuy nhiên vì đi xa quá nên có hôm mình cũng không đưa con đi học được”, chị Thào Thị Chung, người dân trong xóm cho biết.
Tại cụm dân cư này có hơn 60 hộ dân người K’Ho và người Mông sinh sống, với khoảng hơn 300 nhân khẩu. Bên cạnh đó, phần lớn đất sản xuất của người dân tiểu khu Đạ Mpô đều ở trong khu vực này nên khi cây cầu sập người dân cũng không thể đi làm vườn.
Đoàn viên thanh niên góp sức cùng người dân |
Đoàn viên, thanh niên của Ban Chỉ huy quân sự huyện tham gia giúp dân |
Ông Sùng Seo Dũng là một trong những hộ dân có đất sản xuất trong khu vực này. Không có cầu, ông không thể chở phân bón lên vườn, đi bộ cũng không xong nên đã 4 ngày rồi không lên rẫy. Bởi từ suối Trạm Hương đến vườn nhà ông gần 2km. Khi biết chính quyền xã Liêng Srônh huy động người dân làm cầu mới, ông cũng có mặt từ sớm để giúp sức. Mỗi người một việc, trong 1 ngày, cây cầu mới đã cơ bản hoàn thành, người dân có thể đi lại an toàn hơn trước. Ông Dũng cũng như tất cả người dân đều vui mừng.
Cây cầu mới được làm chắc chắn, rộng hơn cầu cũ |
Anh Phạm Văn Linh - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông cho biết, cùng với lực lượng của xã, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng huy động gần 50 đoàn viên, thanh niên của các đơn vị hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang để giúp sức giúp người dân làm cầu. Với chiếc cầu mới này, việc sinh hoạt, lao động, sản xuất của các gia đình sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, bảo đảm an toàn nhất là trong điều kiện mưa gió, đêm tối.
Trong 1 ngày, mọi công việc đã được hoàn tất |
Sau 1 ngày với sự tham gia của đông đảo người dân, cây cầu mới dài 21m, mặt cầu rộng 2,5m đã hoàn thành. Tuy có vất vả, mệt nhọc nhưng ai nấy rất phấn khởi và quyết tâm để công trình nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đoàn xã sẽ cùng người người dân tiếp tục làm thêm lan can, để cho học sinh và người dân đi lại an toàn hơn.
Có cầu mới, người dân cũng an tâm hơn |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin