Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn TP Bảo Lộc đã có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương. Đồng thời, phát huy các điều kiện, lợi thế sẵn có của địa phương, mở ra cơ hội việc làm cho ĐVTN góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Mô hình nuôi ếch từ nguồn vốn vay ưu đãi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho thanh niên Bảo Lộc khởi nghiệp, lập thân |
• HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Hiện nay, toàn TP Bảo Lộc có gần 34.500 ĐVTN, trong đó có hơn 16.000 hội viên thanh niên. Nhìn chung, đại bộ phận thanh niên đều có trình độ học vấn, tư duy sáng tạo, năng động; có lòng yêu nước, ý chí vươn lên phát triển bản thân, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và hoài bão lớn cùng đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Theo thống kê, đến nay, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố hỗ trợ thanh niên, hội viên phát triển kinh tế do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) thành phố quản lý với tổng dư nợ hơn gần 100 tỷ đồng, với trên 1.650 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Trong đó, có nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ từ các nguồn vốn vay ưu đãi được phát huy và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế đã chứng minh, vốn vay ủy thác đã đáp ứng phần nào nhu cầu về vốn của nhiều ĐVTN trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH đã giúp cán bộ Đoàn, Hội trên địa bàn nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thực hiện Đề án chính sách khởi nghiệp cho thanh niên, Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP Bảo Lộc đã thẩm định 28 trường hợp đủ điều kiện vay vốn khởi nghiệp. Trên cơ sở này, NHCSXH thành phố đã xét duyệt và giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi giúp thanh niên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi chim cút, trồng hoa lan, kinh doanh cây giống, kinh doanh nội thất...
Qua tìm hiểu, anh Trần Quốc Thư (34 tuổi, ngụ xã Lộc Nga) là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu vượt khó vươn lên lập nghiệp từ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Thư cho biết: “Sau khi lập gia đình, tôi được bố mẹ cho 3 sào đất để sản xuất nông nghiệp. Do diện tích đất ít, nên tôi đã tìm hiểu và lựa chọn kinh doanh cây giống cà phê, sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, tôi đã dành 0,5 sào đất lập vườn ươm và mua 12.000 cây giống cà phê, sầu riêng về ghép để bán. Sau 2 năm triển khai thấy hiệu quả, đầu năm 2024, tôi đã vay 200 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mở rộng quy mô. Năm nay, nhờ giá cà phê tăng cao nên nhu cầu cây giống cũng tăng. Với hơn 30.000 cây giống cà phê và 10.000 cây giống sầu riêng đã mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận hơn 250 triệu đồng”.
Hay như trường hợp của các anh, chị Văn Hậu, Đinh Văn Hồ (xã Đam B’ri); Võ Quang Hướng, Lê Trần Việt (Phường 1); Đinh Phạm Vân Anh, Trương Thị Thanh Trúc, Lưu Tuấn Giang (phường Lộc Sơn)… đã vay nguồn vốn ưu đãi từ 100 đến 200 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình nuôi ếch, lươn và gà thả vườn. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng họ có được nguồn thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng.
• CẦN THÊM NHỮNG NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI
Chị Nguyễn Hà Thanh - Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Bảo Lộc, cho biết: Tín dụng chính sách không chỉ là điểm tựa giúp ĐVTN khởi nghiệp, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mà còn góp phần giúp các tổ chức Đoàn, Hội tập hợp, thu hút ĐVTN. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa ĐVTN với tổ chức Đoàn, Hội. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của NHCSXH, cán bộ Đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, từ đó phối hợp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, hầu hết thanh niên được hỗ trợ vay vốn đều vươn lên trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Điều đó, góp phần thu hút ĐVTN ngày càng gắn kết với các cơ sở đoàn, đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu.
Cũng theo chị Nguyễn Hà Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều thách thức đối với nhu cầu khởi nghiệp, lập thân của thanh niên cần được tháo gỡ. Cụ thể, ngoài nguồn vốn từ NHCSXH thì đa phần thanh niên chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi khác để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những thanh niên trẻ tuổi chưa có tài sản thế chấp rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để lập nghiệp, lập thân khi có nhu cầu.
Do thiếu nguồn vốn, nên thanh niên tại địa phương chưa chủ động xây dựng được các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường; việc kết nối tiêu thụ sản phẩm còn gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.
Tại buổi đối thoại với thanh niên địa phương, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Ngô Văn Ninh, khẳng định: Các đề xuất liên quan đến nguồn vốn ưu đãi, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã giúp thanh niên khởi nghiệp, lập thân là những đề xuất, nhu cầu chính đáng cần được quan tâm, tạo điều kiện. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có kế hoạch triển khai hỗ trợ thanh niên trong thời gian tới. Đồng thời, nắm chắc việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thanh niên để tham mưu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung hiệu quả, phù hợp thực tiễn của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin