Chị Toneh Matina, một thanh niên Churu, không chỉ là một tấm gương sáng trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ của buôn làng.
Chị Toneh Matina |
• NỐI DÀI SỢI DÂY VĂN HÓA
Sinh ra trên miền đất có nhiều vũ điệu kỳ ảo của tộc người Churu, bên dòng Đa Nhim huyền thoại, tuổi thơ Toneh Matina gắn liền với không gian văn hóa lễ hội của buôn làng. Đặc biệt, sự ảnh hưởng từ bà - Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio - đã nuôi dưỡng trong chị niềm đam mê mạnh mẽ với việc gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương. “Với niềm đam mê múa hát từ nhỏ nên khi lên 8 tuổi, Toneh Matina đã biết múa, 10 tuổi thì biết đánh chiêng. Bây giờ Toneh Matina ngoài làm kinh tế gia đình còn tham gia các câu lạc bộ cùng bà để truyền dạy và lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình”, bà Tou Neh Ma Bio chia sẻ.
Đến nay, Matina đã tích cực tham gia vào nhiều chương trình văn hóa ở khắp nơi, từ Hà Nội đến Đắk Lắk, Gia Lai và ngay tại quê hương mình. Với chị, những buổi biểu diễn không chỉ là dịp để chị thể hiện tài năng mà còn là một cách để giới thiệu văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè cả nước.
Theo ông Tou Prong Dzung, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ của người Churu tại Lâm Đồng: “Cộng đồng người đồng bào Churu có nhiều điệu dân vũ độc đáo như Tamya Arya, Dam dra, T’rum pô và Păh gơnăng. Trong số đó, điệu Tamya Arya nổi bật là nhịp chiêng và cũng là vũ điệu cơ bản, đặc sắc nhất của người Churu. Vũ điệu này không thể thiếu trong các lễ hội và những sự kiện trọng đại suốt cuộc đời mỗi con người.
Nhận thức rõ điều này, chị Toneh Matina chia sẻ: “Chúng tôi đã không ngừng luyện tập để có thể gìn giữ, truyền dạy các điệu múa này, bên cạnh đó còn thường xuyên cùng các thanh niên trong câu lạc bộ và người dân thôn buôn, tích cực học hỏi thêm nhiều vũ điệu dân tộc khác như Bắc Kơ Năng (Thờ cúng), Thu Lơ Griắ Đam tra (Ca ngợi những người đầu bếp phục vụ lễ hội và cưới hỏi), Pro Bray (Những chàng trai, cô gái múa hát quanh lửa trại để giao duyên)... Từ đó, tôi và các thành viên trong câu lạc bộ cùng nhau trình diễn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình đến các thế hệ mai sau”.
Bên cạnh niềm đam mê với những điệu múa, ca dao của dân tộc Churu, Toneh Matina luôn tự hào với những bộ trang phục của dân tộc mình. Bởi với cô: “Nét riêng biệt trong văn hóa của người Churu được thể hiện trong cách ăn mặc. Mặc dù cộng đồng người Churu không có nghề dệt nhưng từ hàng trăm năm trước, họ đã sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, của người K'Ho, tự biến tấu theo kiểu dáng truyền thống ăn mặc của dân tộc mình. Do đó, trang phục truyền thống của người Churu rất đặc trưng”.
"Trang phục của người Churu kết hợp trang phục của người K' Ho và người Chăm. Khăn trắng, khăn choàng trắng, mũ trắng - màu trắng là của người Chăm. Còn màu đen và màu nâu là của người K'Ho. Hoa văn trên váy là ảnh hưởng của người K'Ho", ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Đơn Dương cho biết.
Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương tái hiện Lễ hội bắt chồng |
• YÊU QUÊ HƯƠNG KHÔNG CHỈ LÀ VĂN HÓA
Với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn, chị Matina không ngừng nỗ lực để nâng cao nhận thức của thanh niên và người dân về việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Chị đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình trong dòng tộc và thôn từ bỏ các hủ tục như: tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ được bản sắc văn hóa mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tiến bộ.
Chị còn dẫn dắt các đoàn viên tham gia vào các hoạt động xã hội như: “Ngày Chủ nhật xanh”, dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường trong thôn. Qua những hoạt động này, chị không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn tạo động lực cho nhiều người cùng tham gia, nhằm xây dựng một môi trường sống sạch đẹp hơn.
Bên cạnh các buổi biểu diễn, chị còn tham gia tái hiện những lễ hội truyền thống của dân tộc. Việc quay hai bộ phim tư liệu về các lễ hội không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Sự tâm huyết của chị còn thể hiện qua việc thu âm những bài hát dân ca, trong đó có những sáng tác do chính chị và bà viết lời, tạo ra một kho tàng âm nhạc phong phú cho thế hệ mai sau.
Ngoài ra, chị Matina còn là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư trồng rau màu theo hướng công nghệ cao trong nhà kính không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn mang lại việc làm cho nhiều nhân công trong thôn. Đây là một minh chứng rõ nét cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới của thế hệ trẻ hiện nay.
Qua những hoạt động văn hóa phong phú và những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, chị Toneh Matina đã khẳng định rằng thế hệ trẻ hoàn toàn có thể là lực lượng chủ lực trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Với tâm huyết và nhiệt huyết của mình, chị không chỉ góp phần làm giàu thêm văn hóa địa phương mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác trong hành trình giữ gìn hồn thiêng văn hóa dân tộc bản địa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin