Định hướng sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực cho thế hệ trẻ

ANH TUẤN 06:30, 18/12/2024

Trong thời đại bùng nổ thông tin trên internet hiện nay, mạng xã hội (MXH) ngày càng có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, là một trong những công cụ vô cùng quan trọng giúp kết nối mọi người, mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, phạm vi chia sẻ rộng, MXH đang trở thành nhu cầu không thể thiếu với mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. 

Thanh niên là lớp người tuổi đời còn trẻ, ưa hoạt động, giàu ước mơ hoài bão, nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin, các luồng tư tưởng mới trong xã hội. Song họ lại có đặc điểm là khả năng phân tích và chọn lọc còn hạn chế, chưa hiểu sâu về chính trị, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, nên dễ bị kích động, lôi kéo, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng tốt. Với những đặc điểm đó, thanh niên là đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam trong hiện tại và tương lai. 

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet, với hơn 70 triệu tài khoản MXH được đăng ký, trong đó, 1/3 là thanh niên, thiếu niên. Với khả năng nhận thức, tiếp cận nhanh chóng, dễ thích nghi với những thay đổi của internet và MXH, nhưng cũng dễ bị tổn thương bởi các MXH chưa có đủ cơ chế để bảo đảm an toàn cho đối tượng này trên không gian mạng. Đáng chú ý, đây là lứa tuổi đang ở giai đoạn dậy thì nên không ổn định về mặt tâm lý và sinh lý, cùng với sự phát triển chưa hoàn chỉnh của nhân cách, thường có xu hướng muốn chứng minh bản thân, bộc lộ tính cách mạnh mẽ nhưng thiếu suy nghĩ, sẵn sàng mạo hiểm, thử thách. Điều này càng trở nên phức tạp khi hiểu biết pháp luật và kiến thức về đời sống xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lệch, khiến cho thế hệ trẻ, nhất là người chưa thành niên dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, thậm chí là mua bán người... Theo nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Plan International cho thấy tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020; hơn 50 % trẻ em vị thành niên tại Việt Nam bị bắt nạt trực tuyến.

Trên MXH có vô số thông tin, hình ảnh nội dung xấu, độc tác động, làm lệch chuẩn về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu niên, dẫn tới các hậu quả khó lường. Đó là những thông tin mang nội dung đồi trụy, bạo lực, tuyên truyền lối sống lệch lạc, thậm chí là các hành vi phạm tội, chống đối xã hội. Một thực tế đáng suy ngẫm, nhiều trẻ em, người chưa thành niên hiện nay đang cổ súy cho những “giang hồ mạng”, bắt chước lối sống không chuẩn mực, lan tỏa những hành vi sai lệch trên MXH. Thậm chí nhiều em còn bày tỏ nguyện vọng muốn làm “đệ tử” của các giang hồ mạng. Trong thời gian qua, một số đối tượng có ảnh hưởng trên MXH như Phú Lê, Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, đây là một hiện tượng thần tượng mạng lệch lạc khi những đối tượng này có những video chứa những hình ảnh phản cảm, bạo lực, lời nói tục tĩu nhưng đối tượng xem chủ yếu là giới trẻ, gây ra những nhận thức sai lệch về tâm lý, hành vi lệch chuẩn của giới trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đối với thế hệ trẻ, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, làm cho các em nhận thức được lợi ích của việc sử dụng MXH đúng cách; bên cạnh đó, nhận diện được âm mưu, thủ đoạn lợi dụng MXH để chống phá đất nước của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện cần làm thường xuyên, liên tục, phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống thông tin, truyền thông từ Trung ương, cấp tỉnh đến cơ sở; kết hợp giáo dục, tuyên truyền theo chuyên đề với chủ đề, giáo dục trong nhà trường và gia đình, các loại hình truyền thông, thông tin từ truyền thống đến hiện đại cho phù hợp với không gian, thời gian và đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, quy tắc xã hội, xây dựng phong cách văn hóa cho thế hệ trẻ khi tham gia MXH; đồng thời, ngăn chặn, vô hiệu hóa những thông tin xấu, độc, hành vi phản cảm, thiếu văn hóa đăng tải trên MXH của các thế lực thù địch.

Cần tăng cường giáo dục việc sử dụng mạng internet, MXH an toàn, thông minh. Trong môi trường giáo dục hiện đại không thể thiếu internet, MXH, phụ huynh và nhà trường cần chung tay xây dựng một “bức tường lửa” an toàn cho học sinh khi sử dụng MXH. Mỗi phụ huynh cần tự trang bị kỹ năng sử dụng MXH an toàn, văn minh, từ đó hướng dẫn cho con em mình. Cha mẹ cần phải có sự hiểu biết nhất định về MXH, biết sử dụng các trang mạng để phục vụ cho công việc, giải trí lành mạnh, là tấm gương tốt cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Gia đình cần phải quan tâm, nhắc nhở các thành viên trong gia đình, nhất là người trẻ về tác dụng, tác hại của MXH; giới hạn thời gian và định hướng cho người trẻ khi họ bắt đầu biết đến MXH. Nhà trường có thể xây dựng các tiết học ngoại khóa và có thể lồng ghép vào một số môn học... để giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói và đảm bảo những thông tin mà mình đăng trên mạng không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cá nhân hay tổ chức nào.

Áp dụng các công cụ kiểm soát và xây dựng một bộ quy tắc sử dụng internet cụ thể cho gia đình có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ trực tuyến. Ngoài ra, việc dành thời gian trò chuyện và lắng nghe chia sẻ về những gì trẻ em trải qua trên mạng không chỉ thắt chặt mối quan hệ gia đình mà còn là cơ hội để hướng dẫn trẻ tiếp cận thông tin một cách an toàn.

Phát triển kỹ năng sống và giao tiếp. Tổ chức các khóa học và hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển kỹ năng sống, bao gồm thể thao, nghệ thuật và các dự án xã hội, kỹ năng giao tiếp trực tiếp và quản lý cảm xúc cho thế hệ trẻ. Mục tiêu là giúp các em xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong đời sống thực và giảm sự phụ thuộc vào MXH. Tổ chức các chiến dịch truyền thông và sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh.

Các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ và liên tục, với sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, để có thể tạo ra một môi trường mạng an toàn và tích cực cho thế hệ trẻ.