Di Linh: Hỗ trợ tối đa để thanh niên khởi nghiệp hiệu quả

NGỌC NGÀ 05:39, 02/01/2025

Đó là phương châm được UBND huyện Di Linh thực hiện suốt nhiều năm qua, góp phần tạo động lực, thúc đẩy để ươm mầm các dự án, phong trào khởi nghiệp cho thanh niên trong toàn huyện.

Thanh niên đối thoại về vấn đề khởi nghiệp với Chủ tịch UBND huyện Di Linh
Thanh niên đối thoại về vấn đề khởi nghiệp với Chủ tịch UBND huyện Di Linh

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên trên toàn huyện. Thông qua đó “thổi” vào thanh niên và sinh viên khát vọng lập thân, lập nghiệp và ý chí làm giàu.

Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đức Công cũng đã nhiều lần đối thoại với thanh niên về vấn đề khởi nghiệp. Thông qua đối thoại để lãnh đạo huyện nắm bắt những khó khăn của các dự án khởi nghiệp và có phương án hỗ trợ cụ thể như: tiến hành kết nối với các chuyên gia nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng kế hoạch, định hướng để thanh niên khởi nghiệp xác định hướng đi. Địa phương cũng đã tổ chức phiên chợ khởi nghiệp thường xuyên để các thanh niên khởi nghiệp có nơi để quảng bá, xúc tiến sản phẩm. UBND huyện đóng vai trò trung gian, sợi dây liên kết từ các doanh nghiệp, doanh nhân đồng hương để mở rộng thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn...

Những năm qua, lãnh đạo huyện Di Linh cũng đã thường xuyên hướng dẫn, đồng hành, lãnh đạo, chỉ đạo để Huyện Đoàn Di Linh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên. Trong đó, chú trọng các hoạt động hỗ trợ cụ thể, giúp ích thiết thực cho từng mô hình, từng chủ thể. Đơn cử như, năm 2021, Huyện Đoàn vận động nguồn lực hỗ trợ sinh kế trị giá 20 triệu đồng đối với 5 trường hợp là thanh niên yếu thế tại thị trấn Di Linh và các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Tân Thượng. Các cơ sở đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiến hành giải ngân mới hơn 1 tỷ đồng cho gần 60 hộ vay là thanh niên có nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế... Năm 2022, Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiến hành giải ngân mới hơn 1,6 tỷ đồng tới gần 80 hộ vay là thanh niên phát triển kinh tế. Huyện Đoàn Di Linh cũng đã tổ chức kết nối cho mô hình thanh niên vay vốn khởi nghiệp từ nguồn “Đề án chính sách tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” cho 10 thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp với mỗi mô hình 200 triệu đồng vào năm 2023. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiến hành giải ngân mới hơn 1 tỷ đồng cho gần 60 hộ vay là thanh niên phát triển kinh tế. Và từ đầu năm 2024 đến nay, Huyện Đoàn Di Linh cũng tổ chức kết nối mô hình thanh niên vay vốn khởi nghiệp từ nguồn “Đề án chính sách tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” dành cho 19 thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp với mỗi mô hình 100 triệu đồng. Bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, Huyện Đoàn Di Linh cũng đã kết nối với các chuyên gia để tiến hành tập huấn hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên qua các trang thương mại điện tử như: Shopee, tiktok, faceboock, lazada, tiki...; hỗ trợ con, cây giống; hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ các thủ tục vay vốn từ các nguồn vốn ngân sách; có phương án hỗ trợ giải cứu sản phẩm nếu có sự cố.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Di Linh có 3 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo và đã đạt những kết quả nhất định. Đó là Hợp tác xã Mắc ca Di Lin (xã Hoà Nam) đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021; Cà phê hữu cơ Đỗ Tùng (Thôn 8, xã Hòa Bắc) đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022; Lan rừng Huyền Anh (xã Hoà Bắc). Các mô hình khởi nghiệp thành công trên đều đạt hiệu quả cao về kinh tế. Đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều nhân công địa phương.

Chị Phạm Thị Út (28 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Mắc ca Di Lin cho biết, sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương là bước "tạo đà" lớn giúp các mô hình khởi nghiệp của thanh niên đạt hiệu quả.

Trên địa bàn huyện Di Linh hiện nay có nhiều đoàn viên, thanh niên đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương chứ không còn đặt giấc mơ nơi đô thị lớn nữa. Tuy nhiên khởi nghiệp sẽ không thành công nếu nó được thực hiện theo “phong trào”. Và việc mỗi thanh niên chủ động nâng cấp nội lực từ bên trong thông qua việc trang bị kiến thức, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và quyết tâm cao. 

Hiện nay, huyện Di Linh khuyến khích thanh niên khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa - lịch sử, canh nông... Huyện Di Linh sẽ tiếp tục quan tâm tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất; đồng thời tiếp tục giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để phát huy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.