Ba anh em nghèo làm thuê đổi chữ

10:01, 18/01/2011

(LĐ online) - Đó là câu chuyện của ba anh em nghèo tuổi từ 13 đến 17, ở Đạ Huoai, sống không có cha mẹ, nhưng họ vẫn đầy lạc quan, cùng động viên nhau đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi chữ, nuôi kiến thức...

[links()] (LĐ online) - Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, Nguyễn Văn Nhân, học sinh lớp 10CB3 trường THPT Thị trấn Đạm Bri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) lại hì hụi dậy nấu cơm, sửa soạn lên núi kéo gỗ để kịp về đi học vào buổi chiều. Công việc vất vả nhưng lại chính là thu nhập chính giúp Nhân cùng hai em của mình (lớp 7 và lớp 8) có thể tiếp tục việc học.

Nhân kể: Do cha mẹ bỏ nhà đi từ nhiều năm nay, chị gái lớn thì lấy chồng tận Bến Tre, nhà chỉ còn ba anh em Nhân sống với nhau, Nhân lớn nhất nên là lao động chính của gia đình.

Nhân đang tranh thủ học bài để sáng mai lại tiếp tục công việc của mình.
Hằng ngày, Nhân vẫn dành thời gian tranh thủ ôn bài dù đi làm về có mệt đến mấy.
Trong căn nhà tình thương được chính quyền địa phương xây tặng năm 2008, tài sản của ba anh em chẳng có gì ngoài một chiếc tivi, một cái phản lớn làm chỗ ngủ và một chiếc bàn gỗ đóng sơ sài nhưng trên đó là những cuốn sách, vuốn tập được xếp đặt ngăn nắp. Nhân khoe, ba anh em cũng có 2 sào đất, nhưng mới trồng được cà phê hồi đầu năm 2010 nên mọi chi phí ăn học, sách vở đều trông chờ vào công việc làm thuê. Ba anh em ngoài giờ học thì mỗi đứa một việc như đi bẻ măng, thu hoạch rẫy khoai mì, lượm hạt điều thuê… cho các chủ vườn ở gần nhà. Nhân lớn nhất nên sau mỗi buổi đến trường, em lại lao vào những công việc khá nặng nhọc so với lứa tuổi học trò là đi kéo gỗ để mong kiếm được nhiều tiền.

Dáng người thấp nhỏ, nhưng do phải lao động nặng nhọc nên nhìn Nhân khá rắn chắc với nước da sạm nắng, già dặn như một người đàn ông từng trải. Ngước mắt nhìn ra cửa sổ, Nhân vu vơ kể: “Mỗi buổi đi rừng, em phải vác trên lưng tấm gỗ dài cỡ 1 – 1,5m, nặng khoảng 70kg từ trên núi xuống rồi theo đường mòn chở ra ngoài. Đường rừng, xa nên chuyện bị ngã sứt da chảy máu xảy ra thường xuyên. Một buổi đi kéo gỗ thuê, em được trả từ 100 – 120.000 đồng tiền công, nhưng không phải ngày nào cũng có việc, một tháng nhiều lắm cũng chỉ có mươi ngày.” Những khi không đi rừng kéo gỗ, Nhân lại cùng hai em trai đi hái măng, làm ruộng thuê. Thu nhập tuy không cao nhưng cũng có đồng ra, đồng vào để ba anh em duy trì việc học.

Thời gian biểu làm thêm của Nhân bận rộn như thế nhưng em bảo, tối nào cũng dành thời gian tranh thủ ôn bài, chuẩn bị cho buổi học hôm sau. Khó khăn, vất vả như vậy, nhưng Nhân vẫn tỏ ra khá lạc quan. Cô Trần Thị Huệ, GV dạy Văn năm lớp 9 của Nhân cho biết, em đã từng chia sẻ với cô rằng: “Nhà em đã có rau trên rừng, cá dưới suối nên em chỉ cần có gạo nữa thôi. Em chỉ cần có gạo để ăn, để cả ba anh em có thể được đi học mỗi ngày.”

Thương ba anh em sống đơn độc, không nhận được tình yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ nhưng lại chịu khó và có chí nên hàng xóm, bạn bè, thầy cô ở trường đều rất thương, thường xuyên động viên quan tâm, giúp đỡ. Chính vì thế, Nhân luôn nhắc nhở các em phải phấn đấu học thật tốt, để sau này có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trao đổi với tôi, Nhân thật thà: “Từ lớp một đến lớp sáu em đều được học sinh giỏi, nhưng sang lớp 7, 8, 9 chỉ đạt học sinh khá. Em thích đi học lắm, nhưng giờ nhà còn hai đứa em đang học lớp 7, lớp 8 nữa nên em chưa biết sẽ thế nào.”
 
Hy vọng rằng, với nỗ lực của ba anh em Nhân, con đường đến trường tuy có gập gềnh nhưng sẽ không bị cắt ngắn.

Huy Phan