Có nhiều ngành học không kém phần hấp dẫn, rất ít nơi đào tạo nhưng đang bị thí sinh bỏ qua vì mải chạy theo số đông.
Có nhiều ngành học không kém phần hấp dẫn, rất ít nơi đào tạo nhưng đang bị thí sinh bỏ qua vì mải chạy theo số đông.
Là một trong bảy trường ĐH trên cả nước được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân, đón đầu sự ra đời của các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai không xa, Trường ĐH Điện lực đã chính thức tuyển sinh chuyên ngành này sớm nhất, từ năm 2010. Người học được hưởng rất nhiều quyền lợi: ưu đãi về kinh phí đào tạo của Nhà nước (theo quy định của Chính phủ đối với ngành năng lượng nguyên tử) và của Tập đoàn Điện lực VN, được đào tạo hai năm cuối ở các trường ĐH tên tuổi của Nga, Czech, Pháp...
Nhưng trái với dự đoán của nhà trường, thí sinh tỏ ra không mặn mà với ngành học mới. Khóa đầu tiên chỉ tuyển 50 sinh viên nhưng trường phải xét tuyển đến nguyện vọng 2 cũng chưa đủ. Trường ĐH Điện lực khuyến khích thí sinh ở khu vực Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa...) dự thi vào chuyên ngành này nhưng hầu như chưa có thí sinh...
Nhiều chỉ tiêu, ít thí sinh
Thiếu nhiều nhân lực ngành tài nguyên, môi trường
Bộ Tài nguyên - môi trường đã hoàn thiện đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực cho các chuyên ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 45.000 người. Giai đoạn 2016 - 2020, với sự phát triển khoa học công nghệ, nhu cầu nhân lực này sẽ giảm xuống khoảng 20-25%.
Trong đó, các lĩnh lực hiện nay còn thiếu hụt nhiều nhân lực hoặc có ít chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên...
|
Tương tự, nhiều ngành học mới mẻ khác, chưa được các trường đào tạo ồ ạt, trong khi xã hội đã hình thành nhu cầu sử dụng nhân lực lớn... cũng không được thí sinh mặn mà. Trường ĐH Thương mại mở ba ngành học mới, trong đó chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp ngay năm đầu tuyển sinh khá suôn sẻ - có lẽ nhờ có bốn chữ “quản trị kinh doanh”.
Trong khi đó, hai chuyên ngành còn lại khá mới và ít “đụng hàng” là thương mại dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe cộng đồng và quản trị thương hiệu đều loay hoay đến nguyện vọng 2 mới tìm đủ thí sinh.
Nhiều ngành là đặc thù của từng trường, không được đào tạo tràn lan... cũng ít được thí sinh quan tâm. Ông Đoàn Văn Vệ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay nhóm ngành khí tượng - thủy văn - hải dương học của trường năm nào cũng khó tuyển nhất.
Còn theo ông Phạm Văn Điển - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, những ngành rất đặc thù của trường như thiết kế, chế tạo đồ mộc và nội thất, công nghệ chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên thiên nhiên, lâm nghiệp đô thị... khó tuyển hơn nhiều so với những ngành đào tạo như quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, kế toán...
Chỉ tiêu những ngành này vài năm gần đây đang có xu hướng “teo” lại vì ít người đăng ký vào học. Năm 2010, khi xét tuyển đến nguyện vọng 2, phần lớn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nhóm ngành kinh tế khiến trường phải điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành tương ứng với sự lựa chọn của thí sinh.
Tương tự các trường ĐH Nha Trang, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông lâm (thuộc ĐH Thái Nguyên, Huế), một số ngành đào tạo của ĐH Cần Thơ... cũng ngày càng khó tuyển những ngành thế mạnh đặc trưng của trường mà các trường ĐH khác không thể đào tạo được.
Trong khi nhiều cán bộ đào tạo của các trường ĐH chuyên ngành thừa nhận việc mở thêm nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, kế toán... là để cân bằng chỉ tiêu tuyển sinh trong xu hướng những ngành cơ bản của trường giảm sức hút, tạo nguồn thu để “nuôi” các ngành học truyền thống đang dần có ít thí sinh lựa chọn.
Ít bị cạnh tranh
Theo đánh giá của ông Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thường trực Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội (Bộ GD-ĐT), hiện nay số lượng trường đào tạo cùng một ngành, số lượng thí sinh đông đảo có nguyện vọng học, đăng ký xét tuyển vào một ngành học nào đó chưa phải là những thông số tin cậy phản ánh chính xác nhu cầu sử dụng nhân lực. Ông Vinh cho rằng việc chọn ngành dự thi của không ít thí sinh hiện nay là theo tâm lý đám đông, thị hiếu nhất thời của xã hội, chưa xuất phát trên nhu cầu sử dụng nhân lực, cơ hội việc làm thật sự.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, thí sinh cần lưu ý: những ngành đặc thù của từng trường luôn là những ngành đào tạo trường đó có thế mạnh nhất về năng lực, kinh nghiệm, truyền thống đào tạo. Đồng thời những ngành đặc thù của các trường ĐH luôn gắn với các lĩnh vực kinh tế lớn, phát triển đa dạng cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, hiện đang được chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực ngắn hạn - dài hạn.
Yếu tố không kém phần quan trọng là đầu ra của những ngành đặc thù, ít bị “đụng hàng” có ưu điểm thị trường việc làm luôn sẵn có nhu cầu và ít bị cạnh tranh hơn. Vì vậy, ông Vinh khuyên thí sinh đừng bỏ qua cơ hội ở những ngành học có thể không phải là sự lựa chọn của số đông vào thời điểm này nhưng thật sự phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội.
Hơn nữa, khi nhìn vào bảng điểm chuẩn năm 2010 của hàng loạt trường ĐH có thể dễ dàng nhận ra một xu hướng chung: các ngành học truyền thống của nhiều trường có điểm chuẩn không cao. Những ngành “tay trái” các trường mới mở, chủ yếu trong nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính- ngân hàng... lại hút đông thí sinh dự thi, xét tuyển, dẫn đến điểm chuẩn cao hơn hẳn. Vì thế nếu thí sinh còn băn khoăn về việc có nên chọn các ngành đặc thù của mỗi trường ĐH thì có thể nhận thêm một ưu thế từ những ngành học này: đó là có mức điểm chuẩn hấp dẫn hơn.
Theo Tuổi trẻ