Giậm chân một chỗ trong công việc; hay than thở, chán việc, chán sếp và sếp... cũng chán. Đó là căn “bệnh ì” với nhiều triệu chứng mà một số bạn trẻ văn phòng mắc phải sau một thời gian đi làm.
Tôi đâu rồi?...
Sau năm năm làm việc, Tâm Anh (chuyên viên thiết kế) cảm thấy mình trơ ra rất nhanh. Nếu như hồi sinh viên Tâm Anh năng động, tích cực trong các sinh hoạt tập thể thì bây giờ cảm thấy “mình thụ động khủng khiếp”.
Bạn sợ phải phát biểu ý kiến, một điều mà trước đây Tâm Anh luôn thấy hứng thú; sợ phải nói chuyện trước đám đông, sợ phải tham gia các hoạt động dã ngoại của công ty dù ngày xưa Tâm Anh cầm trịch nhiều hoạt động tập thể.
Đã thế công việc của Tâm Anh cứ giậm chân một chỗ, ì à ì ạch dù chuyên môn thiết kế của Anh thuộc tầm có cỡ trong công ty. “Ngày xưa mình đâu có thế này. Chẳng biết vì sao. Cũng chẳng biết làm sao!”, Tâm Anh cho biết.
Cô chuyên viên PR N.Quỳnh thì cứ làm một chỗ vài năm là chán. “Khi nào thấy chán chỗ làm cũ thì... nhảy. Tám năm mình “nhảy” cũng năm “sàn” rồi. Giờ lại cũng bắt đầu thấy chán...”, Quỳnh cho biết.
Những trò chơi giúp phát triển kỹ năng làm việc nhóm vừa giúp bạn trẻ thư giãn, vừa giúp lấy lại hứng thú trong công việc. (Ảnh minh họa) |
Chia sẻ về tình trạng ì, chán trong một bộ phận giới trẻ, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, một chuyên viên tư vấn và phát triển nghề nghiệp, cho biết “bệnh ì” dễ gặp nhất ở những bạn đi làm để trang trải cuộc sống mà quên rằng mình thích cái gì, đam mê gì.
Vùi đầu với chuyện làm việc sống qua ngày họ dần dà thui chột, ngày một ì hơn. Một số trường hợp thật sự lúc đầu họ rất giỏi, rất năng động, nhưng khi vào không đúng ngành nghề, làm việc với sở đoản của mình thì công việc ngày càng tệ. Bản thân họ bị kéo xuống, càng bị kéo họ càng đâm ra tự ti, mặc cảm, không còn tự tin với bản thân.
Một số khác thì an phận với công việc của mình nên cũng đâm ra ì. Họ ở mãi một nơi ấm êm nên dần dà tạo ra tính quá an phận và chỉ quen mỗi “vùng trời bình yên” của mình: ngày ngày đi làm, lương đủ xài, cuối tuần nghỉ ngơi, làm nhân viên cho yên phận, không còn ý chí tiến thủ nữa. “Phải hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề mới giúp họ vượt qua được sức ì của chính mình. Chữa là chữa nguyên nhân chứ không phải chữa triệu chứng”, bà Tâm chia sẻ.
Mỗi người nên có cách để thoát ly tình trạng ì ạch của mình, thay đổi sinh hoạt, thậm chí là môi trường công việc, học tập, vui chơi lành mạnh để thoát khỏi căn bệnh trầm kha nói trên. “Làm mới chính mình cũng là một cách”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, với nhiều công ty nước ngoài, họ hạn chế để một người yên vị một chỗ, hoặc là bạn phải đi lên hoặc là bạn phải đi ngang. Đi ngang là đảm nhận các công việc khác nhau để có điều kiện học hỏi.
“Ai cũng có mục tiêu, ước mơ của riêng mình. Bạn phải xác định rõ mình muốn gì. Điểm mạnh, điểm yếu của mình. Công việc nào phát huy điểm mạnh, sở trường... Khi trả lời những câu hỏi này bạn sẽ biết cách chuẩn bị hành trang cho hiện tại và tương lai, cũng như ứng phó trước sức ì của bản thân khi ôm quá lâu một công việc”, bà Tâm chia sẻ.
Gợi ý kê toa
Làm cháy lại ước mơ của mình. Lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, vạch ra từng bước cụ thể để thực hiện ước mơ và thực hiện điều mình muốn làm mà chưa làm được.
Tiềm năng, thế mạnh của tôi là gì? Tại sao tôi lại kém tự tin? Bạn trả lời những câu hỏi này và bắt mình thay đổi theo hướng tích cực, tự tin hơn với chính những thế mạnh của mình.
Thử sức với những thử thách mới, nhiệm vụ mới. Khi đối mặt với những điều mới, nhiệm vụ mới, bạn buộc phải thay đổi mình, học hỏi và tìm cách giải quyết. Nếu bản thân bạn chưa đủ “đà” để thay đổi hãy tìm một người bạn, người thân hoặc một đồng nghiệp lớn để giúp bạn.
Đi học thêm những môn mà bạn yêu thích hoặc thấy cần thiết. Thậm chí tìm cơ hội học hỏi ngay công việc bạn đang làm.
Dự, nghe những buổi chia sẻ của những người thành công, cả những trường hợp thất bại cũng như những chuyên đề dành cho “bệnh ì” để tìm giải pháp “tách” sức ì của chính mình.