Ba năm trở lại đây, những trường được gọi là “tốp trên” luôn có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên, thậm chí có ngành thí sinh đạt 3 điểm 8 vẫn trượt, đó là những trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng…
Các trường khối ngành kinh tế hiện nay vẫn là nơi “hút” thí sinh dự thi đông nhất, đặc biệt những trường thuộc hàng “tốp” có thương hiệu. Đây là cuộc đua tranh rất gay gắt giữa các thí sinh có lực học vào loại khá, giỏi.
Cẩn trọng khi đăng ký dự thi vào trường “tốp”. |
Cụ thể, điểm chuẩn vào các trường này vài năm trở lại đây như sau:
Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn năm 2009 ngành Kinh tế đối ngoại, Tài chính quốc tế điểm khối A: 26,5 điểm; khối D với các ngành khác (môn ngoại ngữ chưa nhân hệ số 2) cũng từ 23,5 - 24,5. Với các ngành ngoại ngữ, (ngoại ngữ nhân hệ số 2) là 28 điểm.
Đến năm 2010, điểm chuẩn vào ĐH Ngoại thương giảm chút ít, trường qui định điểm sàn trúng tuyển chung vào trường, áp dụng cho cả hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TPHCM: khối A: 24, khối D: 22. Phía Bắc, điểm chuẩn ngành Kinh tế đối ngoại khối A giảm nửa điểm còn 26 điểm, khối D: 23. Chuyên ngành Thương mại quốc tế, khối A: 25 điểm và khối D: 22,5. Chuyên ngành Thuế và Hải quan 24 (A), 22 (D). Với các ngành tiếng Anh, Ngành Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Ngành tiếng Pháp, Ngành tiếng Trung, Ngành tiếng Nhật khối D1: 29 điểm.
Học viện Tài chính điểm chuẩn 3 năm trở lại đây cũng dao động ít. Năm 2008, điểm chuẩn khối A: 22,5; Khối D (tiếng Anh hệ số 2): 28,5. Đến năm 2009 điểm chuẩn khối A: 22, Khối D1: 23 (tiếng Anh hệ số 2). Năm 2010, điểm sàn vào trường khối A: 21, riêng ngành Kế toán điểm chuẩn: 22,0; khối D1: 28,0 điểm (đã nhân hệ số).
Tương tự, Học viện Ngân hàng, điểm chuẩn vài năm trở lại đây lại giảm đôi chút. Năm 2008, điểm chuẩn vào trường cao "ngất ngưởng" 24 điểm cho ngành 401; 23 điểm cho các ngành 402, 403, 404. Thí sinh dự thi mã ngành 401 có mức điểm 23 và 23,5 được xét trúng tuyển vào một trong các ngành 402, 403, 404. Đến năm 2009 thì điểm chuẩn có giảm đôi chút khối A: 22, khối D: 20.
Đến năm 2010, điểm chuẩn Học viện Ngân hàng, khối A tiếp tục giảm xuống 1 điểm: 21 điểm, trường quy định thí sinh đăng ký vào mã ngành 401 có điểm thấp hơn 22,0 sẽ được nhà trường phân vào 1 trong 3 mã ngành 402 hoặc 403 hoặc 404. Trong mã ngành 401 có 2 khoa là Khoa Ngân hàng và Khoa Tài chính. Điểm chuẩn vào khoa Ngân hàng là 23,5, các thí sinh còn lại có mức điểm từ 22,0 đến 23,0, sẽ học tại khoa Tài chính. Khối D1: Điểm chuẩn 19,5.
Đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn năm 2009, điểm sàn vào trường khá cao, khối D1 thấp nhất là 21 điểm, khối A: 22,5. Đặc biệt, ngành Ngân hàng khối A: 27, D1: 26, Kế toán tổng hợp, khối A: 26,5, Kiểm toán, khối A: 27,5, ngành Tài chính doanh nghiệp A: 27, D1: 26.
Đến năm 2010, điểm sàn chung trúng tuyển vào trường giảm đôi chút, đối với khối A: 21, khối D1: 20. Riêng các chuyên ngành: Công nghệ thông tin (146), Tin học Kinh tế (444), Hệ thống thông tin quản lý (453), Kinh tế Nông nghiệp và PTNN (417), Luật Kinh doanh (545), Luật Kinh doanh quốc tế (546), Thống kê kinh tế xã hội (424) có điểm chuẩn tiếp tục giảm, khối A: 18, khối D1: 18.
Một số ngành “nóng” điểm chuẩn vẫn cao là Kiểm toán khối A: 26 điểm, D1,: 25 điểm. Chuyên ngành tiếng Anh thương mại: 28,5 điểm. Chuyên ngành Ngân hàng, khối A: 25,5, khối D1: 23,5, Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, khối A: 25,5, khối D: 24,5.
Không thuộc ngành Kinh tế nhưng là trường tốp đầu của ngành Y. ĐH Y Hà Nội điểm chuẩn năm 2010 vào trường có giảm hơn chút so với năm 2009: ngành Bác sĩ đa khoa 24,0 điểm (năm 2009: 25,5), Bác sĩ Y học cổ truyền: 19,5 (năm 2009: 21,5), Bác sĩ Răng Hàm Mặt: 22,0 ( năm 2009: 25,0); Bác sĩ Y học dự phòng: 18,5 (năm 2009: 21,0); Cử nhân Điều dưỡng: 19,0 (năm 2009: 19,5); Cử nhân Kĩ thuật Y học: 19,0 (năm 2009: 22,0); Cử nhân Y tế công cộng: 18,5 (năm 2009: 16,0).
Cuộc đua tranh vào các trường có danh tiếng này ngày càng khó vì chỉ tiêu vào các trường này không tăng, vẫn giữ ổn định. Năm 2011, Học viện ngân hàng chỉ tiêu vẫn giữ 2.300 chỉ tiêu hệ đại học, Học viện Tài chính 3.400 chỉ tiêu, ĐH Kinh tế quốc dân 4.750 chỉ tiêu, ĐH Ngoại thương 3.400…
Theo lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân, việc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh để nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo.
Đối với thí sinh, thì việc để vào học được các trường này là cuộc đua tranh rất gay gắt. Do vậy, để thỏa nguyện được ước mơ, các thí sinh cần cố gắng hết sức từ bây giờ và cũng cần lượng sức mình trước khi đặt bút đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh sắp tới.