Cả ba cô, cậu học trò ấy đều có chung một ước mơ: Học thật giỏi để sau này thay đổi được cuộc sống. Những ước mơ thật giản dị bởi chúng được nuôi dưỡng bằng sự cơ cực, đầy nhọc nhằn trong từng bước chân mỗi ngày đến trường của các em.
Cả ba cô, cậu học trò ấy đều có chung một ước mơ: Học thật giỏi để sau này thay đổi được cuộc sống. Những ước mơ thật giản dị bởi chúng được nuôi dưỡng bằng sự cơ cực, đầy nhọc nhằn trong từng bước chân mỗi ngày đến trường của các em.
|
|
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, bố mất sớm, mình mẹ phải tần tảo, bươn chải với gánh hàng chợ nuôi 4 anh chị em ăn học. Bạn Vũ Thị Kim Khuyên - Bí thư Chi đoàn Lớp 12A1, Trường THPT Đơn Dương không vì thế mà tự ti, buồn tủi về cuộc sống của mình. Em bộc bạch: Mỗi ngày đi học chỉ được mẹ cho đúng 2.000đ (chỉ đủ tiền để gửi xe đạp), muốn tham khảo thêm sách thì lên thư viện nhà trường hoặc mượn của bạn chứ không đủ tiền để mua, nếu muốn xin tiền đóng học phí thì phải nói với mẹ trước 2, 3 tháng để chuẩn bị bởi nếu gần ngày quá thì không thể nào kịp lo. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng không bao giờ làm ảnh hưởng tới thành tích học tập của cô bạn nhỏ này: nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện với số điểm trên 8,0 và tham gia tích cực công tác đoàn trong trường học. Khi được hỏi sắp tới em sẽ thi vào ngành nào, Khuyên đã không ngần ngại trả lời: Em sẽ thi vào ngành tài chính ngân hàng bởi vì đây là một trong những ngành “hot” hiện nay, sau này có thể kiếm được nhiều tiền, lương cao góp phần phụ giúp mẹ để mẹ đỡ phải buôn bán vất vả.
|
|
Cũng có hoàn cảnh khó khăn giống như Vũ Thị Kim Khuyên, cậu học trò người Cơ ho Đa Kriêng AgLên- lớp 12A1, Trường THPT Đạ Sar, huyện Lạc Dương. là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em, bố mất sớm, mình mẹ làm vườn nuôi 4 con ăn học. Anh trai hiện đang là sinh viên năm thứ 1 Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, em trai kế đang theo học lớp 11, em gái út bị tai nạn gãy 1 tay, 1chân đang nằm viện. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai của mẹ. Tuy là người dân tộc thiểu số, không được học hành nhưng mẹ của Aglên luôn động viên các con phải gắng chăm học. Anh trai đầu đi học xa nên Aglên gần như là trụ cột trong gia đình, ngoài giờ lên lớp Aglên về nhà phụ mẹ làm vườn, làm công việc nhà, bảo ban các em. Aglên chia sẻ: Thấy mẹ quanh năm vất vả làm lụng không quản khó nhọc để lo cho anh em ăn học, sức khoẻ của mẹ ngày càng yếu, em thấy thương mẹ vô cùng. Em luôn tự hứa với bản thân phải chăm chỉ học thật giỏi, học để thoát nghèo, để mẹ bớt vất vả. Có lẽ nhờ quyết tâm đó mà Aglên luôn duy trì được kết quả học tập loại khá (điểm trung bình 7.6) ngoài ra còn là lớp trưởng gương mẫu, Bí thư chi đoàn nhiệt tình, trách nhiệm của lớp. Em mơ ước sau này được làm bác sĩ tuy nhiên nếu thi vào ngành y thì phải xuống thành phố để học - nơi đây mức sống, học phí lại quá cao, sợ rằng với hoàn cảnh của mình không thể đủ để trang trải trong quá trình theo học nên sắp tới em sẽ thi vào trường Đại học Đà Lạt, ngành sư phạm Hoá.
|
|
May mắn hơn 2 bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn trên. Nguyễn Thị Thu Dung- Lớp 12A, Trường THPT Chu Văn An, Đức Trọng còn có cả bố mẹ, nhưng cuộc sống cũng vất vả khó khăn không kém khi cả gia đình không có lấy 1 sào đất để canh tác. Hàng ngày, bố mẹ em phải đi làm vườn thuê để có tiền nuôi 4 chị em Dung ăn học. Thu nhập nhấp, không ổn định nay mẹ lại bị bệnh tim nên cuộc sống túng quẫn, khó khăn cứ bao trùm lên gia đình Dung. Dung đã khóc khi kể cho chúng tôi nghe về cơn bạo bệnh mà mẹ em vừa trải qua. Khó khăn là vậy, nhưng Dung vẫn luôn tâm niệm rằng “Muốn có tương lai phải học, muốn có hạnh phúc phải đấu tranh, học tập là chìa khoá tất cả cánh cửa bước vào tương lai”. Chính điều này đã thôi thúc Dung phải cố gắng và không ngừng quyết tâm trong cuộc sống và học tập. Với phương pháp học tập chủ động như: Bám sát sách giáo khoa, không xem thường các môn phụ, luôn lắng nghe thầy cô giảng bài, học hỏi từ các bạn, sắp xếp lịch học hợp lý, chăm chỉ xem bài trước khi lên lớp... Dung đã gặt hái được nhiều thành tích trong học tập: nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện; học sinh giỏi cấp trường môn Sinh học; đạt giải nhất cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh” cấp trường; học sinh giỏi nhất khối 12 - học kỳ I năm học 2010 - 2011. Không những thế Dung còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn của trường và là lớp phó học tập của lớp. Dự định và ước mơ gần nhất sau khi tốt nghiệp phổ thông của em là thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Những ước mơ bình dị của ba cô, cậu học trò nghèo, chắc sẽ không khó để trở thành hiện thực. Bởi phía sau mỗi bước chân đến trường của các em là sự lo toan, nhọc nhằn, đẫm đầy mồ hôi của cha mẹ, của những bữa đói no, thiếu thốn thường nhật. Hơn hết, ước mơ ấy còn được nuôi dưỡng bằng ý chí, sự khát khao vươn lên đến mãnh liệt của các em.
TUẤN LINH - TRẦN NGỌC BÍCH