Trước ngày bầu cử, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh Trần Đức Nam về trách nhiệm của một thủ lĩnh giới trẻ và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân khi anh trúng cử.
PV: Chào thủ lĩnh thanh thiếu nhi Tp Đà Lạt! Chuẩn bị cho kỳ bầu cử HĐND các cấp và chương trình hành động cho một ứng cử viên có làm xáo trộn công việc và mất nhiều thời gian của anh?
Đ/c Trần Đức Nam - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Lạt, Chủ tịch Hội LHTN thành Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Đà Lạt. |
Thời gian qua, ngoài công tác chuyên môn, mình có thêm rất nhiều việc. Cũng như các ứng cử viên khác, mình phải thực hiện tốt các quy định về tiếp xúc cử tri, trả lời chất vấn của cử tri và báo cáo với cử tri đầy đủ những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm bản thân, phấn đấu thực hiện tốt “Dân chủ ở cơ sở” thông qua hoạt động của tổ đại biểu HĐND; phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của bà con cử tri. Chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, tuy có nhiều việc rất mới và bận rộn, nhưng bản thân mình xác định đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, nên chỉ có một tâm niệm là cố gắng hết mình để làm việc thật tốt và không phụ lòng tin của nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
PV: Vậy thì chương trình hành động của thủ lĩnh giới trẻ sẽ rất phong phú khi kiêm thêm trách nhiệm người đại biểu của nhân dân?
Trần Đức Nam: Định hướng phát triển của thành phố Đà Lạt được xác định rõ tại nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khoá (IX) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh Tây Nguyên, Quyết định 409 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển Đà Lạt đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp Đà Lạt khoá X đó là: “Xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và tầm cỡ quốc tế, trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm sản xuất rau, hoa chất lượng cao của cả nước”. Cùng với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Tuổi trẻ làm theo lời Bác”, mình càng phải học Bác để phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong giai đoạn mới, mình cũng đề ra chương trình hành động với các vấn đề sau:
Vấn đề thứ 1: Tiếp tục giám sát việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội cùng với Nhà nước chăm lo phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó, có 2 chương trình lớn của thành phố là: lấy du lịch chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao làm khâu đột phá, tăng tốc và phát triển thành phố theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cụ thể là giảm nghèo bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là đào tạo nghề ở nông thôn...
Vấn đề thứ 2: Đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế văn hoá tại địa bàn dân cư, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt lành mạnh, nâng cao ý thức chính trị và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân; giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hoá dân tộc cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Chú trọng xây dựng các mô hình sinh hoạt tập thể, tạo sân chơi cho thanh - thiếu nhi và sinh viên với nội dung vui chơi lành mạnh, trang bị một số kỹ năng cần thiết, lồng ghép với kiến thức xã hội, phê phán các tệ nạn, biểu hiện xấu… trong giới trẻ hiện nay. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút xã hội hoá các mô hình thể thao, văn hoá…, hình thành trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho thanh niên – sinh viên… giúp thanh niên, sinh viên có sức khoẻ, trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao bản lĩnh và phát triển nhân cách toàn diện.
Vấn đề thứ 3: Với nhiệm vụ và công tác chuyên môn là xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, chăm lo giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng; mình sẽ luôn thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và phản ánh kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là cửa tri trẻ với chính quyền địa phương; vận động nhân dân, thanh thiếu niên chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi trì trệ, tiêu cực, bảo vệ công bằng và lẽ phải, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân nói chung và thanh thiếu nhi nói riêng. Trong đó, chú trọng tham gia xây dựng nghị quyết, chương trình liên quan đến công tác lập thân, lập nghiệp của thanh niên. Khuyến khích và tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn trẻ vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
Vấn đề thứ 4: Quan tâm, sâu sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, chính sách hỗ trợ vốn vay cho học sinh – sinh viên học tập… nhằm giúp thanh niên, sinh viên giảm áp lực do ảnh hưởng tiêu cực của giá cả leo thang trong tình hình kinh tế hiện nay. Chú trọng việc triển khai Đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, đồng thời giám sát việc thực hiện Luật thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên mà Chính phủ, tỉnh, thành phố đã ban hành, trong đó có các chính sách về phát triển tài năng trẻ…
Vấn đề thứ 5: Tiếp tục tổ chức cho thanh niên học tập, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; nghiên cứu các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác để định hướng cho giới trẻ sống có ước mơ, hoài bão lớn, góp sức vào công cuộc “Công nghiệp hoá - hiện đại hoá” quê hương, đất nước. Nhưng, để cuộc vận động trở nên ngày càng sôi nổi và hào hứng, mình sẽ chú trọng đa dạng hoá hình thức, phương pháp chuyển tải, tập hợp thanh niên; gắn kết phong trào thanh niên với các vấn đề cấp bách của địa phương, của cuộc sống. Bám sát thực tiễn để tìm hiểu đặc điểm, đặc thù của từng đối tượng thanh niên để triển khai cuộc vận động có hiệu quả, với phương châm "đối tượng nào phương pháp đó", khắc phục tình trạng hô hào chung chung, không gắn kết giữa lý tưởng và lợi ích đời thường khi tuyên truyền giáo dục thanh niên. Muốn vậy, phải đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có kiến thức và năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm và năng khiếu hoạt động, công tác Đoàn.
PV: Rất nhiều việc phải làm trong nhiều lĩnh vực và không phải việc nào cũng có thể làm ngay. Vậy, mục đích của thủ lĩnh thanh niên trong vai trò của người đại biểu nhân dân là đem lại điều cơ bản gì cho các bạn trẻ?
Trần Đức Nam: Sức trẻ và niềm tin! Bác Hồ có nói: “Thanh niên là rường cột của nước nhà”. Chị cũng thấy, những cơn “bão giá” đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân nói chung và đời sống của học sinh - sinh viên và cán bộ - công chức trẻ nói riêng. Các chi phí từ giá nhà trọ, điện, nước… đến sách vở, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đều tăng nhanh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tâm lý HSSV; chất lượng học tập, công tác bị hạn chế… dẫn đến chất lượng giáo dục sẽ bị suy giảm, đội ngũ cán bộ trẻ không yên tâm công tác. Là người đại diện của nhân dân thì dù ở cương vị công tác nào và ở thời điểm nào cũng phải chăm lo đến việc nâng cao đời đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần… của nhân dân thông qua việc thực thi các chính sách an sinh xã hội. Là người gắn bó với công tác thanh thiếu nhi, lại là người đại biểu của nhân dân, mình càng phải học tập lý tưởng và tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của Bác Hồ; hướng dẫn, khuyến khích thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp, sinh hoạt – vui chơi lành mạnh, đam mê học tập - cống hiến, xây dựng sự nghiệp và bảo vệ, làm giàu quê hương đất nước…
PV: Cảm ơn Trần Đức Nam đã dành thời gian cho baolamdongonline! Hy vọng, với sự nhiệt tình cống hiến của tuổi trẻ, bạn sẽ giành được tình cảm của cử tri bằng rất nhiều lá phiếu trong kỳ bầu cử HĐND sắp tới!