Vươn lên trong bao bọc tình thương

09:05, 30/05/2011

(LĐ online) - Vóc người nhỏ thó, cặp kính cận 6 độ, cô sinh viên đã gây nhiều cảm xúc với mọi người trong lễ sơ kết thực hiện tín dụng học sinh sinh viên của tỉnh Lâm Đồng. Cô có hoàn cảnh đặc biệt éo le và đang từng ngày vươn lên trong vòng tay thương yêu rộng mở của cộng đồng.

(LĐ online) - Vóc người nhỏ thó, cặp kính cận 6 độ, cô sinh viên đã gây nhiều cảm xúc với mọi người trong lễ sơ kết thực hiện tín dụng học sinh sinh viên của tỉnh Lâm Đồng. Cô có hoàn cảnh đặc biệt éo le và đang từng ngày vươn lên trong vòng tay thương yêu rộng mở của cộng đồng.

SV Bùi Thị Thơm
SV Bùi Thị Thơm
Cô là Bùi Thị Thơm, sinh ngày 9/2/1991, sinh viên năm thứ nhất ngành Công tác xã hội và phát triển cộng đồng của Trường Đại học Đà Lạt. Sinh ra ở khối phố 4, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Mới 8 tuổi, Thơm phải vào sống tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

“Sầu đong càng lắc càng đầy”, Thơm không muốn nhắc về quá vãng ấu thơ côi cút của mình. Câu chuyện nối dài nước mắt. Thơm chào đời mà chẳng có người cha, ông ruồng bỏ mẹ. Anh trai lấy họ bố, còn cô trở thành người con “mẫu hệ” bất đắc dĩ. Ba mẹ con chèo chống trong chồng chất khốn khó, nhọc nhằn. Khi Thơm lên 8, tai hoạ lại ập xuống cuộc đời cô. Bà Bùi Thị Huê, người mẹ chịu ngàn vạn đắng cay đột ngột ra đi sau ca phẫu thuật không thành. Hai anh em lìa nhau, anh Cao Xuân Phú ở với cậu, em Bùi Thị Thơm ở với dì. Giúp dì bớt nghèo khó, buông sách học là Thơm lam lũ “một nắng hai sương” với ruộng đồng…

Năm 2000, Bùi Thị Thơm được nhận vào Làng trẻ em mồ côi sống với “bố” và các “mẹ”. Cộng đồng của những công dân thiệt thòi: trẻ tàn tật, mồ côi, sơ sinh. Nhưng Thơm đã được sống trong môi trường bao la lòng nhân ái. Cô được bảo ban dạy dỗ, được đi học văn hoá ở trường, học vi tính, học các chương trình giáo dục tuyên truyền về giới tính ở Làng. Cô cùng “bố mẹ” nuôi bò, heo, cá và trồng rau. Thơm trở thành người chị thân thiết chăm bẵm các em thơ. Bùi Thị Thơm lớn lên và trưởng thành từ tình yêu thương ấy…

Tốt nghiệp THPT, năm đầu Thơm thi không đậu vào Trường Đại học Huế, cô tiếp tục vừa giúp “mẹ” nuôi các em và vừa tự ôn thi. Lần thứ 2, năm 2011, một mình khăn gói vào Đà Lạt đi thi và cô đã trúng tuyển vào Đại học Đà Lạt với 17 điểm trên 14 điểm chuẩn. “Không có được người thân quan tâm phải tự nhập học cũng tủi thân, nhưng tự mình an ủi vì mình đã được đi học là hạnh phúc lắm rồi”, Thơm tâm sự. Bùi Thị Thơm tự xoay xoả tổ chức cuộc sống sinh viên cho mình. Ngoài những đồng tiền họ hàng và Làng hỗ trợ, cô tranh thủ thời gian đi làm thêm như giặt đồ, bóc củ hoa, ki cóp để trang trải cuộc sống sinh viên nơi đắt đỏ. Bùi Thị Thơm thấm hiểu mình không cô độc. “Bố” (Giám đốc Làng Dương Quý Đạo), “mẹ” Liễu, “mẹ” Liên…và các anh chị trong Làng đã ra đi làm, đi học thường xuyên liên lạc động viên Thơm.

Năm 2011, Bùi Thị Thơm có thêm điểm tựa lớn, đó là cô được vay vốn nhà nước theo chính sách tín dụng học sinh sinh viên. Hai học kỳ vừa qua, Bùi Thị Thơm được vay 6,1 triệu đồng. Sự may mắn đó như cô nói, đã giúp Thơm thêm tiền đóng học phí, tiền trọ và sinh hoạt. Tình thương yêu, đùm bọc của cộng đồng còn là nguồn tinh thần cổ vũ Bùi Thị Thơm quyết vượt những khó khăn thường nhật để cô nỗ lực đạt được những kết quả tốt trong học tập. Học kỳ I có tổng điểm tích luỹ đạt 3,36 điểm, tương đương gần 8 điểm, xếp loại giỏi. Thơm được nhận học bổng của nhà trường với 1.750.000 đồng.    

Sinh viên Bùi Thị Thơm chia sẻ: Cảm xúc buồn vẫn không thể mất đi nhưng phải dẹp một bên để lo hiện tại. Thường khóc một mình những lúc mệt mỏi, căng thẳng và nhớ mẹ. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng vươn lên, xã hội còn có nhiều người khuyết tật khổ hơn mình nhưng họ vẫn học được. Những gì qua đi mình không luyến tiếc nhưng cũng không quên mà rút ra cho mình những bài học để sống với thực tại.

Ước nguyện được theo học ngành Công tác xã hội và phát triển cộng đồng của cô đã thành. Bùi Thị Thơm nói: “Theo học ngành này con có điều kiện chia sẻ nhiều hơn với những người có hoàn cảnh như mình; tạo cho mình được hoàn thiện nhân cách bản thân…Học xong, con sẽ về Làng để giúp đỡ những người thiệt thòi khác mới đến”. 
 
Minh Đạo