Hệ thống phun thuốc sâu tự động của Quý

09:06, 30/06/2011

(LĐ online) - Vượt qua hàng chục đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, công trình “Hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động” đã đem về 2 giải nhất cho Quý trong Hội thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng lần 3.

(LĐ online) - Vẫn còn lâng lâng trong cảm giác chiến thắng, cậu học trò Phạm Minh Quý (lớp 11A3, trường THPT Trần Phú, TP Đà Lạt) cười nói: “Trong một lần đi học về em thấy bác nông dân bước ra từ vườn rau, trên người ướt đẫm thuốc trừ sâu và em nghĩ ngay đến một hệ thống phun thuốc sâu hoàn toàn tự động. Thế là công trình của em đã ra đời”.

Hệ thống phun thuốc sâu tự động của Quý đang vận hành trong vườn rau của gia đình.
Hệ thống phun thuốc sâu tự động của Quý đang vận hành trong vườn rau của gia đình.
Thí nghiệm trên vườn rau của ba


Vượt qua hàng chục đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, công trình “Hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động” đã đem về 2 giải nhất cho Quý trong Hội thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng lần 3. Đó là giải nhất trong lĩnh vực Vật Lý – Cơ Khí và giải nhất cá nhân. Nhà của Quý nằm trong khu phố Nam Hồ - một nơi chuyên sản xuất rau nổi tiếng của Đà Lạt.

Bắt đầu với những vật dụng cũ như mô tơ điện, dây cáp, ròng rọc, máy bơm, cần phun thuốc trừ sâu… Quý mày mò chế tạo sau mỗi giờ học. Khi gặp khó khăn em lại nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, hoặc nhờ sự tư vấn, thử nghiệm của ba mẹ vốn là nông dân trồng rau từ nhiều năm nay. Có lúc thiếu dụng cụ, em lại chạy sang nhà hàng xóm, bạn bè mượn hoặc ra cửa hàng mua bằng tiền học bổng dành giụm được. Sau nhiều lần trục trặc cuối cùng hệ thống phun thuốc sâu tự động của Quý cũng hoàn thành. “Em bắt đầu làm hệ thống này từ đầu tháng 12 năm ngoái, sau mỗi lần thử nghiệm lại cải tiến dần để hoàn chỉnh” – Quý chia sẻ.

Hệ thống của Quý khá đơn giản, hoạt động theo nguyên lý ròng rọc chuyển động trong Vật lý. Từ một chiếc mô tơ cũ được “độ” lại có thể chạy được hai chiều (điều khiển bằng một công tắc nhỏ bên ngoài), cộng thêm một đoạn dây cu-roa nối với trục sau của vành xe đạp có gắn dây kéo để di chuyển hệ thống cần phun được treo ngang hai bên. Khi hoạt động, chiếc mô tơ bắt đầu quay tít, đẩy hệ thống cần phun (mỗi cần có 3 bec phun) lướt nhanh trên không trung và “nhả” thuốc đều đặn xuống hai luống xà lách bên dưới. Vừa cột lại mô tơ, Quý vừa bảo: “Sau nhiều lần thử nghiệm trên vườn rau của ba em thấy phun thuốc thế này vừa nhanh, vừa đảm bảo đều thuốc so với phun thủ công và đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Tính thực tiễn cao

Quan sát hệ thống của Quý, không ít người tỏ ra ngạc nhiên bởi nó dễ sử dụng và mang tính thực tiễn cao. Mức giá thành cho một bộ hệ thống này khá rẻ, chỉ khoảng 3 triệu đồng để mua máy bơm áp lực, động cơ điện, cần phun, ròng rọc… Đồng thời, tốc độ phun tự động so với phun thuốc bằng tay cũng nhanh gấp khoảng 10 lần.

Với hệ thống này, người nông dân chỉ cần nối ống dẫn với bình thuốc trừ sâu pha sẵn, dùng máy bơm áp lực đẩy thuốc lên và vận hành hệ thống ròng rọc. Khi cần phun chạy được hai vòng là có thể hoàn thành mà người dùng không phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc độc hại. “Đặc biệt hệ thống này có thể áp dụng trên nhiều loại cây hoa, rau quả khác nhau và nó còn tương thích với các địa hình đồi núi đặc thù của Đà Lạt nữa” – Quý khẳng định.

Tuy nhiên, Quý cũng tự nhận xét rằng, hệ thống này còn một vài bộ phận cần điều chỉnh và hoàn thiện. Vậy nên hàng ngày Quý vẫn mày mò để chế tạo bộ phận điều chỉnh tốc độ chạy của mô tơ, giúp cần phun có thể chạy nhanh, chậm theo ý muốn. Đồng thời em còn có ý tưởng gắn thêm bộ phận cảm biến tự động để khi xảy ra sự cố, hệ thống sẽ tự ngừng hoạt động… nhằm giúp người nông dân vận hành dễ dàng hơn.

Giờ đây, sau khi giành chiến thắng Quý vẫn tiếp tục hoàn thiện đề tài của mình để chuẩn bị cho các cuộc thi sắp tới. Nếu thành công, hệ thống của Quý sẽ giúp ích nhiều cho người nông dân phố núi vốn cả đời gắn bó với rau hoa và… thuốc trừ sâu độc hại.

 

Nguyễn Dũng