(LĐ online) - Ông Ya Thang, Phó Bí thư Xã đội, tâm sự: “Nó là người đầu tiên của thôn này thi đậu đại học. Nó là người đầu tiên của dân tộc Chu Ru chúng tôi thi đậu thủ khoa khối C. Con Ma Hiêng làm rạng ngời người dân Chu Ru rồi!...”.
Thí sinh thamdự kỳ thi tuyển sinh tại Đại học Đà Lạt. Ảnh Văn Báu. |
Trường Đại học Đà Lạt công bố điểm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 vào chiều ngày 21/7 thì sáng sớm ngày hôm sau tin Ma Hiêng đậu thủ khoa khối C đã bay về UBND xã Tà Năng làm cho hàng chục cán bộ, nhân viên của xã nức lòng với niềm tự hào không sao tả hết.
[links(right)]Không tự hào sao được khi lần đầu tiên một học sinh người dân tộc Chu Ru sinh ra và lớn lên giữa vùng đất khó, điều kiện học tập, đi lại còn gặp không ít gian nan, nhưng vượt lên tất cả, Ma Hiêng đã làm rạng danh dòng tộc của mình, thi đậu thủ khoa khối C Trường Đại học Đà Lạt với điểm thi các môn khá cao: Ngữ văn 7,25, Lịch sử 7,0 và Địa lý 8,75. Một số điểm mà nhiều thí sinh ở những nơi có điều kiện thuận lợi với đầy đủ các phương tiện học tập cũng phải mơ ước.
Đường vào thôn 2, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng,nơi Ma Hiêng ở cùng gia đình vẫn còn ghập ghềnh sỏi đá, cái khó của vùng đất này vẫn còn hiển hiện bên những nếp nhà gỗ đơn sơ hai bên đường. Vừa đi ông Ya Thang vừa tâm sự với tôi bằng một giọng rất đỗi tự hào: “Nó là người đầu tiên của thôn này thi đậu đại học. Nó là người đầu tiên của dân tộc Chu Ru chúng tôi thi đậu thủ khoa khối C. Con Ma Hiêng làm rạng ngời người dân ta rồi!...”.
Phải, không tự hào sao được khi giữa vùng đất khó ấy, việc con em của bà công dân tộc thiểu số đến trường học hết chương trình phổ thông đã là một điều không dễ thì hôm nay đã có một thủ khoa. Nói như ông Đặng Văn Biên – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Năng: “Ma Hiêng là niềm tự hào không chỉ của thôn, của xã mà còn là niềm tự hào của huyên, của cả dân tộc Chu Ru”.
Thật không may cho chúng tôi, khi tới nơi gian nhà gỗ nằm gần cuối thôn 2 của gia đình Ma Hiêng cửa lại im ỉm khóa. Ông Ya Thang giật mình hốt hoảng: “Thôi chết rồi!... nhà báo ơi nó lên nương rồi, vậy thì phải tới khuya nhà nó mới về. Làm sao bây giờ!...”. Không gặp được Ma Hiêng, không gặp được người nhà chúng tôi và cả Phó xã đội Ya Thang không khỏi thất vọng.
Nhưng rất may, cán bộ Ya Thang lại là người cùng thôn với nhà Ma Hiêng, hai nhà cách nhau không xa nên biết rất rõ hoàn cảnh của gia đình Ma Hiêng – từ khi cô bé thủ khoa này vừa cất tiếng chào đời. Cán bộ Ya Thang cho biết, Ma Hiêng là người con thứ 3 trong gia đình, bố mẹ đều làm nông. Tuy là người dân tộc thiểu số, lại sinh ra ở vùng đất xa xôi và nghèo bậc nhất huyện Đức Trọng nhưng 12 năm học tập là 12 năm Ma Hiêng đều đạt được danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Thuở nhỏ học trường làng, lớn lên vượt trên 30km ra trung tâm huyện theo học cấp II, lên cấp III Hiêng được tuyển vào trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.
Xa bố, xa mẹ, xa tình thương mái ấm gia đình, với cô nữ sinh người dân tộc thiểu số lại trở thành một trong những động lực giúp em cố gắng hết mình để học tập. Ban Giám hiệu trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng cho biết, riêng năm học lớp 12 vừa qua, Ma Hiêng liên tục đem về cho trường những thành tích cao trong học tập, đó là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và giải khuyến kích môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc năm 2011. Ngoài ra, Ma Hiêng còn là một học sinh tích cực, luôn sôi nổi tham gia các hoạt động đoàn thể do nhà trường và ngành giáo dục phát động.
Tiếp xúc với chúng tôi, có lẽ không ít những người dân thôn 2, xã Tà Năng không hiểu thủ khoa là gì. Nhưng thấy tôi vui, cán bộ Ya Thang hớn hở, họ cũng sốt sắng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện vươn lên vượt khó của Ma Hiêng trong suốt 12 năm học vừa qua.
Chiều tối ngày 22/7, chúng tôi đã liên lạc được với mẹ Ma Hiêng là cô Ma Thi. Qua điện thoại cô cho biết, Ma Hiêng đi Ninh Thuận không phải là thăm chị mà là đi làm thuê. Ít nhất cũng phải cuối tháng 7 này mới có thể về nhà. Do Ma Hiêng làm việc ở một nơi không có sóng điện thoại nên hiện gia đình vẫn chưa liên lạc được để báo tin vui này.
Có lẽ ở vùng đất xa xôi nào đó của tỉnh Ninh Thuận, Ma Hiêng vẫn chưa hay biết mình chính là thủ khoa khối C trường đại học Đà Lạt, cô vẫn đang miệt mài đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Biết được điều này chúng tôi lại càng khâm phục nghị lực vươn lên vượt khó của cô thủ khoa người dân tộc thiểu số này hơn.