Tấm Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế đến với Trần Thị Ngọc Qúy - cô gái Đà Lạt như một hành trình thử nghiệm với những phản ứng hóa học khác nhau để cuối cùng đã có sản phẩm mỹ mãn!
Tấm huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế Ngọc Qúy đạt được sau cả hành trình |
THÀNH CÔNG ĐẾN SAU THẤT BẠI!
Ngọc Qúy quyết định đến với Hóa học như một lối rẽ bất ngờ khi theo học cấp 2 tại Trường THCS Quang Trung (Đà Lạt). Năm học lớp 9, Ngọc Qúy tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa và môn Toán vòng trường để tuyển chọn học sinh giỏi cho kỳ thi cấp thành phố. Với riêng môn Hóa, Qúy rớt ngay từ vòng loại cấp trường. Còn với Toán, em được nhà trường chọn vào đội tuyển học sinh giỏi rồi đạt giải nhì môn Toán cấp thành phố và giải nhì cuộc thi Giải toán trên máy tính Casio. Hăm hở với thành tích này nhưng cuối cùng em lại thất vọng khi chỉ đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Sau kết quả đó, Qúy muốn quay trở lại với hóa học, nghiên cứu về chất, về các nguyên tố, các hợp chất, các nguyên tử, những phản ứng hóa học từ các thành phần đó. Tốt nghiệp cấp 2, được sự động viên của anh trai Trần Quốc Phú (từng đạt giải 3 Quốc gia môn Hóa, là sinh viên Đại học Y Dược) em tạm biệt Đà Lạt và xuống thành phố Hồ Chí Minh ôn thi vào lớp chuyên Hóa, Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. Chỉ trong 15 ngày tự ôn thi, với sự giúp đỡ của mẹ (là giáo viên dạy toán) ở môn Toán, của anh trai trong môn Hóa và tự luyện văn học, Qúy đã trúng tuyển vào trường. Một hành trình mới bắt đầu.
Với quyết tâm lớn, dù trong học kỳ I em chỉ xếp vị thứ 16/35 học sinh của lớp chuyên Hóa nhưng đến kỳ thi “Olympic 30/4 toàn miền Nam” diễn ra vào học kỳ 2, Qúy đã đạt Huy chương Vàng và giành giải nhất trong số các huy chương vàng môn Hóa học. Từ đó, em bắt đầu nuôi ước mơ lớn hơn là vươn ra kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc và tập trung nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, đọc sách nhiều hơn, tư duy giải bài tập theo nhiều hướng. Năm học 11, Qúy giành giải nhất học sinh giỏi Hóa TPHCM, Huy chương Vàng Olympic 30/4. Là học sinh lớp 11 tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia giành cho học sinh lớp 12, Qúy đã giành giải nhì và được tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế nhưng em chưa thành công trong cuộc tuyển chọn này. Bước sang lớp 12, em tiếp tục giành hai giải nhất: giải nhất học sinh giỏi Hóa học TPHCM, giải nhất học sinh giỏi Hóa học quốc gia và em đã vượt qua được kỳ thi tuyển chọn để trở thành 1 trong 4 thành viên chính thức của đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Khi giấc mơ vươn ra tầm quốc tế đã trở thành hiện thực, Qúy ôn luyện và bước vào kỳ thi khá bình tĩnh cùng 275 học sinh khác đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tấm Huy chương Bạc mà Qúy giành được trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của lối tư duy sáng tạo được bật ra đúng lúc khi giải đề, là thành công sau cả quá trình miệt mài cùng hóa học, tựa như phản ứng hóa học mà em thực hiện đã trải qua quá trình chuyển đổi vật chất để có được sản phẩm như ý.
GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU CỦA MẸ
Chúng tôi gặp Qúy tại một căn nhà xinh xắn, ngăn nắp trên đường Mạc Đĩnh Chi, Đà Lạt. Em cùng mẹ từ TPHCM về thăm nhà. Bố Qúy dành thời gian chở con gái đi dạo trên những con đường bình yên của thành phố. Con đường em đi luôn có tình yêu thương của cả gia đình, niềm hạnh phúc trong căn nhà như nhân thêm nhiều lần với những thành tích mới của cô con gái út.
Người mẹ mà Ngọc Qúy gọi là “người bạn lớn”- cô Tôn Nữ Cẩm Vân nhớ tỉ mỉ đến từng chi tiết về quá trình học tập của Ngọc Qúy. Cô nhớ thành công và nhớ cả những lần Qúy từng thất bại để rồi sau đó quyết vươn lên. Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng Qúy đã phải học với thời khóa biểu dày đặc và chỉ biết đến sách vở, trái lại, từ nhỏ Qúy được phát triển rất tự nhiên, không tham gia bất cứ một lớp học thêm nào. Em đã cùng cả nhà đến vui chơi ở nhiều thắng cảnh, thích thêu thùa, trò chơi xếp hình, đọc truyện tranh… Là giáo viên nhiều năm đứng trên bục giảng, cô Cẩm Vân phân tích kỹ quá trình phát triển của con để cho con được theo đuổi niềm đam mê mà không đánh mất tuổi thơ của mình. Khi Qúy xuống TPHCM học cấp 3, cô quyết định sát cánh bên con trong chặng đường mới. Trong năm học đầu tiên, mỗi sáng, hai mẹ con cùng đón xe buýt đến trường; rồi thời gian sau đó cô tiếp tục đi xe máy chở con đi học, ngồi sau lưng mẹ, Qúy vẫn cầm vở ôn lại bài; đến năm lớp 12, khi con gái tự đi trên chiếc xe cup 50 phân khối đến trường, cô dành thời gian tìm hiểu các dạng đề thi, những quyển sách hay để Qúy tham khảo… Tấm lòng của mẹ đã thêm hun đúc ý chí và quyết tâm của Ngọc Qúy - học sinh nữ duy nhất trong số 4 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2011. Phía sau thành công của Qúy luôn có bóng dáng thân quen của mẹ. Đi đến bất kỳ nơi đâu, cô Cẩm Vân vẫn luôn tự hào vì Qúy là học sinh được lớn lên từ Đà Lạt và hy vọng Qúy sẽ có dịp truyền những kinh nghiệm có được trong các kỳ thi học sinh giỏi đến với các em học sinh Đà Lạt - Lâm Đồng đi sau…
Ngọc Qúy đang chuẩn bị cho chuyến đi dài và xa hơn là đi du học nước ngoài về ngành dược. Phía trước là cả chân trời rộng mở, còn phía sau lưng, Qúy luôn có một hậu phương vô cùng vững vàng và tình thương yêu bao bọc sẽ không bao giờ vơi cạn…