Nghị lực của hai anh em sinh đôi nghèo ham học

11:09, 12/09/2011

(LĐ online) – Dù nắng hay mưa, hễ nghe có người gọi đi làm cỏ, cuốc đất, làm rau … hai em lại chân sáo đi làm. Cả hai hiện đã là tân sinh viên trường Đại học Đà Lạt và Cao đẳng sư phạm Đà Lạt.

(LĐ online) – Từ miệt vườn Trà Vinh xa xôi, hai anh em song sinh Nguyễn Quốc Dũng – Nguyễn Quốc Trung lên Lâm Đồng ở trọ, vừa học, vừa đi làm thuê suốt 3 năm qua. Dù nắng hay mưa, hễ nghe có người gọi đi làm cỏ, cuốc đất, làm rau … hai em lại chân sáo đi làm. Cả hai hiện đã là tân sinh viên trường Đại học Đà Lạt và Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Nghị lực và tinh thần ham học của cả hai khiến mọi người cảm phục.

h
Hai anh em sinh đôi Trung – Dũng
Dũng –Trung (sinh năm 1991) biết tin mình trở thành tân sinh viên khi đang đi làm thuê ở vựa rau Đơn Dương. Làm nông cũng là công việc chính để hai anh em kiếm tiền trang trải cuộc sống trong suốt 3 năm ở trọ đi học tại Trường THPT P’Ró (xã P’Ró, Đơn Dương, Lâm Đồng). Để rồi sau đó, tiếp tục thi đậu đại học và cao đẳng tại Đà Lạt. “Em đậu ngành Công tác xã hội Trường Đại học Đà Lạt còn thằng Trung học ngành Công nghệ sinh học Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt” – Quốc Dũng lanh lẹ khoe.

Thành quả này như một câu chuyện cổ tích của hai anh em sinh đôi Trung – Dũng bởi ít ai biết rằng, trước khi về Đơn Dương trọ học, hai em đã có quãng thời gian phiêu dạt làm thuê ở Vũng Tàu khi mới 15 tuổi. Bằng chất giọng miền Tây, hai em kể về gia đình và tuổi thơ khó khăn của mình ở xẻo Cá trê (thuộc thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh). “Nhà em chỉ có 2 sào lúa, ba mẹ phải đi làm thuê vác mướn mọi việc để nuôi hai anh em và một người chị gái bị khuyết tật bẩm sinh…”.

Chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nên hai anh em Trung – Dũng chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ ngang mặc dù ba mẹ rất thương các con, không buộc cả hai nghỉ học. Hiểu hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, Trung – Dũng quyết định gạt ngang việc học, cùng một người hàng xóm đi làm thuê ở tận Vũng Tàu.

Ngày rời nhà bắt xe đi Vũng Tàu, đó cũng là lần đầu tiên cả hai được ra khỏi tỉnh. Lúc ấy cả hai chưa đầy 15 tuổi, xin vào làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng gần biển với mức lương khởi điểm 600.000đ/tháng, sau đó được tăng lên 100.000/tháng, cứ thế suốt 2 năm liền.

Năm 2008, một cơ hội đến với hai anh em rất tình cờ. Quốc Trung nhớ lại: “Một bữa em đang ghi hóa đơn cho khách thì có một người đến hỏi chuyện và bày tỏ ý muốn giúp đỡ cho hai đứa em tiếp tục được đi học”.

Sau đó người khách tốt bụng kia còn quay lại thuyết phục, tỏ ý giúp đỡ về nơi ở, một phần tiền học… và để lại địa chỉ liên hệ cho Trung – Dũng. Sau này các em mới biết, vị khách ấy chính là cha Khang ở nhà thờ Ka Đô (Đơn Dương, Lâm Đồng). Hai em gọi về nhà hỏi ý kiến ba mẹ rồi mới quyết định chuyển đến Đơn Dương để tiếp tục đi học. Tại đây, hai em được cha Khang giúp đỡ tìm chỗ trọ và hỗ trợ tiền học phí.

Dù được giúp đỡ nhưng để có thêm tiền trang trải sinh hoạt, chi trả các khoản phát sinh, cả hai còn tranh thủ làm thêm cho các nhà vườn trong vùng. “Dưới này dễ tìm việc làm lắm, tụi em chỉ tranh thủ những buổi không đi học trên trường hay ngày chủ nhật để đi làm kiếm thêm tiền” – cả hai cho biết. Đôi lần hết tiền, hai em còn viết giấy phép xin nghỉ học một buổi để đi làm lấy tiền đi chợ. Biết hoàn cảnh của hai anh em, thầy cô bạn bè đều thông cảm.

Không chỉ vậy, ở vùng rau này, Trung – Dũng còn được nhiều chủ vườn quí mến vì sự hiền lành, ham học nên thi thoảng cho thêm tiền, mời bữa cơm. Nhiều hàng xóm cũng thỉnh thoảng cho con cá, lon gạo, bó rau… để chia sẻ, động viên hai anh em. “Vì em được nhiều người giúp đỡ nên em đã chọn học ngành Công tác xã hội dù nhiều người ngăn cản. Sau này em sẽ sống có ý nghĩa và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác” – Quốc Dũng tâm sự.

Vui mừng khi biết tin đậu đại học, nhưng cả hai anh em cũng khá lo lắng trước vấn đề: Tiền đâu để theo học mấy năm trời trên thành phố ? Thế là lại tranh thủ thời gian chưa đến ngày lên Đà Lạt nhập học, cả hai ra sức “cày” để kiếm tiền đóng học phí. Từ việc cuốc đất, nhổ cỏ, gieo giống cà chua, rải phân, hái cà, hái đậu… hai em đều không ngại làm. “Mỗi ngày tụi em kiếm được từ 60.000 – 80.000đ/ngày (tùy việc). Giờ đã gom góp đủ tiền học phí đầu năm cho Dũng rồi, vậy là đỡ một mối lo” – Quốc Trung phấn khởi nói.

Vạch kế hoạch cho 4 năm học trên Đà Lạt, cả hai tính toán: “Khi đi học tụi em sẽ tranh thủ tìm việc làm thêm tại Đà Lạt hoặc tranh thủ ngày nghỉ bắt xe buýt về Đơn Dương làm thuê kiếm tiền.”

Và một tin mừng nữa đến với hai anh em khi được tin báo Tuổi trẻ sẽ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho cả hai. “Tụi em mới nghe được thông tin và rất mừng. Tiền học bổng tụi em sẽ để dành lo các khoản chi phí đầu năm học và tiền sinh hoạt thời gian đầu đi học”.

Nguyễn Dũng