(LĐ online) – 13 tuổi K’ră Jăn K’Sưn đã tự làm thuê kiếm tiền ăn học với quyết tâm phải bước chân vào giảng đường đại học bằng mọi giá.
Với kết quả thi 14 điểm, K’Sưn đã trúng tuyển vào ngành sư phạm ngữ văn – Đại Học Đà Lạt, là một trong bốn tân sinh viên người dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng có tên trong danh sách được nhận học bổng Tiếp sức đến trường trong năm nay.
13 tuổi đã làm thuê kiếm tiền đi học
K’ră Jăn K’Sưn đang đi tìm việc làm thêm tại một quán cà phê ở gần trường đại học Đà Lạt. |
Theo K’Sưn, nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa bỏ học giữa chừng, lấy chồng sớm, con cái nheo nhúc, đời sống khó khăn nên mình phải quyết tâm học để có được cái nghề ổn định. Ước muốn trở thành cô giáo là động lực chính để mình vượt qua khó khăn: “Ai thuê gì thì mình làm nấy, từ làm cỏ bắp, cà phê cho đến bón phân, tỉa cành, thu hoạch lúa... mình đều làm được. Cũng biết sức không làm giỏi bằng các anh chị trong buôn, nhưng được bà con thương nên mình vẫn có việc làm thường xuyên”.
Ông Kon Sơ Ha Chông (74 tuổi) - bố của K’Sưn vừa ho lụ khụ, vừa nói: “Các anh chị của nó đều đã lập gia đình và đã ra ở riêng hết rồi, chỉ có mình nó còn ở với vợ chồng già này mà thôi. Nghe nó thi đậu đại học ai ai cũng mừng, mình cũng mừng nhưng cũng lo vì người ta nói học đại học tốn nhiều tiền lắm. Bữa giờ thấy nó tất bật đi nhổ cỏ thuê để kiếm thêm ít tiền đi học tận trên thành phố Đà Lạt mình thương lắm, xót ruột lắm nhưng không biết làm sao để giúp nó?!”
Học xong sẽ quay về phục vụ ở buôn làng
Tình cờ gặp K’Sưn tại một quán cà phê sinh viên ở bênh cạnh trường đại học Đà Lạt, K’Sưn cho biết em đã lên đây được 3 ngày để làm thủ tục nhập học và cũng đang đi tìm việc làm thêm. Nghe mấy anh chị sinh viên nơi đây giới thiệu quán này đang cần người giúp việc dọn dẹp, lau rửa ly tách nên em tìm đến để xin thử việc.
“Vừa mới rời xa nhà nhưng em cảm thấy lo lắng vô cùng. Đứa bạn thân vừa báo tin cho biết bệnh thấp khớp của mẹ lại tái phát, thời tiết mưa gió thế này chắc đau nhức lắm!” - K’Sưn rươm rướm nước mắt nói.
Cũng theo K’Sưn, trước khi bước chân lên đây nhập học, em đã tính toán và lường trước những khó khăn, sẽ cố gắng làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và học tập nhưng mọi việc không dễ dàng như mình đã nghĩ. Tuy nhiên, dù giá nào mình cũng cố gắng theo học đến cùng để ước mơ làm cô giáo trở thành hiện thực.
“Tuy cuộc sống của buôn làng cũng đã có sự đổi mới đi lên, nhưng những hủ tục lạc hậu, tập quán sinh hoạt cũ vẫn còn đang được duy trì. Cụ thể là tập tục thách cưới trong cộng đồng người Cil vẫn còn đó, khiến nhiều gia đình khốn đốn, trả nợ mãi không xong...” - K’Sưn kể.
Cuối cùng K’Sưn kiên quyết nói: “Một khi học xong đại học, em sẽ xin về dạy học tại buôn làng để có thời gian, điều kiện truyền tải những kiến thức tiến bộ mà mình đã được học, góp phần đẩy lùi những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu ra khỏi từng căn nhà, bếp lửa. Có vậy đời sống của mình, của buôn làng mình mới mong được phát triển đi lên.