(LĐ online) - Bằng kiến thức chuyên ngành được đào tạo trong nhà trường, những cán bộ trẻ thuộc Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng tốt hơn để giúp người dân Đà Lạt phát triển nghề trồng hoa truyền thống.
(LĐ online) - Bằng kiến thức chuyên ngành được đào tạo trong nhà trường, những cán bộ trẻ thuộc Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng tốt hơn để giúp người dân Đà Lạt phát triển nghề trồng hoa truyền thống.
Phòng thí nghiệm của các kỹ sư trẻ trong trung tâm. |
Với kết quả lai tạo, chọn lọc thành công 5 giống hoa mới, nhóm nghiên cứu trẻ của Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã được Trung ương Đoàn tặng bằng khen trong “Liên hoan sáng tạo trẻ” vừa qua với thành tích đã có đề tài, giải pháp, ý tưởng sáng tạo tiêu biểu năm 2011. Bí thư chi đoàn Trần Anh Thông giới thiệu: “Các sản phẩm lai tạo mới gồm 2 giống hoa cúc, 2 đồng tiền và 1 cẩm chướng. Đây là những sản phẩm tốt nhất được nhóm thực hiện tuyển chọn sau nhiều khâu thử nghiệm rất bài bản”.
Đây chính là thành quả của nhóm nghiên cứu trẻ sau gần 5 năm thực hiện Đề tài: “Lai tạo và chọn lọc các giống hoa mới” do Tiến sỹ Phạm Xuân Tùng (nguyên Giám đốc Trung tâm chủ nhiệm). Tham gia thực hiện đề tài gồm 5 cán bộ còn rất trẻ của Trung tâm có chung niềm say mê nghiên cứu giống hoa. Thông thường, một đề tài nghiên cứu giống hoa mới được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm. Đề tài lai tạo giống hoa của nhóm cũng vậy, triển khai từ đầu năm 2007 nhưng đến giữa năm 2011 mới cho ra kết quả tốt nhất.
Để tạo được những sản phẩm chất lượng tốt, trong quá trình triển khai được thực hiện nghiêm ngặt với đầy đủ những khâu như chọn giống bố mẹ chuẩn, quá trình lai tạo giống cây con F1, trồng khảo nghiệm tại đồng ruộng và phòng thí nghiệm… Anh Trần Anh Thông (người thực hiện chính của Đề tài) giải thích thêm: “Sở dĩ quá trình lai tạo, chọn giống kéo dài nhiều năm là do phải trồng khảo nghiệm ở nhiều nơi và qua nhiều mùa vụ khác nhau. Từ đó để thấy được các ưu điểm của thế hệ giống mới và chọn ra những cây giống có chất lượng nổi trội nhất”.
Thành quả sau nhiều năm nghiên cứu cuối cùng đã không phụ lòng nhóm nghiên cứu trẻ. 5 loại cây giống mới này đã chứng minh được ưu điểm của mình trong quá trình trồng khảo nghiệm và trồng sản xuất đại trà. Trong đó, giống hoa cúc (gồm C07.7 và C07.16) có khả năng sinh trưởng rất mạnh, kháng sâu bệnh cao và hầu như không có biểu hiện nhiễm ruồi và rỉ sắt (hoặc chỉ nhiễm nhẹ) trong các vụ khảo nghiệm. Đặc biệt khi đi vào trồng sản xuất đại trà, hai giống cúc này đã được nhà vườn chấp nhận vì màu sắc vàng tươi, đỏ viền vàng được thị trường ưa chuộng và cho tỷ lệ hoa thương phẩm cao hơn hẳn so với các loại cúc khác (đạt 95 – 100% trong khi các loại khác đạt 80 – 85%).
Cũng tương tự, giống hoa đồng tiền mới (gồm giống G05.76, G05.82) và giống cẩm chướng (D06.9) có sức sinh trưởng tốt và khả năng kháng sâu bệnh khá mạnh. Các loại giống này còn có nhiều ưu điểm nổi trội như cho năng suất cao, màu sắc được thị trường ưa chuộng, rất phù hợp với thị trường hoa cắt cành vốn là thế mạnh của thành phố Đà Lạt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong vùng. Anh Thông cho biết: “Các giống hoa này đã được Bộ Nông nghiệp công nhận là giống hoa mới và cũng được nhân giống Invitro để cung cấp cho người dân Đà Lạt và các địa phương khác trồng sản xuất”.
Cũng theo anh Thông, ngoài Đề tài trên thì còn nhiều đề tài khác nghiên cứu, lai tạo về giống hoa cúc, đồng tiền, lay-ơn khác mà Trung tâm đang thực hiện được 2 năm nay. Riêng với 5 sản phẩm giống hoa mới cũng đang được đề xuất làm hồ sơ công nhận bản quyền sở hữu trí tuệ để tăng thêm tính pháp lý cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, khi những cây giống mới được chính thức công nhận cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhân giống rộng rãi, cung cấp cho người dân và các doanh nghiệp đưa vào trồng sản xuất đại trà. Từ đó góp phần quảng bá cho giống hoa Đà Lạt nói riêng và cây giống Việt Nam nói chung được xuất khẩu đi các quốc gia khác trên thế giới.
Nguyễn Dũng