Sống thử đang lan tràn nhanh trong giới sinh viên như là một trào lưu “thời thượng”.
Sống thử đang lan tràn nhanh trong giới sinh viên như là một trào lưu “thời thượng”. Không quá khó để tìm thấy những cặp đôi sinh viên sống cùng nhau như vợ chồng trong những nhà trọ quanh Đà Lạt.
Sâu trong con hẻm trên đường Phù Đổng Thiên Vương - Đà Lạt là dãy phòng trọ cho sinh viên, trong đó có 2 phòng của cặp đôi NTTD và NHT. 2 phòng kề nhau, mỗi người một phòng nhưng chỉ cần quan sát một chút thì biết họ sống chung với nhau: áo quần nam nữ lẫn lộn phơi chung trước cửa, trưa cùng nấu cơm chung với nhau và thực ra cả ngày lẫn đêm NHT chỉ quẩn quanh trong phòng của NTTD. Mà họ cũng chả giấu với bạn bè và mọi người xung quanh làm gì, cả hai sống với nhau ngay từ khi họ từ Đồng Nai mới lên đây thuê phòng trọ.
NTTD cho biết họ quen nhau từ năm lớp 12 khi chung trường phổ thông, NHT đậu đại học tại TP HCM ngành Công nghệ thông tin nhưng sau đó “theo tiếng gọi con tim” chuyển lên Đà Lạt chấp nhận học hệ cao đẳng để cùng ở với người yêu vốn là sinh viên của Đại học Đà Lạt. Để khỏi dị nghị, cả hai thuê phòng cùng nhà trọ nhưng một phòng bỏ không, như là một kho chứa đồ, phòng còn lại cả 2 ở chung. “Lúc đầu thấy chướng mắt tôi cũng có nói, nhưng rồi đâu lại vào đó, với lại nói họ cũng không nghe đâu. Thôi kệ, trả tiền đủ là được, hồn ai nấy giữ” - bà chủ nhà trọ lớn tuổi trầm ngâm. Đây đã là năm cuối của cả hai, đến nay chuyện học hành với họ có vẻ vẫn ổn. “Gia đình có lên thăm không?” NTTD cho biết : “Dạ có, lâu lâu cũng lên”. “Có biết cả hai sống chung với nhau không?”. “Không biết đâu, chỉ biết là 2 đứa thương nhau thôi!”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Nhưng có những cặp sinh viên sống chung với nhau mà không thèm bận tâm người khác nghĩ gì chung quanh. Họ cứ điềm nhiên cặp nhau đi học, đi phố về đến phòng là đóng cửa rủ rỉ bên trong. Có cặp sợ soi mói dị nghị của bạn bè nên đi xa hơn một chút, tìm đến những dãy nhà trọ dành cho gia đình thuê. Đây là những khu nhà trọ hơi xa trung tâm Đà Lạt một chút, xa các trường đại học, cao đẳng nhưng cái được là có phòng tương đối rộng rãi: gác phía trên, bếp phía dưới, có nhà vệ sinh trong phòng, có chỗ để xe máy và một điều các cặp đôi rất thích: ở đây chả ai để ý đến ai. Đối tượng thuê phòng ở đây là những cặp vợ chồng ở xa đến Đà Lạt làm việc, là công nhân, là giáo viên mới ra trường thuê phòng vì chưa có nhà… Hầu hết mọi người sáng đi, tối về, phòng ai nấy ở, chủ nhà cũng chả bận tâm hỏi, cứ trả tiền đúng hạn là được, tất nhiên có cao hơn phòng trọ sinh viên một chút.
Có hàng trăm cách để giấu gia đình về chuyện sống thử. Quen một bạn trai là sinh viên khác khoa đã lâu, đến năm 4, HTN quyết định chuyển hẳn từ ký túc xá đại học ra sống cùng bạn trai ở nhà trọ. Chuyển đi nhưng tên trong ký túc xá vẫn giữ, đồ dùng sách vở vẫn để đó, vài ngày lại về thăm phòng. Khi cha mẹ lên thăm, HTN dẫn thẳng vào ký túc để người thân “an tâm”!.
“Sống thử” bây giờ không chỉ là chuyện của sinh viên những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM mà đang tăng rất nhanh trong giới đi học tại Đà Lạt - một thành phố lâu nay vốn khá thanh bình. Với 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và không ít các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn, có khoảng vài mươi nghìn sinh viên đang theo học tại đây, phần lớn trọ học trong các khu phòng trọ sinh viên, trong nhà dân. Để không bị gò bó, nhiều sinh viên dù có chế độ ở ký túc xá nhưng vẫn ra ngoài thuê phòng trọ “để làm gì thì làm”. Thấy bạn bè “sống thử” thì mình cũng tìm cách “thử sống”. Nhiều gia đình ở xa có con em đi học không hề biết chuyện sống thử nên không khuyên ngăn được còn mọi người xung quanh có vẻ thờ ơ, các đoàn thể trong trường học cũng đang đứng ngoài cuộc, chả buồn lên tiếng. Cũng có chủ nhà trọ yêu cầu khu nam khu nữ ở riêng, hoặc chỉ cho thuê phòng cho nữ, không cho nam nữ ở chung nhưng con số chủ trọ có lương tâm này ngày càng ít. Sống thử như nhiều sinh viên cho biết đang dần được “công khai hoá” giữa thanh thiên bạch nhật chứ không thèm úp mở như trước. Thậm chí nhiều sinh viên khi được hỏi đã cho rằng đây là chuyện “bình thường”.
Đã đến lúc cần gióng một tiếng chuông cảnh báo về kiểu sống thử xa lạ với văn hoá Á Đông này. Cần cho sinh viên có ý muốn sống thử biết rằng sau nó là những cạm bẫy khôn lường cho những người mới bước vào đời, không biết kiểm soát mình và có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời.
GIA KHÁNH- BÍCH THUỶ