Khát vọng đổi đời của cô gái dân tộc K’Ho yêu văn chương

03:10, 31/10/2012

Cô cùng với bố mẹ đã phải đi vay nóng để có tiền đóng học phí nhập học với khát vọng đổi đời.

Dù tiếng Kinh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng cô bé có tâm hồn đa cảm người dân tộc K’Ho - Ka Huynh lại rất yêu thích văn chương. “Văn học, nhất là văn học Việt Nam với những câu chuyện về thân phận con người, về đời sống xã hội đã ăn sâu vào tâm hồn em, thôi thúc em tìm hiểu sâu hơn nữa…”. Và đó cũng chính là một trong những lý do thôi thúc Ka Huynh quyết tâm cầm hồ sơ nhập học vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt dù cô cùng với bố mẹ đã phải đi vay nóng để có tiền đóng học phí nhập học.

Ka Huynh phụ bố làm cỏ lúa trong những ngày về thăm nhà
Ka Huynh phụ bố làm cỏ lúa trong những ngày về thăm nhà


Ka Huynh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 4 người con ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Bố mẹ sau thời gian dài lao động chân tay cực nhọc để nuôi 4 người con ăn học nay đều bị mắc bệnh thấp khớp. Đặc biệt là mẹ của Ka Huynh bị khớp rất nặng, hai chân phù to không thể làm được việc nặng. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng có lẽ Ka Huynh là người khá may mắn và hạnh phúc khi luôn nhận được sự yêu thương của bố mẹ và cách anh chị em. Cô tâm sự: “Có lẽ em là người may mắn nhất nhà, vì thành tích học tập từ nhỏ rất tốt nên được gia đình yêu thương, tạo điều kiện cho đi học. Năm em học hết lớp 5, bố em làm đơn xin cho em vào học tại Trường Dân tộc Nội trú huyện Di Linh. Vì ở suốt trong trường nội trú nên em không phải đi ruộng, đi rẫy như các anh chị của mình ở nhà mà chỉ quanh quẩn với việc học”.

Do bố mẹ sức khoẻ suy yếu, đất ruộng của gia đình lại vướng vào quy hoạch, được đền bù tiền nhưng bố mẹ cô lại sử dụng hết vào việc xây nhà mà không có hướng đầu tư làm ăn nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, cả 3 anh chị của Ka Huynh vừa học lại vừa phải phụ giúp bố mẹ làm ruộng nên dần cũng nản và lần lượt bỏ học, người lấy chồng, người ở nhà phụ làm ruộng, làm rẫy với bố và lo cho Ka Huynh đi học.

Không phụ công lao và sự tin yêu của gia đình, Ka Huynh học rất khá. Cô là niềm tự hào của gia đình và cả dòng họ khi năm nào cũng được nhận học bổng của trường nội trú huyện, rồi sau đó tiếp tục đậu vào Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng.

Gia đình có 2 sào cà phê với 1 sào lúa. Tính ra thu nhập bình quân chỉ khoảng 600 ngàn mỗi tháng nên cuộc sống đã khá chật vật lại càng thêm khó. Bố Ka Huynh cho hay, gạo thì gần đây nhờ có hồ thủy lợi nên một năm gia đình làm 2 vụ cũng đủ ăn, nhưng tiền chợ, tiền phân bón hằng ngày thì phải cấn nợ hoàn toàn vào 2 sào cà phê ngay từ đầu vụ. “Vợ chồng tôi nghèo khó thật nhưng mỗi tháng cũng cố dành dụm, xoay xở thêm cho Ka Huynh khoảng 200 ngàn gửi cho em đi học ở trường nội trú trên Đà Lạt”.

Sự chăm lo, vun vén hết lòng của cha mẹ cũng đã được Ka Huynh đền đáp khi cô nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt. “Hôm nghe cháu trúng tuyển vào đại học, cả nhà ai cũng mừng. Quyết tâm phải cho con học tiếp để cháu được mở mang đầu óc, để thoát khỏi cảnh suốt ngày chỉ biết ruộng lúa, rẫy cà phê. Không có tiền đóng tiền nhập học, vợ chồng tôi đã đi vay nóng 3 triệu đồng để cho cháu nhập học. May mắn là sau đó cháu được nhận học bổng Tiếp sức đến trường nên bước đầu đã bớt khó khăn về nợ nần”.

Bố Ka Huynh cho biết, hiện tại Ka Huynh đã chính thức trở thành sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt. Mỗi tháng, gia đình cũng cố gắng hỗ trợ cho Ka Huynh 300 ngàn tiền ăn. “Vợ chồng, anh chị phụ vào nữa cũng chỉ lo được chừng đó, chẳng biết cháu có đủ ăn trên Đà Lạt không, nhưng cháu bảo là người dân tộc được trường ưu tiên nhiều nên chúng tôi cũng bớt lo lắng phần nào. Hơn nữa, cháu nó cũng nói là đang đi làm thêm”.

Tâm sự với chúng tôi, Ka Huynh cho biết: Việc em nộp đơn nhập học cũng là một quyết định rất khó khăn bởi “lúc ở nhà chờ kết quả thi đại học, mỗi ngày vác cuốc cùng bố đi làm ruộng, nhìn lưng đã bắt đầu oằn xuống của bố, em ứa nước mắt và cứ cảm thấy mình có lỗi với bố mẹ, với gia đình khi mà nhà mình quá khổ rồi, đến tiền ăn hằng ngày còn không đủ mà em lại đòi đi học đại học nên em đã tính nghỉ ở nhà phụ bố làm ruộng. Nhưng rồi em lại đọc được trong suy nghĩ của bố mẹ rằng “nếu như em nghỉ học ngang đây, chắc là cuộc đời của em và cả gia đình em sẽ chỉ mãi mãi gắn với ruộng lúa, với cái cuốc và sự nghèo khó. Lại vẫn mãi sẽ là điệp khúc đầu vụ ghi sổ,rồi lao động cật lực để cuối vụ thu hoạch cấn nợ. Và thế là em đã cầm 3 triệu tiền vay nóng của bố mẹ với quyết tâm là sẽ trở thành một giảng viên ngành văn học, được làm điều mình yêu thích và quan trọng hơn cả là đi dạy học, kiếm tiền để có thể phụng dưỡng bố mẹ tốt nhất và trả ơn các anh chị và cũng là để thoát ra cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo hèn”.

Câu chuyện của Ka Huynh và cả quyết tâm chấp nhận nợ nần, cực khổ để lo cho con gái được đi học của một gia đình người dân tộc nghèo khiến tôi cảm động và xóa đi cái định kiến rằng, bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên không ham học, không quan tâm đến việc học của con. Tin chắc rằng, Ka Huynh và bố mẹ của cô sẽ vượt qua được khó khăn, vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính những nỗ lực vuợt khó, vượt nghèo để đầu tư cho việc học. 

Nguyên Thi