Sức sáng tạo của một thanh niên nông thôn

02:10, 18/10/2012

(LĐ online) - Sau 45 ngày chế tạo và lắp ráp, chiếc máy tự động đóng bầu đất vào túi ni-lon đầu tiên do một thanh niên nông thôn sáng chế phục vụ cho việc gieo ươm một số loại cây giống công nghiệp đã ra đời.

(LĐ online) - Sau 45 ngày chế tạo và lắp ráp, chiếc máy tự động đóng bầu đất vào túi ni-lon đầu tiên do Nguyễn Hồng Chương - một thanh niên nông thôn sáng chế phục vụ cho việc gieo ươm một số loại cây giống công nghiệp, lâm nghiệp đã ra đời trước sự bất ngờ và thán phục của nhiều người.

Chiếc máy dồn đất vào túi ni-lon trị giá gần 100 triệu đồng
Chiếc máy dồn đất vào túi ni-lon trị giá gần 100 triệu đồng


Chúng tôi vừa có dịp đến thăm Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương, đặt tại địa bàn thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ trong lần ghé thăm này, đó là việc được tận mắt chứng kiến “Nhà khoa học chân đất” Nguyễn Hồng Chương chế tạo thành công và tiếp tục “trình làng” một công trình sáng tạo mới.
      
Với mong muốn giảm bớt sức lao động và tiết kiệm chi phí nhân công vào đất gieo ươm một số loại cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, chỉ sau 1 tháng rưỡi chế tạo và lắp ráp, đến nay Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương đã cho ra đời một sản phẩm cơ khí mới – đó là chiếc máy tự động đóng bầu đất vào túi ni-lon. Đây là chiếc máy đầu tiên của cả nước do một thanh niên nông thôn sáng chế để gieo ươm một số loại cây giống công nghiệp, lâm nghiệp phục vụ cho công tác trồng rừng tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc bắt tay nghiên cứu và chế tạo chiếc máy mới này, ông chủ trẻ Nguyễn Hồng Chương tâm sự: “Xuất phát từ yêu cầu thực tế của nhiều khách hàng muốn có chiếc máy dồn đất vào túi ni-lon để gieo ươm một số loại cây trồng lâm nghiệp nên tôi tiếp tục nghiên cứu và chế tạo chiếc máy này. Nghĩ đến đâu tôi bắt tay làm đến đó chứ không có bản vẽ thiết kế…”.

Chiếc máy có trọng lượng khoảng 220 kg, công suất thiết kế dao động từ 18.000 - 20.000 túi ni-lon/ngày, với giá xuất xưởng khoảng 95 triệu đồng. Bình quân, cứ mỗi phút chiếc máy này có thể đóng đất vào khoảng 40 túi ni-lon, thay thế cho từ 10-12 lao động/ngày. Điểm tiện ích của chiếc máy là sử dụng nguồn điện thông dụng 1 pha - 220V, điện năng tiêu thụ chỉ từ 2 - 2,5KW/h, thao tác sử dụng máy khá đơn giản và chỉ cần 2 lao động làm việc trên máy.

Là một nông dân thường xuyên gắn bó với Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương, anh Nguyễn Đức Tuynh – Thường trú tại thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng tạo vượt bậc của Nguyễn Hồng Chương - một thanh niên nông thôn giàu nghị lực và đầy ắp niềm đam mê, anh nói: “Nông dân bình thường mà suy nghĩ chế tạo ra chiếc máy này thì quả là điều quá khâm phục!” Hiện nay, chiếc máy tự động đóng bầu đất vào túi ni-lon cũng đã và đang được Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương tiến hành làm các thủ tục cần thiết để được cấp sở hữu trí tuệ cho công trình sáng tạo mới này.
      
 7 sản phẩm cơ khí với 750 chiếc máy các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp – thực tế này đã chứng tỏ sức sáng tạo bền bỉ của Nguyễn Hồng Chương, mà không phải bất kỳ một thanh niên nông thôn nào cũng làm được.

Đến thăm và chứng kiến công trình sáng tạo mới của Hồng Chương, ông Lê Hữu Túc – Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật huyện Đơn Dương, nói: “Chúng tôi rất tự hào trước sức sáng tạo bền bỉ của một thanh niên nông thôn như Nguyễn Hồng Chương. Không chỉ nghiên cứu, chế tạo ra 1-2 chiếc máy mà đến hôm nay đã có đến 7 chiếc máy được chế tạo thành công. Những chiếc máy do Chương chế tạo không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà còn vươn rộng ra cả nước và cả nước ngoài. Đặc biệt, chiếc máy tự động đóng bầu đất vào túi ni-lon có một ý nghĩa rất thiết thực”.
      
 Nghiên cứu, chế tạo thành công các sản phẩm cơ khí mang ý nghĩa thực tiễn cao và đưa cơ giới hóa vào trong lĩnh vực gieo ươm các loại cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng tại địa phương là một trong những khâu đột phá quan trọng. Có thể nói, sức sáng tạo bền bĩ của một thanh niên nông thôn thế hệ 7X thật đáng khâm phục và đáng suy ngẫm./.

LÊ TRỌNG