Nghị lực của một học sinh làm theo lời Bác

09:04, 24/04/2013

Theo chân cán bộ đoàn của Trường THCS xã Lộc Thành chúng tôi đến thăm gia đình học sinh Đỗ Văn Ấn (thôn 3, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) - một tấm gương điển hình vượt khó vươn lên học tập và làm theo lời Bác.

Theo chân cán bộ đoàn của Trường THCS xã Lộc Thành chúng tôi đến thăm gia đình học sinh Đỗ Tấn Ấn (thôn 3, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) - một tấm gương điển hình vượt khó vươn lên học tập và làm theo lời Bác.

Đỗ Văn Ấn “rung chuông vàng” tại Trường THPT Lộc Thành
Đỗ Văn Ấn “rung chuông vàng” tại Trường THPT Lộc Thành


Vào trong căn nhà chật chội, nóng bức, chúng tôi nhìn thấy một cậu bé nhỏ thó đang cặm cụi trên một bàn phím cũ rích, không có máy tính, đang bấm từng nốt phím. Người mẹ của Ấn giới thiệu: Đây là con trai thứ hai của gia đình. Không khỏi ngạc nhiên, tôi buột miệng: Sao lại đánh bàn phím không có máy vi tính?. Người mẹ trả lời: “Thế là may lắm rồi, chứ trước đây cháu phải lấy bìa các tông kẻ bàn phím để mày mò đánh chữ theo chương trình học bộ môn vi tính ở trường”. Tôi vỡ lẽ, vừa khâm phục, vừa trắc ẩn trước khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng sâu nói chung, của cậu học trò Đỗ Văn Ấn nói riêng và thế rồi câu chuyện vượt khó vươn lên học giỏi, mong thành tài về xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu đẹp của Đỗ Văn Ấn được bắt đầu.

Theo lời kể, gia đình Ấn ở một vùng quê nghèo huyện Đức Lợi, tỉnh Quảng Ngãi, phần kinh tế gia đình quá khó khăn, phần lo cho tính mạng 3 con còn nhỏ mỗi lần đến trường phải đi đò sang sông, nhất là về mùa mưa nước sông lên to chảy xiết, năm 1999, bố mẹ Ấn quyết định chuyển vào Lộc Thành (Bảo Lâm) lập nghiệp. Buổi đầu chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng bán toàn bộ “cơ nghiệp” ở quê cũ, bố mẹ Ấn mua một khoảnh đất nhỏ nằm kẹp giữa hai vách lưng chừng đồi dốc Tha La, thôn 3, xã Lộc Thành để dựng một ngôi nhà tạm bợ, và chọn con đường làm thuê, cuốc mướn từ đầu thôn, đến cuối xã để có tiền duy trì cuộc sống và trang trải cho 3 con ăn học.

Thương bố mẹ suốt ngày lam lũ vẫn không đủ ăn, nhưng không nản lòng lo cho con cái học hành, anh em Ấn vừa quyết tâm học tập, vừa gắng sức đỡ đần bố mẹ. Anh trai đầu ngoài giờ lên lớp, tranh thủ cùng bố mẹ đi làm thuê, Ấn còn nhỏ chưa làm việc nặng nhọc được thì giữ em, chăm sóc con gà, vườn rau, quét dọn nhà cửa và lo chuyện bếp núc gia đình. Cứ thế, cả nhà yêu thương, nương tựa nhau vượt qua đói nghèo, vất vả và anh em Ấn cũng từng bước trưởng thành, học hành chăm chỉ, đạt thành tích cao trong học hành, rèn luyện đạo đức theo lời dạy của Bác “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình” với quyết tâm “khổ luyện thành tài” để không phụ lòng nhà trường, xã hội và gia đình. Khi anh trai đầu thi đậu một lúc hai trường đại học, xuống TP Hồ Chí Minh theo học Khoa Điện tử Trường Đại học Bách khoa, thì gánh nặng gia đình lại dồn lên đôi vai gầy của Ấn.

Ngày ngày, ngoài việc chăm chỉ học hành ở trường lớp, và bên chiếc bàn nhỏ cũ kỹ “ba trong một” tiếp khách, ăn cơm, học bài của gia đình, Ấn còn phải phụ giúp bố mẹ chăm sóc 4 sào chè, mà bố mẹ đã mua được từ nguồn tiền tích lũy làm thuê, làm mướn, hoặc chu toàn việc gia đình.

Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng trong Ấn bao giờ cũng tràn đầy niềm tin, khát khao, hy vọng về một sự đổi thay của bản thân và gia đình. Và niềm khát khao, hy vọng của Ấn đã trở thành hiện thực, khi tháng 9 năm 2007, qua sự giới thiệu của của Hội đoàn đội huyện Bảo Lâm, Ấn được chọn làm nhân vật trong chương trình “Hoa cúc trắng” do Đài PT-TH Lâm Đồng phối hợp với Tỉnh Đoàn thực hiện. Chương trình đã mang lại niềm vui không chỉ cho bản thân Ấn, mà còn cho cả gia đình khi các nhà hảo tâm, cùng Hội LHPN huyện đóng góp kinh phí, cùng với số tiền ít ỏi của gia đình đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, thoáng đãng, tuy nhỏ hẹp (20m2), nhưng đã chấm dứt được cảnh phải co ro ôm sách vở khi học bài, hoặc phải di chuyển chiếc kiềng 3 chân để nấu cơm vào mùa mưa bão.

Càng biết ơn bố mẹ, nhà trường và cộng đồng xã hội, Ấn càng ra sức phấn đấu học tập, công tác và trở thành gương sáng, là cánh chim đầu đàn trong phong trào thi đua của Trường THPT Lộc Thành, được thầy cô, bạn bè, bố mẹ và xóm làng tin yêu. Đó thật sự là niềm vui, hạnh phúc của Ấn. Đặc biệt, trong năm học 2011-2012, ngoài việc được công nhận là học sinh xuất sắc của trường, Ấn còn vui hơn khi thi đậu một lúc hai trường Đại học (Đại học Bách khoa và Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh) và Ấn đã quyết định chọn khoa công nghệ môi trường của Đại học Bách khoa để theo học, với ý nguyện: Sẽ trở thành nhà khoa học nghiên cứu những đề tài có tính thực tiễn cao để góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp - lành mạnh cho chính quê hương Lâm Đồng.

Ước mơ đó, còn một khoảng thời gian khá xa và đầy khó khăn mới trở thành hiện thực, nhưng tin rằng: Đỗ Văn Ấn sẽ thực hiện được trong tương lai, bởi trong em luôn tràn đầy nghị lực học tập, lao động theo lời dạy của Bác Hồ!

Hoàng Vương Mỹ