Đến và sống ở một đất nước khác, tự kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí, nói thành thạo một ngôn ngữ khác… cũng là một cách để trưởng thành.
Đến và sống ở một đất nước khác, tự kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí, nói thành thạo một ngôn ngữ khác… cũng là một cách để trưởng thành.
Chào Hoài Anh, bạn có thể chia sẻ lý do nào khiến bạn chọn du học ở hòn đảo thiên đường Hawaii?
Mình có mặt Hawaii là do duyên số vì trước đây không hề nghĩ đến chuyện du học. Năm mình học lớp 12, một người họ hàng ở Hawaii gợi ý cho mình thông tin du học. Mình “lần mò” vào trang web của trường, hỏi email tìm cách đăng kí và nộp đơn hồ sơ. Không ngờ sau khi mình nhận được tin thi đậu vào ĐH Luật tại Việt Nam thì vài hôm sau nhận thông tin được ĐH bên Hawaii nhận vào.
Vì thủ tục đăng kí và thi tuyển vào trường bên Mỹ đều làm và gửi qua email, mình cũng không nghĩ sẽ được chọn nên đã giấu bố mẹ chuyện đó. Lúc nhận được thông báo mình mới nói thật và gia đình đã có một cuộc họp ngay sau đó.
Bố mẹ bạn có phản ứng như thế nào trước thông tin ấy?
Đương nhiên là kịch liệt phản đối rồi! Nhưng mình hứa sang sống và đóng tiền học bằng chính tiền mình kiếm được.
Để xin được visa đi du học Mỹ không phải điều đơn giản chút nào, có những bạn phỏng vấn 5,6 lần chưa đậu ấy chứ! May mắn là mình vượt qua và thực hiện gần như trọn vẹn lời hứa của mình cho đến lúc này… Có lẽ bố mẹ cũng bất ngờ vì khả năng tự lập của mình.
Những ngày mới sang Hawaii mọi thứ có như mong đợi của bạn?
Mọi thứ gần như xoay chuyển 180 độ, ngày đầu tiên mình đã không đăng kí được suất ăn ở trường, (đành nhịn đói nguyên ngày) đã thế lại đi lạc xe bus tùm lum, về đến nhà từ đầu tới chân lấm lem, nhìn thảm lắm. Cứ bước ra đường là thấy những người hoàn toàn xa lạ với mình từ màu da đến ngôn ngữ, lúc đó nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhiều lắm nhưng cũng đành cắn răng mà chịu.
Còn về phần học tập, hầu như mình không hiểu mọi người đang nói gì, người bản xứ nói rất nhanh. Khó khăn trong giao tiếp khiến cô gái vốn dạn dĩ và tự tin như mình chợt thu mình lại, cảm giác mình rất nhỏ bé và bị nhấn chìm giữa biển người bao la...
Có kỉ niệm nào trong những ngày khó khăn đó khiến Hoài Anh nhớ mãi?
Đó là 3 tuần sau khi nhập học, Hoài Anh được giao viết một bài luận ở trường. Mình viết bài và thấy tự tin vì vốn là học sinh chuyên Văn. Nhưng đến khi đưa cho mọi người đọc, không ai hiểu mình nói gì… Tự dưng mình bật khóc, thấy rằng để diễn đạt một điều gì đó khi không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ quả thật khó khăn.
Hiện tại cuộc sống của bạn thế nào?
Mình thấy cuộc sống mới tươi đẹp và nhiều sắc màu. Sang bên này mình ở nhà dì nên tiết kiệm được một số tiền sinh hoạt kha khá, nơi mình ở chỉ cách biển 15 phút đi bộ nên mỗi lần thèm tắm biển là cứ chạy ùa ra ngay. Những người ở đây sống thân thiện và hào phóng, có lẽ biển đã một phần tác động vào đời sống, tâm hồn họ.
Vì là hòn đảo nhỏ nên mình đi học bằng xe bus, mỗi tuần có khoảng 4- 5 buổi. Việc học cũng không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi mình phải chăm chỉ. Mình thích nhất ở Hawaii là cái “chuẩn” đẹp của họ. Ở đây ai có làn da rám nắng mới là đẹp, thế nên mình cứ đi ngoài nắng thoải mái mà không sợ đen hay phải khổ sở giữ da trắng như hồi ở Việt Nam để khỏi bị chê nữa.
Ngoại hình xinh xắn nên cô nàng dễ lọt vào "mắt xanh" của các anh chàng ngoại quốc
Chi phí học tập và sinh hoạt ở Hawaii có đắt đỏ không? Bạn đã làm gì để có tiền sống tự lập khi còn là sinh viên?
Đương nhiên là đắt đỏ rồi vì Hawaii là đảo, mọi thứ từ nhu yếu phẩm đến dịch vụ khác đều được chở từ đất liền đến. Thêm nữa, đây là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới nên giá cả mọi mặt hàng đều được tính cao hơn mức bình thường, đánh vào đối tượng là khách du lịch. Mình là người dân sống ở đây thì cũng phải chịu ảnh hưởng theo, nhưng sống lâu dần cũng quen. Nếu tiền sinh hoạt cao thì mình lại càng có lý do để phấn đấu mà kiếm tiền.
Sang bên này, vừa đi học mình vừa làm rất nhiều nghề từ làm nail vào cuối tuần đến làm giao thư vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong trường học… Thật sự mà nói công việc chiếm rất nhiều thời gian của mình nhưng nếu biết cách sắp xếp và chịu khó thì cũng không phải là trở ngại quá lớn. Mình thường tranh thủ học bài vào buổi tối, có khi nhiều bài quá thì thức trắng đêm. Nhưng mình vui vì không phải là gánh nặng cho gia đình mà vẫn có thể làm những điều mình thích.
Ở nước ngoài, nghề nail không được đánh giá cao, bạn không sợ “mất giá” trong mắt bạn bè nước ngoài sao?
“Mất giá” hay “có giá” là định kiến của bạn thôi, nghề nào cũng là nghề chân chính và nếu kiếm được tiền từ công sức bỏ ra thì đều xứng đáng để được tôn vinh. Nếu mình tự phân biệt đẳng cấp của mình bằng việc e ngại làm những công việc bình thường thì cũng sẽ có những người khác đánh giá thấp bạn thôi. Mình nghĩ vậy!
Trường Hawaii Pacific University đòi hỏi ở sinh viên điều gì và làm sao để học tốt trong môi trường này?
Chính là sự chăm chỉ! Khi mới sang, mình thua bạn bè trong lớp rất nhiều cái nhưng chính sự chăm chỉ và không ngừng học hỏi, không ngại sai đã giúp mình hòa đồng trong tập thể lớp và mình chưa hề bị rớt môn nào trong suốt ba năm học đấy nhé!
Bạn vốn là một học sinh chuyên Văn vậy tại sao lại theo học ngành Kinh tế ở trường ĐH Hawaii?
Mình học chuyên Văn nên ước mơ của mình là học Luật, nhưng vì ở Mỹ muốn học Luật thì phải có bằng cử nhân trước nên mình quyết định thử học kinh tế. Không ngờ được rằng bây giờ mình lại cực kì thích ngành học này. Sau này có cơ hội, mình sẽ tiếp tục theo đuổi ngành Luật.
Hoài Anh có ngoại hình khá xinh đẹp, chắc hẳn có rất nhiều anh chàng ngoại quốc theo đuổi bạn đúng không?
Cũng có đấy. Nhưng có lẽ giữa mình và các chàng trai ngoại quốc có những sự khác nhau về cách sống, văn hóa và cách tiến đến với tình yêu nên không thể tiến xa hơn được. Đến bây giờ mình vẫn nghĩ có lẽ nên tìm một chàng trai Việt để yêu (cười).
Hình ảnh nào Hoài Anh sẽ nghĩ đến ngay khi nhắc về Hawaii?
Đó là điệu múa Halu và hình ảnh những anh chàng vừa ôm đàn ukulele vừa hát bên bãi biển. Đó là hai nét đẹp của hòn đảo thiên đường, cũng là điều mà bất cứ ai đã từng đến đây đều ghi nhớ và ấn tượng sâu đậm. Có thể ví điều đó như “đặc sản” của đất và người nơi đây!
Bạn đã có dự định gì cho riêng mình chưa?
Chương trình học của mình kéo dài khoảng 4 - 5 năm, sau khi học xong mình sẽ dùng số tiền tích góp được đi “phượt” ở một số nước trên thế giới cho “đã” rồi sẽ bắt tay vào làm việc nghiêm túc. Thực ra mình cũng muốn trở về Việt Nam làm trong ngành xuất nhập khẩu. Tuổi trẻ là thời gian để vẫy vùng nhưng quê hương vẫn là bến đỗ bình yên mà, phải không?
Cám ơn bạn về những chia sẻ thú vị. Cùng ngắm những hình ảnh dễ thương của cô bạn này.
Dù bận rộn với công việc làm thêm nhưng Hoài Anh vẫn tranh thủ vào thư viện khi rảnh rỗi để tìm hiểu thêm những kiến thức trong chuyên ngành học
Hoài Anh tiết lộ, cô nàng có một tình yêu kì lạ với biển
Theo Tiin Ái Lê/ Đất Việt