Xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên nằm dọc bờ sông Đồng Nai rất thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ cái nghề “ăn cơm đứng” này mà những năm gần đây đã giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên giàu có. Trong đó, có hộ gia đình trẻ Hoàng Xuân Cường (Phó Bí thư Đoàn xã Phù Mỹ)…
Xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên nằm dọc bờ sông Đồng Nai rất thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ cái nghề “ăn cơm đứng” này mà những năm gần đây đã giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên giàu có. Trong đó, có hộ gia đình trẻ Hoàng Xuân Cường (Phó Bí thư Đoàn xã Phù Mỹ)…
Anh Hoàng Xuân Cường (thôn 4), xuất thân từ một thanh niên người gốc Nam Định vào Phù Mỹ (Cát Tiên) lập nghiệp cùng gia đình từ năm 1980. Trải qua một thời gian dài lam lũ sản xuất, chăn nuôi bằng cái nghề trồng khoai, bắp… nên cứ nghèo. Học hết lớp 11 (năm 1997), anh phải nghỉ học để ở nhà mưu sinh. Năm 1998, Cường cưới vợ và được cha mẹ cho 2,5 sào đất vườn để làm vốn. Nhưng không lẽ cứ mãi đi vào con đường lẩn quẩn như cha mẹ bằng cái nghề truyền thống lạc hậu trước nay? Bao nhiêu trăn trở ấy cứ quay cuồng trong đầu chàng trai. Nhờ tham gia công tác Đoàn của địa phương, Cường được tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, anh đã bàn với gia đình và quyết định dùng toàn bộ diện tích đất cha mẹ cho đầu tư vào nghề dâu tằm. Những mùa dâu tằm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm chàng nông dân trẻ đã gặp những thất bại, rủi ro… Nhưng anh không hề nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và làm lại...
Từ 2,5 sào đất gia đình cho làm vốn ra ở riêng, vợ chồng trẻ Xuân Cường tháng ngày cần mẫn chăm chút từng luống dâu, nong tằm. Khi đã có thu nhập, Xuân Cường tích cực dành dụm mua thêm đất để mở rộng diện tích cây dâu và mạnh dạn đầu tư những lứa tằm lớn dần lên. Lặng lẽ hơn 10 năm cần cù, chịu khó gắn bó với cái nghề thức khuya dậy sớm lắm gian lao này, đôi vợ chồng trẻ cứ chắt cóp mở rộng dần diện tích sản xuất của gia đình mình. Đến nay, vợ chồng anh đã có 1,5 ha đất sản xuất (chuyên canh cây dâu tằm). Để nâng cao lợi nhuận từ nghề tằm tang, Xuân Cường đã chuyển đổi từ việc nuôi tằm và bán kén sang ươm tằm giống bán cho bà con nông dân trong vùng. Chính cái nghề này đã giúp gia đình anh nhanh chóng vươn lên khá giả. Xuân Cường cho biết: hơn 4 năm nay, anh “hợp tác” với gia đình ông cậu ruột để hùn vốn và công sức sản xuất tằm con giống. Mỗi tháng, hai gia đình cho ra lò 4 lứa tằm con, trung bình 250 hộp (mỗi hộp bán 170.000đồng). Nếu tính sơ sơ tiền bán tằm giống thu về 42,5 triệu đồng/tháng (trừ tiền trả công sản xuất và vốn tính từ lá dâu, thuốc… mỗi cậu, cháu tích luỹ trên 10 triệu đồng.
Khi đã ổn định về kinh tế, Xuân Cường có điều kiện tham gia công tác xã hội và tiếp tục học tập để không thua kém bạn bè. Năm 1997, từ làm Phó Bí thư chi đoàn thôn đến năm 2001, Hoàng Xuân Cường được tuổi trẻ xã Phù Mỹ tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã. Cũng trong năm này, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chàng thủ lĩnh thanh niên nhận thức, không chỉ biết làm giàu kinh tế cho gia đình mà phải tham gia công tác xã hội để cống hiến và trưởng thành. Năm 2006, triệu phú nông dân trẻ Hoàng Xuân Cường đi học và lấy bằng tốt nghiệp THPT; năm 2007, anh tiếp tục học xong khoá Trung cấp Công an tổ chức tại Đà Lạt. Nhưng, dường như “duyên nợ” với công tác Đoàn cứ níu kéo anh cho đến hôm nay. Ngoài tham gia tốt công tác Đoàn xã, Xuân Cường còn dành nhiều thời gian cho vườn dâu con tằm của gia đình mình. Tín nhiệm chàng nông dân giỏi việc nước, giỏi việc nhà này, Hội Nông dân thôn 4 đã mời anh gia nhập “Câu lạc bộ nuôi tằm” của thôn.
Nhờ đi “đúng hướng”, hiện nay mỗi năm gia đình Xuân Cường thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh đã xây cất nhà mới gần 200 triệu đồng, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt cho gia đình và nuôi 2 con ăn học đủ đầy.
Gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng để vươn lên làm giàu ngay chính trên quê hương của mình và cống hiến cho địa phương như trường hợp thủ lĩnh thanh niên Hoàng Xuân Cường thật sự là tấm gương sáng để nhiều thanh niên trong tỉnh noi theo.
THANH DƯƠNG HỒNG