Vượt khó, trở thành cán bộ đoàn tiêu biểu

08:05, 29/05/2013

Từ một thanh niên đồng bào DTTS Châu Ro bình thường, anh Điểu Hoà không ngừng phấn đấu vượt khó vươn lên trong làm kinh tế gia đình, trong hoạt động đoàn thanh niên, trở thành tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ làm giàu và Bí thư Đoàn xã tiêu biểu của xã anh hùng Lộc Lâm...

Từ một thanh niên đồng bào DTTS Châu Ro bình thường, anh Điểu Hoà không ngừng phấn đấu vượt khó vươn lên trong làm kinh tế gia đình, trong hoạt động đoàn thanh niên, trở thành tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ làm giàu và Bí thư Đoàn xã tiêu biểu của xã anh hùng Lộc Lâm. Anh là niềm tự hào không những của gia đình, địa phương, mà còn là niềm tự hào của tuổi trẻ Bảo Lâm nói riêng, thế hệ đoàn thanh niên nói chung trong việc làm theo lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn, anh Điểu Hoà (sinh năm 1976) luôn nuôi một khát vọng “thoát nghèo”, vươn lên làm giàu chính đáng. Vì thế, năm 1995, anh bàn với gia đình và được gia đình đồng ý “ly hương” lên thôn 3, xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm lập nghiệp. Tại quê hương mới, với số tiền ít ỏi bán “tài sản” ở quê cũ và tiền làm thuê cuốc mướn quanh năm có được, lúc đầu anh Điểu Hoà mua được 5 sào chè hạt, về sau mua thêm 5,5 ha rẫy bỏ hoang của đồng bào DTTS tại địa phương. Với diện tích này, anh cần mẫn cải tạo đất, đào hố trồng cà phê, mở rộng diện tích cây chè. Vừa cần mẫn trên nương rẫy, vừa chịu khó sưu tầm sách vở, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để nắm bắt kỹ thuật chăm sóc chè, cà phê, nên sau 4 năm “đem nhựa sống cho đất, đất đã trả ơn người” năm 2001 anh Điểu Hoà đã có vụ thu hoạch bội thu đầu tiên. Có được nguồn thu từ chè, cà phê, đã giúp anh Điểu Hoà có điều kiện thanh toán được nợ nần và trang trải cuộc sống, sửa sang lại ngôi nhà “tạm bợ” khi gia đình mới lên Lộc Lâm lập nghiệp. Việc làm ăn tưởng chừng đang “xuôi buồm thuận gió” như vậy, đâu có ngờ những năm sau đó cà phê rớt, chè rớt giá thê thảm, lại gặp nắng hạn kéo dài, nhiều vườn chè, vườn cà phê của người dân trong xã, trong huyện và cả tỉnh Lâm Đồng đều “xơ xác, tiêu điều”, vườn của anh Điểu Hoà cũng chịu chung số phận. Chè, cà phê không có giá, lại không có thị trường tiêu thụ, nhưng anh quyết không đầu hàng, vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai!”, nên không như bao người dân khác, anh vẫn không “bỏ rơi vườn”. Để có tiền “nuôi vườn cây”, anh quyết định lần nữa gia nhập “đội quân làm thuê” ai kêu gì làm nấy, miễn sao làm việc chính đáng để có tiền mua phân bón, tưới tắm chè, cà phê và tích góp để trả nợ dần cho những chủ nợ đã cho anh vay mượn mua nương rẫy trước đó. Cuộc mưu sinh trong thời buổi thất bát mùa màng cũng không kém phần gian nan, vất vả như khi còn ở quê cũ, nhưng chính trong sự gian khổ này đã trui rèn bản lĩnh và mang lại niềm tin, niềm vui cho anh Điểu Hoà, khi anh gắn bó với tổ chức Đoàn Thanh niên. Lúc đầu chỉ là sự tham gia sinh hoạt văn hoá văn nghệ ở chi đoàn thôn để giải khuây, nhưng về sau nhận thấy tổ chức Đoàn Thanh niên có nhiều hoạt động thiết thực, anh đã thực sự hoà nhập và tham gia một cách nhiệt tình, có trách nhiệm hơn. Cứ thế, anh ngày càng say mê công tác Đoàn và ngày càng được cấp uỷ, chính quyền, đoàn viên, thanh niên tín nhiệm bầu giữ các chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn 3, Phó Bí thư Xã Đoàn, rồi Bí thư Xã Đoàn Lộc Lâm vào cuối năm 2009. Được cấp uỷ, chính quyền và đoàn viên thanh niên tín nhiệm, anh cảm thấy tự hào, nhưng cũng nhận thấy trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn, bởi từ đây vừa phải làm tốt công tác lãnh chỉ đạo đoàn viên thanh niên thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp uỷ, chính quyền giao phó, vừa phải “đảm việc nhà” để kinh tế gia đình phát triển, mới có đủ uy tín để làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong tổ chức đoàn và ngoài xã hội. Với suy nghĩ như vậy, anh Điểu Hoà luôn nỗ lực phấn đấu mọi lúc, mọi nơi. Và rồi, năm 2008, vườn chè, vườn cà phê của anh được phục hồi, phát triển đã mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi khoản chi phí. Cứ thế, hàng năm về sau, từ kinh tế vườn hộ, anh Điểu Hoà luôn có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, đã góp phần nâng tổng giá trị tài sản của anh hiện nay lên trên 2 tỷ đồng. Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, anh luôn tận tình hướng dẫn bà con lối xóm và các đoàn viên thanh niên biết cách làm giàu chân chính từ ruộng vườn, đồng thời giải quyết việc làm thời vụ hàng năm cho trên 20 lao động tại địa phương, với tiền công 130-140.000 đồng/người/ngày.

Tuy hiện nay được xem là “triệu phú” nhà nông, được người dân và đoàn viên thanh niên ở địa phương tôn trọng gọi là “nhà triệu phú trẻ”, “thủ lĩnh thanh niên”… được Huyện Đoàn, Hội LHTNVN tỉnh, Tỉnh Đoàn, UBND tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen, nhưng với người thanh niên dân tộc Châu Ro, Điểu Hoà vẫn luôn giản dị, chân tình, sống hết mình trách nhiệm với cộng đồng, với đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Vì vậy, khi được hỏi về bí quyết của sự thành công, anh Điểu Hoà chân tình nói rằng: “Đã là thanh niên thì phải dám nghĩ, dám làm và luôn có ý chí tiến thủ theo lời dạy của Bác Hồ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí cũng làm nên!”.

HOÀNG VƯƠNG MỸ