Những "chim non ra ràng"

04:08, 28/08/2013

Các cháu là những mảnh đời có hoàn cảnh bất hạnh, thiệt thòi, được vòng tay nhân ái của Nhà nước và xã hội bảo bọc cưu mang. Năm tháng sống, rèn luyện và học tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội hay Làng SOS, các cháu tận dụng cơ hội để phấn đấu; và đến giờ, như những con chim đủ lông đủ cánh đã "ra ràng", bước vào giảng đường đại học. 
 

 

Các cháu là những mảnh đời có hoàn cảnh bất hạnh, thiệt thòi, được vòng tay nhân ái của Nhà nước và xã hội bảo bọc cưu mang. Năm tháng sống, rèn luyện và học tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) hay Làng SOS, các cháu tận dụng cơ hội để phấn đấu; và đến giờ, như những con chim đủ lông đủ cánh đã "ra ràng", bước vào giảng đường đại học (ĐH). 
 
a
Phạm Xuân Thanh Nam (trái) và Tiến Dũng cùng làm bài tại khu lưu xá

Éo le những hoàn cảnh

Tất cả cùng sinh năm 1995, nhưng mỗi cháu một hoàn cảnh buồn. Phan Thị Hoàng Lan, quê Quảng Nam, thường trú tại Liên Hiệp, Đức Trọng; Nguyễn Lệ Hồng, quê ở Bình Định, thường trú tại Phước Cát 1, Cát Tiên; Đoàn Tiến Dũng, quê Quảng Ngãi, thường trú tại Đạ Tồn, Đạ Huoai và Phạm Xuân Thanh Nam, quê Thanh Hóa, thường trú tại Ninh Gia, Đức Trọng.

10 tuổi, Hoàng Lan mất ba, mẹ vướng vào vòng lao lý, 2 em ở với ông bà nội; Lan được nhận vào TTBTXH Đà Lạt. Gương mặt Hoàng Lan đượm buồn nhưng luôn ngời lên ý chí không chấp nhận đổ gục. 

Với Lệ Hồng, lớn lên không biết mặt bố, ở với mẹ và 4 anh em. 9 tuổi, Hồng trở thành thành viên TTBTXH. Người anh cả bỏ đi bặt vô âm tín, mẹ nuôi 2 em ăn học. Định cư nơi Cát Tiên được mấy năm, mẹ Lan phải bán ruộng vườn, nhà cửa trả nợ và tá túc nhà cậu tận tỉnh Đắc Nông. Ở đó, mẹ Lan bán xôi cho học sinh (HS) để nuôi em, anh trai làm thuê cho cậu… 

 

Éo le những hoàn cảnh
Phan Thị Hoàng Lan (trái) cùng NGuyễn Lệ Hồng nghiên cứu tài liệu phục vụ học tập        

Không tan gia bại sản như 2 cháu nữ, gia cảnh của 2 cháu nam cũng muôn phần khó. Tiến Dũng mồ côi cha lúc 8 tuổi, mẹ ốm đau nhiều không cưu mang nổi cho Dũng và người chị sắp thi ĐH. Với Thanh Nam, người mẹ cũng đau ốm liên miên, chỉ mình bố lao động nuôi Nam và anh, chị học ĐH, CĐ. Gia đình của Dũng và Nam đều rơi vào cảnh hộ nghèo. 

 
Năm 2008, Làng SOS Lâm Đồng nhận được quỹ học bổng giúp đỡ HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng phải là HS có kết quả học tập THCS loại giỏi. Vận may đến với Dũng và Nam, cả 2 cháu đều thuộc đối tượng này và đã được vào Làng SOS thụ hưởng các chính sách từ ăn, ở, học hành suốt 3 năm THPT. 
 
Anh Nguyễn Mạnh Dũng - phụ trách Nhà Lưu xá thanh niên của Làng SOS và Giám đốc TTBTXH Trần Quyết Thắng đều có chung nhận xét: thời gian đầu, các cháu mới vào còn mặc cảm và rụt rè nhưng chỉ một thời gian ngắn, cháu nào cũng nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Các cháu không những hòa đồng mà trở thành những thành viên gương mẫu của “mái ấm tình thương”. 
 
Vươn lên mỗi ngày
 
Dù được TTBTXH lo mọi khoản ăn và học, nhưng để trang trải trong sinh hoạt cá nhân, cô bé Hoàng Lan xin làm thêm tại quán cà phê, quán ăn và tranh thủ nhận len về nơi ở móc áo làm hàng chợ. 
 
Là bậc anh, chị của “gia đình tình thương”, 4 cháu cùng thầy cô, bác, cậu của Trung tâm và Làng kèm cặp các em nhỏ học bài, nhắc nhở vâng lời. Chính 4 cháu là tấm gương sáng về đức tính hiếu học, ngoan ngoãn. Các cháu ý thức sâu nặng sự quan tâm của Nhà nước đối với bản thân nên “phải biết tận dụng để học” như Tiến Dũng nói và “mình không học được thì thật uổng” như Hoàng Lan chia sẻ. 
 
Để có kết quả, các cháu phân thời gian biểu hợp lý, lên lớp tập trung nắm cơ bản bài học để dành thời gian cho môn thi ĐH. Đậu ĐH là ước mơ nung nấu trong mỗi nghị lực và tâm hồn lớp trẻ này. Ngoài tự giác học qua tài liệu, mạng Internet, các cháu cháy bỏng niềm khao khát được tích lũy tri thức từ những giờ luyện thi. Biết quên đi những hoàn cảnh của mình và luôn tự nhủ cần phải phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng thương yêu đùm bọc của thầy, cô và bác, cậu. 
 
Nhận xét về Hoàng Lan và Lệ Hồng, anh Trần Quyết Thắng nói: 2 cháu rất có nghị lực; chăm chỉ, chịu khó trong học tập và quản lý các em nhỏ. “Chúng tôi rất vui là từ nhiều năm nay, các cháu ra đi làm vẫn thường xuyên về lại thăm Trung tâm như trở về mái ấm thứ 2”. Nơi đó đã gieo vào tâm hồn các cháu tấm lòng trong, tình nhân ái và đức từ bi. Anh Nguyễn Mạnh Vũ tự hào về Tiến Dũng và Thanh Nam: “Các cháu rất ngoan, biết nghe lời, rèn luyện bản thân rất tốt. Biết tận dụng cơ hội để vượt ra khỏi hoàn cảnh khó khăn của gia đình”…    
 
Quả ngọt nâng ước mơ xa 
 
Nhà văn Rút-xô từng nói: “Sự nhẫn nại thì đắng nhưng kết quả lại ngọt”, quả rất đúng với 4 HS này. Không chỉ kết quả học tập THPT hầu như đạt HS khá, giỏi mà điểm thi vào ĐH nếu cộng ưu tiên đều dư từ 1,5 đến 7,0 điểm. Phan Thị Hoàng Lan đậu ngành Vật lý ĐH Đà Lạt 13,75 điểm; Nguyễn Lệ Hồng đậu ngành tiếng Anh ĐH Đà Lạt 20,5 điểm (Toán 8,25; Văn 6,0; tiếng Anh 6,25). Đoàn Tiến Dũng đậu 2 trường ĐH tại thành phố Hồ Chí Minh: Sư phạm Toán ĐHSP 23,5 điểm (Toán 8,25; Lý 7,25; Hóa 8,0) và Vật lý trị liệu ĐH Y dược 21,75 điểm (Toán 7,25; Sinh 6,5; Hóa 7,5). Phạm Xuân Thanh Nam chọn một trường với ngành học chỉ tuyển 30 sinh viên, đó là Kỹ thuật hạt nhân, ĐH Đà Lạt và kết quả 22,75 điểm (Toán 7,5; Lý 7,25; Hóa 8,0). 
 
Chia sẻ niềm vui và kế hoạch, ước mơ sắp tới, sự chín chắn biểu hiện rõ trong từng cháu. Điểm chung của các cháu đều hiểu rõ là “càng học lên cao càng phải phấn đấu nhiều hơn thì mới có nhiều cơ hội hơn về việc làm”. 
 
Hoàng Lan rất thích nghiên cứu lĩnh vực Vật lý và sẽ làm thêm nếu lực học đảm bảo. Lệ Hồng mê tiếng Anh từ cấp 2 và ra trường muốn được làm cho một doanh nghiệp. Tiến Dũng quyết định chọn sư phạm Toán vì mê khoa học này từ lâu và mong được trở về Trường Hermann Gmeiner để dìu dắt các HS cùng hoàn cảnh. Còn Thanh Nam chọn ngành Kỹ thuật hạt nhân vì tự tin vào năng lực bản thân, lại là ngành có nhiều chế độ ưu đãi trong khi học và ra trường. 
 
“Cháu sẽ đi làm theo sự phân công của Nhà nước để giúp cho đất nước và có thu nhập giúp đỡ gia đình. Nhưng phải cố gắng học thêm tin học chú ạ”. Đó là lời hứa của Nam và tin chắc sẽ là tiếng ca đẹp của những “cánh chim” tung bay ở chân trời phía trước.
 
ĐẠO PHAN