Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Lâm Đồng kế tục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

02:02, 25/02/2014

Lâm Đồng là quê hương lâu đời của các dân tộc anh em Mạ, K'Ho, Churu… ẩn chứa trong mình những di sản văn hóa truyền thống và nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Với dân số 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22% (khoảng 265 ngàn người), thanh niên dân tộc thiểu số có 64.351/250.543 thanh niên của 42 dân tộc anh em sinh sống trên toàn tỉnh...

Lâm Đồng là quê hương lâu đời của các dân tộc anh em Mạ, K’Ho, Churu… ẩn chứa trong mình những di sản văn hóa truyền thống và nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Với dân số 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22% (khoảng 265 ngàn người), thanh niên dân tộc thiểu số có 64.351/250.543 thanh niên của 42 dân tộc anh em sinh sống trên toàn tỉnh. Điều đó khẳng định vai trò của thanh niên, là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 
 
Náo nức nhịp chiêng Tây Nguyên. Ảnh: TĐ
Náo nức nhịp chiêng Tây Nguyên. Ảnh: TĐ
 
Trong những năm qua, các cấp Hội, Đoàn Thanh niên từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều mô hình hay, định hướng đúng, tổ chức cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng nhiều hình thức đa đạng, phong phú. Vào các ngày lễ lớn, tổ chức Đoàn đều có các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, hội trại truyền thống, về nguồn. Nhiều hoạt động được sân khấu hóa như: Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, được đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng tham gia, đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên tìm hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, hàng năm, trên địa bàn tỉnh, nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng như: Ngày hội Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ hội cúng ruộng, lễ cúng thần nước… là dịp để người dân bản địa thực hành tín ngưỡng truyền thống, qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho tuổi trẻ các dân tộc thiểu số. Nhiều buôn làng đã lập ra các CLB cồng chiêng mà thanh niên là lực lượng chính, thường xuyên tổ chức luyện tập tại nhà sinh hoạt cộng đồng, tham gia biểu diễn phục vụ tại các liên hoan văn nghệ ở địa phương, đồng thời giới thiệu với du khách về bản sắc văn hóa truyền thống tại các khu điểm du lịch như: KDL Langbian, thác Đạmb’ri, đồi Mộng Mơ, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà… 480 thanh niên tuổi đời từ 15 - 32 tuổi đã tích cực tham gia học tập tại 20 lớp truyền dạy cồng chiêng do Sở VH-TT-DL tổ chức tại các buôn làng đồng bào Mạ, K’Ho, Churu mà họ sinh sống. Từ các lớp học, các bạn trẻ đã dạy lại cho các bạn cùng trang lứa, các em thiếu niên, từ đó nâng cao hoạt động văn hóa văn nghệ của tuổi trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Trong một lần về Đam Rông - một huyện có hơn 7.000 thanh niên (trên tổng số 42 ngàn người), trong đó thanh niên dân tộc thiểu số ở nông thôn chiếm 80% chủ yếu là đồng bào K’Ho, M’Nông…, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi toàn huyện có 8 xã thì cả 8 đều thành lập được CLB cồng chiêng thanh niên. Dù đời sống còn nghèo, nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống phi vật thể được gìn giữ qua nhiều thế hệ, được thanh thiếu niên tiếp nối và trân trọng như: văn hóa lễ hội, cồng chiêng, mẫu hệ, ẩm thực, luật tục cộng đồng; trong đó xây dựng mô hình các CLB, đội, nhóm cồng chiêng tại cộng đồng (thôn, buôn, xã) làm nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội thanh niên thường trở thành những buổi dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca và các điệu múa truyền thống. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người không biết, biết đến đâu dạy đến đó. Có thể kể CLB cồng chiêng sôi nổi của các xã Đoàn: Đạ M’Rông, Đạ Tông, Liêng Sronh… mà từ chỉ huy dàn nhạc đến dàn diễn tấu đều là những bạn còn rất trẻ. Họ thông thạo giai điệu diễn tấu, thuộc làu những bài chiêng dân gian, tổ chức luyện tập, dàn dựng, biểu diễn một cách bài bản. Các bạn làm cho cồng chiêng đang trở về vị trí vốn có của nó trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào, làm sống lại không gian văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng trong huyện, khiến thế hệ đi trước phải tự hào. Để khích lệ phong trào, Huyện Đoàn Đam Rông đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi diễn tấu cồng chiêng giữa thanh niên, qua đó khơi dậy trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng.
 
Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Lâm Đồng trong Tuần Văn hóa - Du lịch 2013
Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Lâm Đồng trong Tuần Văn hóa - Du lịch 2013
 
Chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Ngoài việc xây dựng mô hình CLB cồng chiêng thanh niên ở các buôn làng dân tộc thiểu số, gắn với hoạt động Đoàn hàng năm, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên như: CLB tuổi trẻ với hôn nhân và gia đình, CLB tiền hôn nhân, Liên hoan thanh niên các dân tộc thiểu số, Thanh niên tham gia xây dựng văn hóa nông thôn, văn minh đô thị với phương châm “Ứng xử văn hóa, hành động văn minh”… tất cả các hoạt động nhằm làm cho thanh niên thấy được cái hay, cái đẹp và những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống, từ đó giúp tuổi trẻ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình quyết tâm hành động để tiếp nối bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà cha ông mình để lại.
 
QUỲNH UYỂN