Cậu học trò người dân tộc K'Ho vượt khó thi đậu cả hai trường đại học

04:09, 21/09/2014

Nròng K'Duy Py là người dân tộc K'Ho, sinh ra trong gia đình có 2 anh em trai, mẹ là giáo viên Trường Mẫu giáo và bố ở nhà làm nông tại thôn 1a của xã Đinh Trang Hòa - huyện Di Linh.

Nròng K’Duy Py là người dân tộc K’Ho, sinh ra trong gia đình có 2 anh em trai, mẹ là giáo viên Trường Mẫu giáo và bố ở nhà làm nông tại thôn 1a của xã Đinh Trang Hòa - huyện Di Linh.
 
Hôm tôi đến, căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Ka Đỗ và anh K’Gào đã nhộn nhịp người đến thăm khi hay tin Nròng K’Duy Py đậu một lúc hai trường đại học. Câu chuyện về cậu học trò K’Ho vượt khó trong học tập cứ thế được đồng bào truyền tai nhau đầy vẻ tự hào. Già làng K’Bung vui vẻ nói: “Cả thôn này không có đứa nào chịu khó, siêng năng, chăm chỉ như thằng Py đâu. Mấy hôm nay đi đâu già cũng nghe nói chuyện thằng Py đậu cùng lúc hai trường đại học ở dưới T.P Hồ Chí Minh và ở Đắk Lắk khiến già vui cái bụng lắm!”.
 
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng suốt những năm học phổ thông, em Duy Py luôn phấn đấu học tập và rèn luyện để nhiều năm liền đạt học sinh giỏi và đặc biệt, trong năm học lớp 12 em đạt giải nhì môn Sinh học tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Duy Py đạt được 36 điểm và tại kỳ thi đại học Duy Py đậu vào Khoa Hóa Trường Đại học Sư phạm T.P Hồ Chí Minh với 23,5 điểm và Khoa Bác sỹ đa khoa Đại học Tây Nguyên với 25,5 điểm.
 
Khi tôi hỏi Duy Py làm cách nào mà có thể thi đậu với điểm số cao như thế, em cười hiền lành nhưng cũng trả lời đầy cứng cỏi: “Biết nhà mình khó khăn, thương bố mẹ và em trai nên em tự biết phận mình phải lo mà học thôi, không dám lơ là để bố mẹ phải bận tâm”.
 
Đang ở lứa tuổi học trò nhưng Duy Py không biết đi chơi là gì. Bà Ka’Dùnh - dì út của Duy Py nhìn cháu tắc lưỡi thương: “Mẹ thì cả ngày đều ở trường mẫu giáo, bố thì suốt ngày đi làm rẫy nên học ở trường về là cháu phụ gia đình rành rẽ đủ thứ từ nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt đồ cho em trai, đưa em trai đi học… xong việc nhà là thằng nhỏ ngồi vào bàn học ngay. Mỗi lần nghỉ hè thì tranh thủ đi vườn để phụ bố chuyện ruộng, vườn”.
 
Vì làm đủ thứ việc như vậy, Py tự biết: Thời gian tự học ở nhà của mình cũng eo hẹp nên để học tốt em phải tìm ra phương pháp học tốt và tập trung cao độ. Suốt 12 năm học phổ thông em đều học giỏi dù không đi học thêm. Chàng trai K’Ho chia sẻ: “Ở trường, em tập trung nghe bài giảng rồi về nhà em ôn tập lại ngay. Chỗ nào chưa hiểu thì em thảo luận với bạn bè hay hỏi thầy, cô. Với môn Toán, em ôn luyện bằng cách giải bài tập thật nhiều, sưu tầm nhiều sách hay để tham khảo, không có tiền mua, em mượn bạn đi photo về học. Có bạn cũng giúp đỡ em vì em không có điều kiện lên mạng ôn tập nên tải bài tập trên mạng về cho em mượn, những bài nào hay, lạ thì em chép ra một quyển vở riêng để lưu ý. Với các môn thi trắc nghiệm thì em luyện cách giải bài tập nhanh để tìm ra đáp án, đặc biệt, luyện phản xạ đọc hiểu để tìm ra hướng tính đáp án đúng ngay khi đọc đề”.
 
Chuyện trò phấn chấn xung quanh câu chuyện Py đỗ 2 trường đại học với điểm số khá cao, chị Ka Đỗ lại ưu tư: “Khi biết cháu chọn học ngành Y thì mừng thật đấy nhưng gia đình cũng đang rất lo lắng chi phí cho cháu trang trải trong thời gian học đại học. Sang năm, tôi sẽ nghỉ hưu theo chế độ nên lương hưu chẳng được bao nhiêu để lo cho cháu. Trước mắt, tôi phải cố gắng để cháu được đi học, còn sau này tính tiếp…” - tiếng thở dài của người mẹ một lòng hy sinh cho con khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
 
Hỏi Py là em đã tìm ra lời giải cho “bài toán” chuẩn bị ngày lên Đắk Lắk nhập học sắp đến chưa, chàng tân sinh viên chia sẻ những dự định đầy nghị lực: “Em đi học, nhà mất thêm một lao động, dù chỉ là phụ bố, phụ mẹ chút việc nhà thôi và lại thêm một gánh lo. Nhưng em biết có học hành đàng hoàng mới có tương lai và có cơ hội trả hiếu cho bố, mẹ, cho họ hàng đã hy sinh, giúp đỡ nhiều cho mình. Em cũng sẽ cố kiếm việc như đi dạy thêm để bố và mẹ ở nhà đỡ phần nào gánh lo. Em theo đuổi ước mơ học ngành Y tuy biết rằng thời gian học dài hơn các ngành học khác và chỉ mong sau này có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho gia đình, bà con họ hàng”.
 
Tôi thấy Duy Py là học sinh chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè, gia đình lại khó khăn, nhưng rất thông minh, luôn vươn lên trong học tập, Duy Py là tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên học giỏi. Em có rất nhiều ước mơ hoài bão cho bản thân và tôi nghĩ em sẽ đạt được ước mơ làm bác sỹ của mình.
 
HÀNG DỜNG K’CHIẾN