Bỏ lại phố phường tấp nập, nhộn nhịp, hơn 4 năm qua, gần 100 trí thức trẻ tình nguyện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã về với núi rừng Đam Rông giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước đẩy lùi cái đói nghèo, lạc hậu...
Bỏ lại phố phường tấp nập, nhộn nhịp, hơn 4 năm qua, gần 100 trí thức trẻ tình nguyện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã về với núi rừng Đam Rông giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước đẩy lùi cái đói nghèo, lạc hậu. Từng ngày qua đi, những bỡ ngỡ, cô đơn, lạnh lẽo giữa đại ngàn của các bạn trí thức trẻ tình nguyện đã được người dân vùng dự án và cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng sưởi ấm, bù đắp bằng chính tình cảm mộc mạc, chân chất, yêu thương.
Ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, những trí thức trẻ tình nguyện đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, nơi có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thoả sức cống hiến trí, lực của tuổi trẻ. Hình ảnh trí thức trẻ tình nguyện miệng nói, tay làm giờ này đã trở nên quá thân thiết và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người dân ở các xã khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông. Không quản ngại nắng mưa, vất vả, thời gian qua, Đội Trí thức trẻ tình nguyện, thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng đã không ngừng phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc giúp người dân xây dựng nông thôn mới. Như vậy, qua 4 năm triển khai Quyết định 174/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án “Tăng cường Trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu Kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020", đến nay, Đội Trí thức trẻ tình nguyện đã thực hiện được 16 mô hình tình nguyện chung sức xây dựng nông thôn mới và mang lại những hiệu quả thiết thực.
|
Trí thức trẻ tình nguyện hướng dẫn bà con ghép cà phê cao sản tại xã Đạ Tông |
Nói đến các mô hình do Đội Trí thức trẻ tình nguyện, Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng triển khai thực hiện, không thể không nhắc tới mô hình xóa mù chữ cho người lớn tại làng người Mông thuộc tiểu khu 719 xã Liêng Srônh (Đam Rông). Để mở được lớp học này, những trí thức trẻ tình nguyện phải tranh thủ thời gian vào rừng chặt cây để làm lán trại, tiếp đó phân công nhau ngược xuôi vận động xin bàn ghế, sách vở, đồ dùng dạy học. Ngày làm nhiệm vụ gác rừng, đêm lên lớp nếu có người bỏ học, những trí thức trẻ tình nguyện đã lập tức đến nhà vận động trở lại, nếu học sinh nào tiếp tục bỏ sẽ lại vận động đến cùng. Cứ thế lớp học được duy trì thường xuyên 3 buổi/tuần, sỹ số ổn định từ 18-25 người. “Qua quá trình phối hợp với Ban Quản lý rừng Sêrêpôk quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi được chứng kiến lớp xóa mù chữ cho trẻ em do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông mở, từ đó đã trăn trở phải mở một lớp tương tự cho người lớn. Ý định này được lãnh đạo Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng ủng hộ, thế là mô hình lớp xóa mù chữ cho người lớn ra đời. Lớp học hiện đã hoàn thành cách đây 1 tháng, thành quả đạt được là hầu hết người Mông trưởng thành ở đây đã biết đọc, biết viết, có thể tự mình đọc sách, đọc báo, nói tiếng Kinh thành thạo" - tác giả của mô hình, Lê Tiến Dương - Đội trưởng Đội Trí thức trẻ tình nguyện, Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng phấn khởi bộc bạch.
Song song với mô hình xóa mù chữ cho người lớn, thời gian qua, nhiều mô hình khác như hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc cà phê, xây dựng và cải tạo ao cá, ủ vỏ cà phê thành phân vi sinh, nạo vét kênh mương thủy lợi, xóa mù chữ, làm đường giao thông nông thôn... cũng lần lượt ra đời, từng bước làm thay đổi diện mạo những vùng quê nghèo. Tại xã Đạ Tông, phân đội trí thức trẻ cùng cán bộ Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng đã xây dựng nên một cơ sở kinh tế trù phú với 4ha cà phê, 3,5ha cà ri, 1,5ha điều, 400m
2 chuồng trại nuôi bò, heo. Đây là mô hình điểm làm cơ sở để vận động bà con đến học tập chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt. Kơ Sắ Ma Lô Ri, thôn Đạ Kao 2, xã Đạ Tông niềm nở: "Gia đình mình có 0,6ha cà phê được trồng từ năm 1996, đến nay, đã già cỗi và cho sản lượng rất thấp. Đầu năm 2012, được các bạn trí thức trẻ tình nguyện vào vận động hướng dẫn cải tạo bằng cách ghép cà phê cao sản Robusta, đến nay đã bắt đầu cho quả bói, ước tính cho năng suất vượt gấp ba lần so với trước đây. Sau khi học ghép thành thạo, mình cũng đã tham gia cùng các bạn trí thức trẻ vận động và giúp bà con trong thôn cải tạo vườn cà phê nữa đấy". Tại xã Đạ K’Nàng, lâu nay người dân vẫn quen sử dụng phân hóa học mà chưa biết tận dụng nguồn vỏ cà phê, rơm rạ làm phân bón cho cây trồng. Nhận rõ vấn đề này, các trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đội sản xuất số 2 đã đến từng thôn xây dựng mô hình trình diễn ủ phân vi sinh bằng nguyên liệu là vỏ cà phê và rơm rạ trộn với men vi sinh rồi ủ xuống hố một thời gian. Từ đó cho ra sản phẩm giống như phân vi sinh được bán ngoài thị trường, góp phần giúp người dân tiết kiệm một khoản kinh phí, đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả các loại nấm bệnh, sâu hại cây trồng...
Có thể nói, Đội Trí thức trẻ tình nguyện mới chỉ "bén rễ" trên địa bàn huyện Đam Rông được hơn 4 năm nay, song hiệu quả thì đã dần được khẳng định. Tuy những gian nan, thách thức vẫn còn phía trước, song tin rằng màu xanh tình nguyện hòa quyện với màu xanh áo lính ở Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng sẽ là chất liệu tốt nhất để vẽ nên bức tranh đầy những gam màu tươi sáng trên mảnh đất nghèo Đam Rông.
HỒNG HẢI