Định hướng những giá trị tốt đẹp cho thanh niên

08:10, 01/10/2014

Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh về những thành tựu phong trào đoàn kết tập hợp thanh niên trong 5 năm qua. 

Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Lâm Đồng lần thứ V là sự kiện quan trọng, là ngày hội đoàn kết và hành động của tuổi trẻ Lâm Đồng. Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh về những thành tựu phong trào đoàn kết tập hợp thanh niên đạt được trong 5 năm qua. 
 
PV: Xin chị cho biết những thành quả mà công tác Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đạt được trong nhiệm kỳ qua?
 
Chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Lâm Đồng khoá IV (2009 - 2014)
Chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn,
Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Lâm Đồng
khoá IV (2009 - 2014)
Chị Phạm Thị Phúc: Trong 5 năm qua, Hội đã triển khai có hiệu quả 3 cuộc vận động: “Thanh niên sống đẹp - sống có ích”, “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và thân thiện với môi trường”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng”; và 2 chương trình: “Khi Tổ quốc cần”, “Xây dựng, phát triển tổ chức Hội và mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên”. Hội đã đa dạng hoá trong việc thu hút, tập hợp thanh niên, gắn liền với thực tiễn, từng bước đáp ứng được nhu cầu và lợi ích chính đáng của thanh niên các dân tộc trong tỉnh.
 
Cụ thể, đã thành lập được 235 Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên với pháp luật, tổ chức 202 buổi tuyên truyền về văn hóa giao thông, 293 hoạt động tuyên dương thanh niên điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực với 5.954 thanh niên được tuyên dương, ra quân 157 đợt hưởng ứng tuần lễ “Nước sạch - vệ sinh - môi trường” và “Tết trồng cây”, 492 buổi ra quân chăm sóc cây xanh tại nghĩa trang liệt sỹ, dọn vệ sinh các sông, suối; phối hợp với Công ty Phương Trang và Công ty Thành Bưởi hỗ trợ 50% giá vé cho 11.428 thí sinh thi đại học, cao đẳng; phát 24.300 cẩm nang "Tiếp sức mùa thi"; vận động được 9.610 chỗ ở miễn phí, chỗ ở giá rẻ và 15.437 suất ăn miễn phí cho thí sinh, trao học bổng tiếp sức đến trường cho trên 2.275 học sinh nghèo vượt khó với số tiền trên 5 tỷ đồng... Hội đặc biệt đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ Lâm Đồng tham gia xây dựng nông thôn mới”, triển khai sâu rộng chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” theo hướng đa dạng về nội dung, nâng cao về chất l¬ượng. Trong đó, sau 2 năm thực hiện công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê”, đến nay, đã làm được 142km đường điện chiếu sáng nông thôn với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; tiến hành tu sửa: 475km đường giao thông nông thôn, 41 cầu giao thông nông thôn, 157 nhà văn hóa thôn, 128 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi; khơi thông 896km hệ thống kênh mương nội đồng; tổ chức trồng hơn 55.000 cây xanh…
 
Hội Sinh viên Việt Nam các trường đại học, cao đẳng, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ đã phát huy vai trò của mình tích cực tham gia vào các hoạt động: tổ chức nhiều hội thi cho tuổi trẻ học đường, Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Hành trình nhân ái, Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng..., tổ chức 67 đợt khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và trao quà cho 25.365 người dân; vận động 36.427 thanh niên tình nguyện hiến máu, cung cấp 20.066 đơn vị máu cho nguồn máu dự trữ của địa phương (đáp ứng trên 90% nhu cầu máu chữa trị cho người bệnh). Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xây dựng nhà nhân ái, nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Qua đó, định hướng cho thanh niên những giá trị sống tốt đẹp.
 
PV: Chị đánh giá như thế nào về công tác đoàn kết tập hợp thanh niên ở nông thôn? 
 
Chị Phạm Thị Phúc: Với tổng số thanh niên là 258.876 người, chiếm 22% dân số toàn tỉnh, thanh niên nông thôn chiếm đến 70% và là bộ phận rất quan trọng, trong thời gian qua, Hội đã dành sự quan tâm đặc biệt để gây dựng phong trào trong thanh niên nông thôn như: thanh niên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ thanh niên sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thành lập các CLB trang trại trẻ, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, HTX thanh niên. Bên cạnh đó còn tích cực hướng dẫn thanh niên lập các dự án khởi nghiệp, tổ chức tập huấn, diễn đàn, sinh hoạt chi hội, tham quan mô hình phát triển kinh tế, các mô hình “Tổ góp vốn xoay vòng”, “Tiết kiệm tích lũy”, “Vườn ươm khởi nghiệp”, tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn vay vốn để làm giàu trên chính quê hương mình. Với mô hình “Thanh niên thi đua sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đã tạo động lực cho nhiều thanh niên lập thân, lập nghiệp, không chỉ thoát nghèo, làm kinh tế giỏi mà còn giúp nhau làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Hội đã tổ chức 566 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kiến thức làm giàu cho 39.450 thanh niên; 239 buổi tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên (thu hút 43.831 thanh niên tham gia), giúp cho 28.831 thanh niên có việc làm phù hợp. Tính đến cuối năm 2013, Hội đã tín chấp cho 7.317 thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế với tổng số vốn 136,275 tỷ đồng. Đồng thời, Hội còn tổ chức rất nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho thanh thiếu niên ở nông thôn.
 
Tuy nhiên, hoạt động Hội ở một số địa bàn nông thôn còn chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thanh niên, một số nơi chưa sáng tạo trong tổ chức hoạt động, chưa gắn các hoạt động Hội với nhu cầu lợi ích chính đáng của thanh niên. 
 
Y, bác sỹ cụm đoàn y tế khám bệnh miễn phí cho người dân xã Đạ Chais
Y, bác sỹ cụm đoàn y tế khám bệnh miễn phí cho người dân xã Đạ Chais
 
PV: Chị cho biết phương hướng của công tác Hội và phong trào thanh niên của Hội LHTN Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ 2014-2019?
 
Chị Phạm Thị Phúc: Với mục tiêu: Phát huy tinh thần xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; trong nhiệm kỳ 2014-2019, Hội sẽ tiếp tục định hướng những giá trị sống tốt đẹp cho thanh niên. Xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới có thể lực tốt, tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Xây dựng Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng vững mạnh, thích ứng với điều kiện, môi trường hoạt động mới; có khả năng đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên. Nhiệm kỳ này dự kiến sẽ triển khai phong trào “Tôi yêu Việt Nam” với bốn nhiệm vụ cơ bản: Thanh niên Lâm Đồng sống đẹp, sống có ích; Thanh niên Lâm Đồng tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; Thanh niên Lâm Đồng lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng; Thanh niên Lâm Đồng xung kích bảo vệ Tổ quốc và Chương trình xây dựng tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Trên cơ sở đó, Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục thanh niên sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực; khơi dậy và bồi dưỡng truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng, xung kích tình nguyện của thanh niên. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với trình độ, nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng thanh niên, tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, trưởng thành. 
 
Đối với thanh niên nông thôn, chúng tôi chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động của Hội trên địa bàn nông thôn gắn liền với nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, tập trung nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn, tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp thanh niên vững vàng lập thân, lập nghiệp. Ngoài ra, Hội cũng sẽ quan tâm tập hợp, hỗ trợ các đối tượng thanh niên đặc thù như thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo, thanh niên khuyết tật, học sinh, sinh viên… Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Hội cũng chủ trương chuyển đổi mô hình chi hội sang các mô hình hoạt động khác như CLB, đội, nhóm theo sở thích, ngành nghề phù hợp với nguyện vọng của thanh niên và điều kiện thực tiễn của cơ sở. 
 
PV: Xin cảm ơn chị!
 
QUỲNH UYỂN (thực hiện)