Ước mơ trên mảnh đất khô cằn

05:10, 22/10/2014

Dù phải thuê đất để sản xuất nhưng khát vọng làm giàu chưa bao giờ tắt đối với chàng trai Nguyễn Hữu Bình (26 tuổi, thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng). Với quyết tâm và nghị lực vươn lên, ước mơ đổi đời của Bình đã ngày càng trở thành hiện thực. 

Dù phải thuê đất để sản xuất nhưng khát vọng làm giàu chưa bao giờ tắt đối với chàng trai Nguyễn Hữu Bình (26 tuổi, thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng). Với quyết tâm và nghị lực vươn lên, ước mơ đổi đời của Bình đã ngày càng trở thành hiện thực. 
 
Nguyễn Hữu Bình với thành quả lao động của mình
Nguyễn Hữu Bình với thành quả lao động của mình
 
Nguyễn Hữu Bình sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em nhưng chỉ có 2 sào ruộng sản xuất. Kinh tế gia đình khó khăn nên học hết lớp 10, Bình phải bỏ dở việc học để đi làm thuê phụ giúp gia đình. Tuổi trẻ sớm phải bươn chải đã giúp Bình có kinh nghiệm và động lực vươn lên, thoát khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng. Năm 2010, Bình thuê 1,5ha đất sản xuất. Tuy nhiên, do đất đai hoang hóa, cằn cỗi nên chưa thể bắt tay vào sản xuất ngay được. Hì hục ngày đêm, Bình vừa khai thông hệ thống mương dẫn nước, vừa cải tạo đất đai. Gần ba tháng ròng rã, cuối cùng mọi thứ cũng sẵn sàng để anh bắt tay vào sản xuất. Vụ đầu tiên, Bình trồng cà chua và khoai tây nhưng chỉ hòa vốn do thiếu kinh nghiệm. Thế là Bình lại tiếp tục mày mò học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Bắt đầu từ vụ thứ 3, từ 1,5ha đất sản xuất đã đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhận thấy cà chua và khoai tây chỉ trồng được 1 vụ/năm và thời gian để đất “nghỉ” quá nhiều nên từ năm 2012, Bình quyết định chuyển qua trồng rau tần ô (cải cúc). Đây là loại rau ngắn ngày, đầu tư vốn ít nhưng thu lãi cao. Sau vài vụ thu từ rau, Bình đã tích góp được một số vốn để mua 7 sào đất, không còn phải thuê đất như trước đây nữa. Chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Bình lại bắt tay cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới tự động. Tổng chi phí cho quá trình cải tạo, xây dựng lên đến 400 triệu đồng. Bình vẫn mạnh dạn vay vốn đầu tư bởi anh tin rằng: “Chỉ cần quyết tâm thì không gì là không làm được”. 
 
Song song với việc tự mày mò, Bình còn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của xã. Không chỉ vậy, Bình còn phải chủ động tìm các thương lái để có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trung bình mỗi năm, 7 sào đất của Bình trồng được 6 vụ tần ô và đem về nguồn lợi khoảng 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, Bình còn tìm hiểu nhiều mô hình trồng các loại rau, hoa khác theo nhu cầu thị trường. Do đó, từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau hàng năm, Bình trồng thêm hoa lay ơn. Sau một thời gian ngắn, Bình đã học được cách tự nhân giống loại hoa này. Chủ động được nguồn giống, cộng với sự ổn định về giá cả nên mỗi năm, riêng trồng hoa lay ơn, Bình thu lãi thêm từ 200 - 250 triệu đồng.
 
 Ước mơ của chàng trai Nguyễn Hữu Bình chưa dừng lại ở đó, nói về định hướng lâu dài, Bình cho biết sẽ mở rộng diện tích canh tác, đa dạng thêm các loại rau thương phẩm và áp dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ cao vào sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hiệp, Phó Bí thư Đoàn xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), cho biết: “Bình là một đoàn viên có nhiều thành tích nổi bật trong công tác đoàn tại thôn Phú Trung nói riêng và của xã Phú Hội nói chung. Ở cương vị là Phó Bí thư Chi Đoàn thôn, Bình là người “nuôi dưỡng” phong trào đoàn ở đây. Ngoài các hoạt động Đoàn nói chung, anh còn là người đứng tổ chức những buổi sinh hoạt, tọa đàm với nhiều chủ đề thiết thực với cuộc sống của thanh niên nông thôn, nhất là vấn đề phát triển kinh tế”. Với trách nhiệm của một thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở, Bình còn tạo mọi điều kiện, khuyến khích thanh niên địa phương phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp. Anh Nguyễn Thành Đạt, người được Bình trực tiếp chỉ dẫn những kinh nghiệm trong sản xuất, chia sẻ: “Chúng tôi học được anh Bình rất nhiều điều, từ sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác đoàn đến ý chí vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Bình luôn là người nói được, làm được và là tấm gương để anh em chúng tôi noi theo”. 
 
Với những nỗ lực không ngừng, Nguyễn Hữu Bình vinh dự trở thành 1 trong số 150 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ 9 năm 2014. Đây là giải thưởng dành cho những thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
 
P. NHÂN - N. NGÀ