Ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai

08:10, 27/10/2014

Tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10, một số tiêu chí như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội được định hình rõ trong các giải pháp. Một số giải pháp nếu được đầu tư về công nghệ có thể trở thành những sản phẩm thương mại...

Thời gian qua, hoạt động sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học tham gia. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của tuổi trẻ, hướng các hoạt động của tuổi trẻ vào các công việc hữu ích cho xã hội, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo và xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai. 
 
Hoạt động sáng tạo kỹ thuật ngày càng được đông đảo học sinh tham gia
Hoạt động sáng tạo kỹ thuật ngày càng được đông đảo học sinh tham gia
 
Tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10, một số tiêu chí như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội được định hình rõ trong các giải pháp. Một số giải pháp nếu được đầu tư về công nghệ có thể trở thành những sản phẩm thương mại. Tiêu biểu như giải pháp “Xử lý lá thông khô mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Thủy và Trần Thị Vân Anh, lớp 10A1, Trường THPT Chu Văn An (huyện Đức Trọng) đã đoạt giải nhất tại cuộc thi. Phương Thủy và Vân Anh cho biết: Xuất phát từ thực tế địa phương là vùng có nhiều thông, thấy lá thông khô rụng nhiều nếu để vậy vừa phí, lại vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ những kiến thức được học cộng với sự tìm tòi, nghiên cứu, hai bạn trẻ đã mày mò và thành công với việc mang lại hiệu quả từ những lá thông khô tưởng chừng như bỏ đi này. Phương Thủy và Vân Anh đã sử dụng lá thông khô để tách ly tinh dầu thông bằng phương pháp chưng cất với hơi nước nóng, rồi dùng tinh dầu để làm sáp thơm. Bên cạnh đó, bã lá thông khô sau khi chưng cất được dùng để chế tạo vật liệu composit bằng cách phối trộn với các keo polymer dạng lỏng, đem ép nén trong khuôn rồi để khô tự nhiên. Vật liệu composit này có độ bền chắc, kết dính cao, từ vật liệu này có thể chế tạo thành nhiều sản phẩm như tấm lót ly, lót ấm nước, hộp đựng bút chì cho học sinh… khá bắt mắt đối với người tiêu dùng. 
 
Rồi phải kể đến giải pháp “Xe lăn điều khiển bằng cằm cho người khuyết tật toàn thân” của bạn Nguyễn Đức Trung Tín, lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) đoạt giải nhì tại cuộc thi. Với giá thành sau khi lắp ráp khoảng 5-6 triệu đồng/chiếc cùng vật liệu dễ tìm, có thể sản xuất ở quy mô lớn, chiếc xe lăn này sẽ giúp cho người bại liệt cả chân và tay có thể điều khiển bằng cằm để di chuyển quanh nơi sinh sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giải pháp “Nghiên cứu khả năng tạo hạt nhân tạo của cây đảng sâm” của nhóm tác giả Phan Mậu Thủy Tiên, Nguyễn Công Hiếu và Đoàn Ngọc Anh Thư, lớp 11 Sinh, Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) đoạt giải nhì đã tạo ra hạt nhân tạo cho cây đảng sâm - một loại cây dược liệu quý đang có nguy cơ thoái hóa, diệt vong. Giải pháp “Barrier tự động bảo vệ đường giao thông nông thôn” của bạn Vũ Trần Sinh Lợi, lớp 9A2, Trường THCS Bình Thạnh (Đức Trọng) đoạt giải ba. Hệ thống Barrier tự động gồm một tấm thép chiều rộng khoảng 20cm, chiều dài bằng chiều ngang mặt đường được đặt trên rãnh sâu 30cm so với mặt nằm ngang của đường giao thông, phía dưới tấm thép có gắn 2 cân lò xo chịu lực ở 2 đầu để đo trọng lượng của xe, giữa 2 lò xo được gắn 1 công tắc đảo chiều. Khi xe quá tải đi ngang qua tấm thép nó sẽ đè lên lò xo của cân và công tác đảo chiều, lúc này, nguồn điện được đóng lại, cấp điện cho một động cơ làm cho động cơ quay kéo Barrier hạ xuống, đồng thời, nguồn điện cấp cũng làm cho chuông điện kêu lên báo hiệu không cho xe quá tải đi qua. Khi đó, xe quá tải buộc phải lùi ra cho xe khác lưu thông. Lúc lùi ra, xe đè lên tấm thép và cân lò xo đồng thời làm công tắc đảo chiều ngược lại, nhờ đó, động cơ quay theo chiều ngược lại và kéo Barrier tự động nâng lên. Hiệu quả của hệ thống này là có thể thay thế được con người không phải trực tiếp điều khiển Barrier như hiện nay và bảo vệ được tuổi thọ cho các con đường giao thông; đồng thời, giáo dục ý thức tham gia giao thông đối với các phương tiện giao thông quá tải. Giải pháp này có khả năng áp dụng vào thực tế do hệ thống này hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. 
 
Hoạt động sáng tạo không chỉ thu hút học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia mà còn có cả những học sinh tiểu học. Đó là các giải pháp: “Dụng cụ bắt côn trùng” của em Võ Đức Huy, lớp 2A1, Trường Tiểu học Phú Thạnh (Đức Trọng); “Bộ cảm ứng để xe luôn chạy đúng tốc độ” của em Nguyễn Phạm Bảo Ngân, lớp 3A1, Trường Tiểu học Ninh Gia (Đức Trọng) đoạt giải khuyến khích… Điều này chứng tỏ, khả năng sáng tạo của các bạn trẻ là vô tận. Có điều, phải biết cách khơi dậy và tạo điều kiện để những nhà sáng chế trẻ có “đất” phát triển. Đó cũng là động lực để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật của tỉnh nói chung và của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh nói riêng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
TUẤN HƯƠNG