Ước mơ từ sự nghèo khó

05:11, 02/11/2014

Tôi tìm gặp Nguyễn Duy Kỳ (sinh năm 1988, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) khi hay tin anh là một trong số 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu cả nước làm kinh tế giỏi, vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014. 

Tôi tìm gặp Nguyễn Duy Kỳ (sinh năm 1988, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) khi hay tin anh là một trong số 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu cả nước làm kinh tế giỏi, vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014. 
 
Anh Nguyễn Duy Kỳ đang chăm sóc tằm
Anh Nguyễn Duy Kỳ đang chăm sóc tằm
Nhìn Kỳ, khó mà đoán được anh đã lớn lên từ mái tranh nghèo, hoàn cảnh đầy khó khăn. Bố mất khi mới 2 tuổi, Nguyễn Duy Kỳ sống cùng mẹ và anh trai. Cuộc sống nhà nông quanh năm vất vả. Ba mẹ con Kỳ đã phải đổ những giọt mồ hôi mặn chát xuống vùng đất Lộc Quảng để rau cháo nuôi nhau. Thế rồi, trong cái nghèo khó ấy, Nguyễn Duy Kỳ đã tự vươn lên và nay trở thành triệu phú nông thôn. 
 
Kỳ kể rằng: Năm 1996, gia đình anh đã sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Song, ở thời điểm đó, giá kén rất bấp bênh lại thêm năng suất cũng như chất lượng cây dâu thấp là những nguyên nhân khiến gia đình anh chỉ nuôi tằm với số lượng cầm chừng. Bắt đầu từ năm 2011, giá kén tằm mới tăng trở lại. Cùng với đó, cây dâu đã có nhiều giống mới cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn những giống dâu trước đây. “Gia đình tôi hiện đang trồng 4 sào dâu. Mỗi tháng, tôi nuôi 3 hộp tằm. Mỗi hộp tằm cho thu 45kg kén. Ở thời giá hiện tại, giá kén bán cao nhất là 120.000 đồng/1kg. Trừ các khoản chi phí (phân bón, giống), mỗi năm gia đình tôi lãi 100 triệu đồng” - anh Nguyễn Duy Kỳ nói. 
 
Chủ động nắm bắt thông tin qua thực tế, qua mạng internet, qua sách báo và qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Nguyễn Duy Kỳ đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ 4 sào dâu kém năng suất, chuyển sang trồng dâu giống mới, nhằm duy trì và mở rộng quy mô nuôi tằm. Không chỉ đi đầu trong việc cải tạo vườn dâu, anh còn tập trung cải tạo xong vườn cà phê 1,5ha, bằng cách ghép chồi và trồng thử cà phê giống mới cũng như duy trì ổn định 3 sào đất trồng chè theo phương thức “lấy ngắn, nuôi dài”. Sau khi cải tạo (ghép chồi và trồng mới), năng suất cà phê của gia đình anh tăng lên rõ rệt. Mặc dù mới cho thu hoạch được một năm, nhưng năng suất cà phê bình quân đã đạt tới 4 tấn nhân/1ha. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải tạo vườn cà phê, Nguyễn Duy Kỳ cho biết: “Tuy vậy, việc cải tạo vườn cà phê cũng cần phải hết sức kỹ lưỡng. Vì nó phụ thuộc vào từng vùng đất và phương thức canh tác của từng nông hộ”. Theo anh, ở vùng đất Lộc Quảng, nếu chọn giống cà phê để thực hiện việc cải tạo, thì giống cà phê Thiện Trường là phù hợp hơn cả. Bởi, ngoài khả năng kháng bệnh tốt, dễ chăm sóc, giống cà phê này còn cho năng suất cao và ổn định.
 
Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, Nguyễn Duy Kỳ còn tận dụng 3 sào đất sình lầy đào ao, thả cá và kết hợp trồng xen cây sắn (khoai mỳ) vào giữa vườn cà phê để làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm bò, lợn để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện tại, Nguyễn Duy Kỳ đang sở hữu một mô hình VAC khép kín, có thu nhập gần 350 triệu đồng/năm. Mô hình VAC này cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm (theo thời vụ) cho 23 người thất nghiệp ở địa phương, với mức lương bình quân 3 - 4 triệu đồng/tháng.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Kỳ còn là một đoàn viên tích cực của Đoàn xã Lộc Quảng. Hiện, anh đang là Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Lộc Quảng, kiêm Bí thư Chi Đoàn thôn 5. “Thiếu vốn có phải là trở ngại lớn nhất của thanh niên nông thôn khi bắt đầu khởi nghiệp?” - tôi hỏi. Anh bảo: “Thiếu vốn chưa hẳn đã là trở ngại. Cái chính là họ có chịu làm việc hay không. Tuy nhiên, đã là nông dân thì phải có đất và có kiến thức về nghề nông thì mới làm được!”. 
 
Còn quá sớm để nói về con đường thành công của Nguyễn Duy Kỳ, nhưng với sự thông minh, tháo vát và chịu khó, tin chắc người đoàn viên trẻ này sẽ xác định được hướng đi, khi mà dự định trong thời gian tới của anh là “tìm con vật nào đó lạ lạ để đầu tư phát triển”.
 
TRỊNH CHU