"Bông hồng cho những ai đang còn mẹ …"

05:11, 12/11/2014

Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên ngực trái, và anh sẽ được tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng" (Theo tục phương Tây). 

Chúng tôi vẫn mang tâm tưởng đẹp đến lạ kỳ trong mỗi câu từ của ca khúc “Bông hồng cài áo”, một ca khúc bất hủ của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ (sáng tác từ thập niên 1960), lấy ý tưởng từ đoạn văn cùng tên viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mỗi lần về thăm mẹ. Người Mẹ Việt Nam Anh hùng, người đã đi hết sườn dốc của cuộc đời, với những thăng trầm thời gian, vui buồn, nhớ quên gần trọn một thế kỷ. Người đã mất đứa con trai duy nhất, khi anh hy sinh mới ở độ tuổi đôi mươi. Chúng con vẫn tìm về với mẹ, để mẹ không thấy cô đơn, để chúng con thấy hạnh phúc khi được cài cho mình một bông hồng trên ngực trái.  
 
“Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non…”
“Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non…”. Ảnh: Văn Báu
 
Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên ngực trái, và anh sẽ được tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng” (Theo tục phương Tây). 
 
Vẫn luôn có một bông hoa màu hồng cài trên ngực trái, mỗi lần chúng con, những đứa con của Chi đoàn Báo Lâm Đồng tìm về với Mẹ Việt Nam Anh hùng - Ngô Thị Quanh. Mẹ đã ở đó, trọn gần một đời người, đợi chờ người con - liệt sỹ Bùi Văn Trung trở về. Trên gương mặt hằn nếp nhăn của thời gian, trong kí ức nhớ quên, trong đôi mắt già nua đã cạn khô nước mắt vì khóc thương của mẹ, anh vẫn trở về và chúng con vẫn trở về, dẫu không đều đặn hai buổi sớm khuya.
 
Trong căn nhà nhỏ nằm cuối con đường Hùng Vương, mẹ vẫn hương khói mỗi ngày để nơi thờ anh không thấy nguội lạnh. Chỉ giản đơn là những bông hoa do chính mẹ nhờ mua, hay những đứa con nhận đỡ đầu mẹ mang đến dâng lên anh như sự tri ân, biết ơn của thế hệ trẻ ngày hôm nay dành tặng. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, bếp lửa cũng đã nguội lạnh, bởi mẹ đã già yếu, ở cái tuổi tròn trăm, mẹ đã không còn đủ sức tự tay nấu cho mình một bữa cơm. Chiếc ti vi, do các bạn trẻ của Báo Lâm Đồng mua tặng, cũng ít lên tiếng mỗi ngày, bởi mẹ cười thật hiền “vì chẳng biết bấm chuyển kênh”.
 
Mẹ ngồi đó, trước hiên mỗi buổi sớm mai, khi nắng lên… cảm giác như trông đợi, mong ngóng đứa con đi xa trở về, để mẹ lại được hỏi han, được lo lắng, được tìm thấy nụ cười. 
 
Cả cuộc đời mẹ chẳng dành cho mình nhiều, ngoài sự chờ đợi héo hon đến cạn khô nước mắt, đến thắt lòng vì sự chông chênh, sâu thăm thẳm như chiều dài nỗi nhớ. Chỉ mong tiếng bước chân quen thuộc, tiếng bước chân mà mẹ rứt ruột sinh ra vội vã trở về, rồi lại tất bật ra đi, bởi vì nhiệm vụ, lý tưởng mà anh đã chọn lựa cho con đường sống, chiến đấu của mình.
 
Chiếc áo cũ mẹ vẫn khoác hàng ngày, chiếc mền mới mẹ cũng xếp lại, hỏi sao mẹ không mặc và đắp chiếc mền mới cho ấm áp trong những ngày cuối năm trở lạnh hơn thường nhật, mẹ lại nhoẻn cười, nụ cười của sự tảo tần, của sự chịu đựng, vì sự hy sinh cho những đứa con, “Mẹ để dành, với lại quen rồi, mẹ có cần gì nhiều đâu…”. Trong tiếng Quảng rặt ri của mẹ là sự bao dung, độ lượng muôn đời của các bà mẹ Việt Nam, chẳng cần gì nhiều, bởi hạnh phúc, buồn vui của những đứa con mới là lẽ phải, mới là điều đáng phải suy nghĩ.
 
Mỗi lần về, đặt lên bàn thờ anh hoa quả, thắp nén nhang tưởng nhớ, biếu mẹ miếng bánh, hộp sữa, hay dúi vào tay mẹ chút tiền quà vặt… mẹ chắc chẳng nhớ nổi từng gương mặt, nhưng thấy bóng áo xanh và nói nơi làm, mẹ thường nói, “về với mẹ là vui rồi, quà cáp chi nhiều, mẹ có ăn được đâu…”.
 
Mà đúng mẹ chẳng cần gì nhiều, căn nhà cũng đã được thành phố xây lên gọn gàng; chăn nệm, ti vi, vài vật dụng sinh hoạt tối thiểu cũng đã được những đứa con không do mẹ dứt ruột sinh ra sắm sửa. Mẹ cần gì, mẹ chỉ cần anh về, những đứa con hiếu thảo của mẹ trở về cho căn nhà bớt phần vắng lặng, cho trái tim già yếu “như chuối ba hương” được sưởi ấm, cho mẹ đỡ thấy trống trải… đó mới là niềm vui, điều mẹ cần nhất. 
 
Chúng con sẽ về bên mẹ nhiều hơn, lời hứa của Chi đoàn Báo Lâm Đồng sau mỗi lần về thăm mẹ vẫn đều đặn được các bạn trẻ ghi vào tâm thức, dẫu đôi lần vì công việc nên lần lữa trễ hẹn. 
 
Những ngày đầu đông này, mẹ đã ra đi, trống trải vì không còn bông hồng cài lên ngực trái! Nụ cười mẹ vẫn như còn đó bên căn nhà nhỏ bởi đối với chúng con nơi ấy có tình yêu thương bao la và sự dung dị đến vô cùng.
 
Linh Đan