Người đảng viên trẻ làm theo lời Bác

04:11, 19/11/2014

Năm nay 29 tuổi nhưng Phạm Văn Phụng (ngụ tại thôn 16, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) đã có trong tay một cơ ngơi khá vững chãi. Bằng những kiến thức chuyên ngành chăn nuôi thú y đã học được ở Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, Phụng áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình và thu được kết quả cao. Không chỉ vậy, anh còn là một nhân viên khuyến nông năng nổ của xã Hòa Bắc.

Năm nay 29 tuổi nhưng Phạm Văn Phụng (ngụ tại thôn 16, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) đã có trong tay một cơ ngơi khá vững chãi. Bằng những kiến thức chuyên ngành chăn nuôi thú y đã học được ở Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, Phụng áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình và thu được kết quả cao. Không chỉ vậy, anh còn là một nhân viên khuyến nông năng nổ của xã Hòa Bắc.
 
Phạm Văn Phụng theo dõi tình trạng sức khỏe của thỏ giống
Phạm Văn Phụng theo dõi tình trạng sức khỏe của thỏ giống
 
Được sự hậu thuẫn của gia đình nên bước khởi nghiệp của Phụng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, trong con người đầy nhiệt huyết như Phụng thì sự giúp sức của bố mẹ chỉ là tiền đề tốt để mình lập nghiệp, còn mọi thứ phải phụ thuộc vào chính năng lực của bản thân. Chính bởi suy nghĩ ấy, sau 2 năm lập gia đình, năm 2008, vợ chồng Phụng xin bố mẹ cho ra ở riêng với mảnh vườn cà phê 2ha làm “của hồi môn”. Đất vườn thuộc khu vực trũng thấp, cà phê lại già cỗi cho năng suất thấp nên Phụng quyết định cải tạo vườn bằng cách nhổ “trắng” và trồng mới lại toàn bộ diện tích cà phê. Thời điểm đó, việc cải tạo vườn cà phê theo cách này được xem là một bước đi khá táo bạo. Song song đó, Phụng còn bắt tay vào chăn nuôi theo đúng chuyên ngành mình đã học. Ban đầu, Phụng nuôi một ít gà, vịt, heo và đàn thỏ giống khoảng 20 con. Đến nay, anh chuyên tâm vào nuôi thỏ sinh sản để bán giống và thỏ thịt, những vật nuôi khác chủ yếu để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Hiện tại, trại thỏ của Phụng đã được đầu tư mới khá quy chuẩn với 60 con thỏ giống và hơn 200 con thỏ thịt. Đồng thời, từ nguồn vốn tích lũy được, Phụng đã mua thêm 1ha cà phê để mở rộng sản xuất. Phụng chia sẻ: “Với những kiến thức học được ở trường và qua thực tế chăn nuôi của gia đình, mình ngày càng cải tiến quy trình chăn nuôi theo hướng hiện đại và khoa học hơn. Chuồng trại được xây dựng thoáng mát với hệ thống máng nước tự động, nền chuồng được lót nệm sinh học nên đã giúp giảm công lao động trong việc chăm sóc và dọn rửa chuồng trại. Hiện nay, cứ bình quân 2 tháng thì mình cho xuất một lứa thỏ giống với khoảng 300 - 350 con. Nếu thỏ giống không bán hết thì mình để lại tiếp tục nuôi thịt và cũng có nguồn tiêu thụ khá ổn định tại Bảo Lộc hoặc các nhà hàng đặt để phục vụ đám cưới. Tổng thu nhập từ việc chăn nuôi và trồng cà phê hàng năm của gia đình khoảng 250 triệu đồng”.
 
Năm 2010, Phụng vinh dự được kết nạp Đảng. Đây cũng là thời điểm anh bắt đầu đảm đương công việc khuyến nông của xã Hòa Bắc. Là người có thời gian gắn bó với Phụng từ công tác khuyến nông đến công tác đoàn, anh Trần Viết Tiến, Bí thư Đoàn xã Hòa Bắc, chia sẻ: “Dù làm công việc gì Phụng đều rất năng nổ và nhiệt tình. Không chỉ đối với anh em đoàn viên thanh niên mà  với cả những người nông dân khác, Phụng đều nhiệt tình hướng dẫn họ trong việc trồng trọt và chăn nuôi bằng những kiến thức mình đã có được. Không những vậy, Phụng còn biết chăm lo phát triển kinh tế gia đình khá tốt. Đây chính là cơ sở để Đoàn xã giới thiệu anh là gương điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc và đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công nhận và trao thưởng”. 
 
Với những công việc mình đã làm được, Phụng lại cho rằng đó không phải là thành tích lớn lao. Với anh, đó đơn giản chỉ là làm sao để gia đình vợ con có cuộc sống ổn định, làm sao để những mô hình, những chương trình, dự án khuyến nông mà mình phụ trách đến được với dân và đem lại hiệu quả cho họ. Cùng với một đồng nghiệp làm ở xã và 16 khuyến nông viên các thôn, Phụng đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình của Trung tâm Nông nghiệp huyện đến với bà con nông dân. Những mô hình hiệu quả có thể kể đến là: Tái canh cà phê, ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh, trình diễn giống lúa mới, chăn nuôi heo nái sinh sản theo hướng an toàn sinh học, tưới phun mưa di động cho cà phê… Phụng chia sẻ: “Đây đều là những mô hình hiệu quả và thiết thực đối với bà con nông dân. Do đó, khi triển khai, mình phải làm sao để hướng dẫn bà con dễ hiểu, dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, với mô hình “Trình diễn giống lúa mới” cho các thôn dân tộc gồm: thôn 13 (La Òn), thôn 14, 15 (Kon Rum), mình phải tìm cách triển khai làm sao để bà con tin tưởng và làm theo. Khi đã chọn được giống lúa mới, lực lượng khuyến nông lại tiếp tục tổ chức hội thảo đầu bờ, trực tiếp hướng dẫn bà con cày bừa, ủ giống, bón phân… Nhờ đó, hiệu quả của mô hình này cũng khá cao”.   
  
Phạm Văn Phụng là một gương điển hình trưởng thành từ phong trào đoàn. Ngay từ khi còn học phổ thông, Phụng đã nhiệt tình tham gia công tác đoàn của trường và địa phương. Hiện tại, Phụng là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã Hòa Bắc. Với tinh thần trách nhiệm của một đảng viên luôn gương mẫu đi đầu, Phụng là tấm gương sáng để nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã noi theo.
 
Đông Anh