Thanh niên là người dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thanh niên cả nước. Song, diện nghèo phần lớn lại rơi vào những thanh niên này. Vậy, đâu là giải pháp giúp thanh niên dân tộc thiểu số thoát nghèo? Câu hỏi của bà Tôn Nữ Thị Ninh cứ xoáy mãi vào tâm trí của chàng trai người Châu Ro và rồi sau rất nhiều trăn trở, Điểu Hòa đã tìm được hướng đi cho mình.
Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm), Điểu Hòa, chia sẻ với tôi rằng: Trong một hội nghị dành cho các thanh niên là người dân tộc thiểu số được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mà anh có dịp góp mặt, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã nêu lên một thực tế: Thanh niên là người dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thanh niên cả nước. Song, diện nghèo phần lớn lại rơi vào những thanh niên này. Vậy, đâu là giải pháp giúp thanh niên dân tộc thiểu số thoát nghèo? Câu hỏi của bà Tôn Nữ Thị Ninh cứ xoáy mãi vào tâm trí của chàng trai người Châu Ro và rồi sau rất nhiều trăn trở, Điểu Hòa đã tìm được hướng đi cho mình.
|
Anh Điểu Hòa, Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm, Bảo Lâm |
Rời quê nghèo (xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), năm 1995, Điểu Hòa bắt đầu khởi nghiệp tại thôn 3, xã Lộc Lâm, chỉ với số tiền 5 triệu đồng. Từ chỗ có được 5 sào đất trồng chè làm vốn, đến năm 1997, Điểu Hòa tiếp tục vay mượn để mua thêm 5,5ha đất canh tác. Trong đó, 3ha đất Điểu Hòa trồng cà phê, số diện tích còn lại trồng chè. Sau hơn 4 năm đầu tư chăm sóc, năm 2001, cà phê cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nhưng ở vào thời điểm hiện tại, cà phê rớt giá, chỉ còn 4.200 đồng/kg. Tiền bán cà phê không đủ trả nợ. Mặt khác, do nắng hạn kéo dài, vườn chè 2,5ha cũng bị thiệt hại. Khó khăn chồng chất khó khăn. “Tôi bèn quay về con đường làm thuê kiếm sống. Chỉ cần có tiền để mua gạo thì bất cứ việc gì, ở đâu tôi cũng đều vui vẻ nhận làm” - Điểu Hòa cho biết.
Ở thời điểm khó khăn ấy, Điểu Hòa tình cờ “bén duyên” với công tác Đoàn và sau đó đã tham gia rất nhiệt tình. Các buổi liên hoan văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức, Điểu Hòa đều tham gia và đạt nhiều giải. Năm 2006, thông qua Đoàn xã Lộc Lâm, Điểu Hòa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm cho vay 5 triệu đồng. Số tiền này Điểu Hòa dùng cho việc chăm sóc trở lại vườn chè và vườn cà phê. Cũng năm này, Đoàn xã Lộc Lâm tổ chức đại hội và Điểu Hòa được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã. Năm 2008, nhờ được đầu tư chăm sóc, vườn chè và cà phê bắt đầu hồi phục và dần cho thu hoạch ổn định. Sau khi đã trừ các khoản chi phí, hàng năm, vườn chè và cà phê đã mang lại cho Điểu Hòa thu nhập trên 100 triệu đồng. Cuối năm 2009, Điểu Hòa được bầu làm Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm. Từ đó đến nay, cùng với các đoàn viên, thanh niên xã Lộc Lâm, Điểu Hòa luôn hoàn thành xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Khi đã có nguồn thu từ chè và cà phê ổn định, Điểu Hòa tiếp tục chuyển sang làm mô hình chăn nuôi dê. Hiện tại, Điểu Hòa đang sở hữu 100 con dê lai. Khi đã có “của ăn của để”, Điểu Hòa bắt đầu giúp giải quyết việc làm thời vụ cho 20 lao động địa phương, với tiền công mỗi ngày là 150 ngàn đồng. Ngoài ra, mới đây, Điểu Hòa còn hỗ trợ 2 thanh niên dân tộc thiểu số là K’Tùng và K’Đạo, mỗi người 5 tạ phân bón cũng như hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.
Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương, hiện tại, Điểu Hòa đã thành lập được 3 tổ đổi công, giúp nhau phát triển kinh tế, với 40 thành viên tham gia. Ghi nhận thành tích của Điểu Hòa, nhiều năm liền, anh được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Bảo Lâm. “Tới đây, dự định của tôi là phát triển thêm mô hình trồng rau an toàn. Nếu mọi chuyện thuận lợi, đây sẽ là hướng đi mới, bên cạnh chủ động tiếp thu các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và phát triển thêm 1.000 gốc tiêu”, Điểu Hòa chia sẻ.
TRỊNH CHU