Hiện nay, anh Nguyễn Trung Thành (30 tuổi, ngụ tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) là cán bộ đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (trụ sở đóng tại đường Hà Giang, TP Bảo Lộc). Nhưng với niềm đam mê của mình, anh đã tự tạo cơ hội bằng cách mở trại ươm cây giống để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
Hiện nay, anh Nguyễn Trung Thành (30 tuổi, ngụ tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) là cán bộ đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (trụ sở đóng tại đường Hà Giang, TP Bảo Lộc). Nhưng với niềm đam mê của mình, anh đã tự tạo cơ hội bằng cách mở trại ươm cây giống để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
|
Anh Nguyễn Trung Thành ghép cây giống |
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Yersin Đà Lạt (chuyên ngành Công nghệ sinh học), anh Nguyễn Trung Thành được tuyển vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (thuộc Viện Khoa học, Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam). Hai năm sau, anh chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng cho đến nay. Trong suốt thời gian công tác tại Trung tâm, anh Thành được phân công nhiệm vụ phụ trách việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tham gia nghiên cứu các đề tài về nông nghiệp. Ông Trần Minh Điện, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Nguyễn Trung Thành là một cán bộ trẻ năng nổ, trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc. Cùng với việc hoàn thành tốt công việc mà mình phụ trách, Thành còn là người ham học hỏi để cập nhật những kiến thức mới. Nhờ đó, Thành được Ban Giám đốc Trung tâm tin tưởng đề cử tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, như: Đề tài “Chọn lọc di thực các giống bơ tốt”; “Trồng thử nghiệm hoa ly ly tại Bảo Lộc”. Khi giao việc, Ban Giám đốc và đồng nghiệp trong Trung tâm luôn đặt niềm tin vào năng lực của Thành”.
Không chỉ là một cán bộ trẻ có tâm huyết, trách nhiệm với công việc của đơn vị giao, anh Thành còn thành đạt trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ những kiến thức đã học và trải nghiệm qua thực tế công việc, anh đã mạnh dạn đầu tư thành lập trại sản xuất cây giống để phát triển kinh tế. Nói về công việc sản xuất cây giống của mình, anh Thành tâm sự: “Cho dù làm bất cứ việc gì, điều đầu tiên phải là niềm đam mê và am hiểu về công việc mình đang làm. Vì vậy, tôi chọn cách mở trang trại sản xuất cây giống để phát triển kinh tế cũng không ngoại lệ. Điều đầu tiên mà tôi hướng tới khi chọn việc sản xuất cây giống để lập nghiệp là tạo uy tín đối với người dân. Muốn vậy, tôi xác định cây giống do mình sản xuất phải đảm bảo chất lượng và phải được các cơ quan chức năng thẩm định và công nhận”.
Trại sản xuất cây giống của anh Thành được xây dựng tại thôn 9 (xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) với tổng diện tích 5.000m2. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng năm, Trại sản xuất cây giống của anh cung cấp cho thị trường hơn 250 ngàn cây giống các loại, như cà phê, bơ và sầu riêng; trong đó, có 200 ngàn cây cà phê ghép, 30 ngàn cây bơ ghép và 20 cây sầu riêng ghép. Để chủ động cho việc sản xuất giống, anh Thành đã xây dựng được 2 vườn giống bơ và cà phê đầu dòng. Theo đó, anh đang sở hữu 1 vườn cà phê được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây đầu dòng (chuyên lấy chồi ghép) có diện tích 1 sào với 2 giống chủ lực là TR4 (giống 138) và TS1 (giống Trường Sơn). Cùng với đó, anh đang sở hữu vườn bơ ghép đầu dòng (chuyên lấy chồi) có diện tích 1.000m2, với các giống BLĐ/036, BLĐ/034 và giống bơ Bút 7 (Booth). Anh Thành cho biết thêm: “Hai vườn cà phê và bơ đầu dòng hiện có, mỗi năm cung cấp cho gia đình anh hơn 300 ngàn chồi ghép các loại để phục vụ sản xuất cây giống; trong đó, có 270 chồi cà phê ghép và 30 chồi bơ ghép. Để sản xuất được các giống cà phê và bơ ghép có chất lượng và đảm bảo uy tín thì cây giống thực sinh (gốc ghép) phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định như cây không sâu bệnh, đủ chiều cao, gốc to và khỏe. Đối với mầm ghép phải khỏe mạnh, chọn đúng giống, đúng dòng, không dị hình và dị dạng”.
Theo kinh nghiệm của anh Thành, để cây giống sau khi ghép phát triển tốt thì giá thể ươm (các nguyên liệu ươm cây) đòi hỏi phải có hàm lượng chất hữu cơ cao. Trong quá trình chăm sóc cây giống, tùy thuộc vào từng thời điểm phải cung cấp đầy đủ phân bón và nước tưới cho cây. Đặc biệt, để cây giống sau khi ghép đảm bảo tỷ lệ xuất vườn đạt tiêu chuẩn cao thì việc chăm sóc sau khi ghép đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn này, cần phải bổ sung các chất khoáng đa, trung và vi lượng như sắt, đồng, kẽm... cho cây giống hấp thụ; đồng thời, phải tạo không gian thông thoáng cho cây phát triển bằng cách xếp giãn hàng để cây tiếp xúc với ánh sáng tốt nhất.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí, Trại ươm cây giống của anh Thành mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Cùng với đó, anh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
KHÁNH PHÚC