Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP HCM và Chương trình đào tạo tiên tiến của Trường ĐH KU Leuven (Bỉ), Đoàn Anh Khoa (24 tuổi) đã cùng những người bạn thành lập nhóm Kiến trúc sư trẻ mang tên UBAN Studio. Với phương châm "Đưa hồn đô thị vào trong thiết kế", nhóm đã thiết kế nên con đường hoa điện đặc sắc, điểm nhấn trong dịp Festival Hoa lần thứ VI tại TP Đà Lạt.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP HCM và Chương trình đào tạo tiên tiến của Trường ĐH KU Leuven (Bỉ), Đoàn Anh Khoa (24 tuổi) đã cùng những người bạn thành lập nhóm Kiến trúc sư trẻ mang tên UBAN Studio. Với phương châm “Đưa hồn đô thị vào trong thiết kế”, nhóm đã thiết kế nên con đường hoa điện đặc sắc, điểm nhấn trong dịp Festival Hoa lần thứ VI tại TP Đà Lạt.
|
Đoàn Anh Khoa (thứ 2, từ trái sang) và những người bạn trong nhóm UBAN Studio |
Khi con đường hoa điện, công trình thiết kế đầu tiên của nhóm UBAN Studio, đi vào hoạt động trên đường Hồ Tùng Mậu, tôi đã tìm gặp và trò chuyện cùng Khoa. Sau hơn 4 năm sống ở Sài Gòn, trong Khoa vẫn còn đậm chất nhẹ nhàng của người Đà Lạt. Khoa nói: “Một trong những tiêu chí hàng đầu của nhóm là đưa được “hồn” của đô thị vào trong thiết kế. Nó cũng đúng với mong muốn của riêng em khi thành lập nhóm. Dù có sống và làm việc ở đâu, em vẫn muốn giữ cho mình phong cách của người Đà Lạt, luôn thân thiện và nhẹ nhàng”.
Với tên gọi “Bản giao hưởng của thời gian”, con đường hoa điện Hồ Tùng Mậu đã khoác lên mình một vẻ đẹp vừa lấp lánh, vừa quyến rũ, nhẹ nhàng. Người kiến trúc sư trẻ tuổi đã nói về công trình của nhóm mình thật hào hứng: “Sẽ là đơn điệu nếu chỉ trang trí cả tuyến đường với duy nhất hình ảnh sắc hoa. Điều này đã trở nên quá phổ biến ở các tuyến đường, góc phố Đà Lạt. Ngoài hình ảnh của một thành phố trăm hoa đua nở, Đà Lạt còn là xứ sở của tình yêu, của thi ca và những nhạc khúc trữ tình. Những cơn gió se se lạnh, những ánh đèn lung linh cộng hưởng với không khí nên thơ của Đà Lạt khiến tâm hồn của mỗi người trở nên bay bổng và những lời thơ, bản nhạc như ngân lên trong tiềm thức. Từ đó, khi Dự án “Con đường hoa điện” được UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua, nhóm đã nghĩ tới việc thiết kế con đường này với sự cộng hưởng giữa mỹ thuật và nghệ thuật, sử dụng đan xen hình ảnh hoa, âm nhạc trên nền ánh sáng. Gọi tên Dự án là “Bản giao hưởng của thời gian”, bởi cả con đường là chiếc đàn piano với những khuông nhạc trong bản nhạc Đà Lạt hoàng hôn của tác giả Minh Kỳ và Dạ Cầm. Một sáng tác nổi tiếng mà mỗi khi giai điệu của nó cất lên đều gợi cho người nghe những cảm xúc bâng khuâng về thành phố Đà Lạt. Sự kết hợp đó vừa khơi gợi trí tò mò, vừa tạo nên ấn tượng và cuốn hút về thị giác. Nội dung bản nhạc Đà Lạt hoàng hôn sẽ được nhấn mạnh với màu ráng chiều của ánh sáng LED. Như vậy, thời điểm hoàng hôn đượm cảm xúc của Đà Lạt sẽ được giữ lại khi thành phố lên đèn. Với bối cảnh màu sắc chủ đạo vào buổi tối là sắc vàng từ hệ thống chiếu sáng công cộng, cùng với màu xanh lá cây từ hệ thống đèn trang trí của quảng trường, việc con đường được sử dụng ánh sáng màu tím và màu cam làm chủ đạo sẽ tạo không gian nhẹ nhàng, lãng mạn và thoảng chút thi vị, vui tươi cho những du khách khi đặt chân vào cửa ngõ Đà Lạt”. Qua những chia sẻ của mình, ở Khoa toát lên một niềm đam mê nghệ thuật và tình yêu dành cho Đà Lạt rất mãnh liệt. Chỉ có những người gắn bó và yêu mảnh đất này mới có thể hiểu và đồng cảm nhiều đến thế.
|
Con đường hoa điện. Ảnh: Phan Nhân |
Khi “đứa con đầu lòng” đã hoàn thành và nhận được sự đón nhận từ người dân Đà Lạt cũng như du khách, không chỉ Khoa mà các thành viên trong nhóm UBAN Studio đều thấy hạnh phúc. Bởi dù có được sinh ra ở Đà Lạt hay không họ đều yêu mến và muốn đóng góp sức mình cho Đà Lạt. Và điều đó đang được hiện thực hóa dần, khi mà những công trình khác có sự đóng góp của Anh Khoa và những người bạn của mình đang dần hiện hữu trên xứ sở cao nguyên. Đó là tấm pano cỡ lớn được đặt ở điểm giao giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng trên đèo Hòn Giao. Pano được thiết kế cách điệu với hình dáng ngọn núi Langbiang, đan xen là hình ảnh nông nghiệp, những ngọn đồi trong sương sớm, hồ Suối Vàng, hoa dã quỳ và hoa văn, họa tiết của dân tộc K’Ho. Đây là những hình ảnh mang tính đặc trưng của huyện Lạc Dương. Lại thêm một công trình mà những chàng kiến trúc sư trẻ thổi “hồn” của vùng đất này vào trong thiết kế.
Dù hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh với nhiều cơ hội nghề nghiệp khi Khoa nhận được nhiều hợp đồng thiết kế, sửa chữa chung cư, căn hộ…, thế nhưng, với Khoa thì dù có sống và làm việc ở đâu nhưng là một người con Đà Lạt với những kỷ niệm từ thời thơ ấu đến giờ, em vẫn luôn mong có thể đóng góp chút gì đó dù ít, dù nhiều cho Đà Lạt.
NGỌC NGÀ