Giấc mơ từ đất

09:03, 10/03/2016

Có một giấc mơ được kể bằng ý chí, nghị lực của một cô gái mồ côi, giấc mơ ấy được ấp ủ từ đôi tay nhỏ bé ngày ngày biến đất sét thành hoa. Đó là câu chuyện của bạn Lý Phạm Cát Đài, một người trẻ tuổi có nhiều khát vọng vươn lên, biến ước mơ thành hiện thực.

Có một giấc mơ được kể bằng ý chí, nghị lực của một cô gái mồ côi, giấc mơ ấy được ấp ủ từ đôi tay nhỏ bé ngày ngày biến đất sét thành hoa. Đó là câu chuyện của bạn Lý Phạm Cát Đài, một người trẻ tuổi có nhiều khát vọng vươn lên, biến ước mơ thành hiện thực.
 
Nghệ nhân trẻ Lý Phạm Cát Đài tỉ mỉ tác tạo từng cánh hoa
Nghệ nhân trẻ Lý Phạm Cát Đài tỉ mỉ tác tạo từng cánh hoa
Bắt đất nở hoa
 
Từ những cục đất sét chỉ có 2 màu trắng - xanh lá cây, dưới đôi tay khéo léo và óc thẩm mỹ, nghệ nhân trẻ Lý Phạm Cát Đài đã tác tạo nên các loài hoa như: hồng, cúc, lyly, cẩm tú cầu, lan, Pensee, colyco, đào, mai, sen... Sự kỳ công ẩn trong từng cánh hoa, từ tạo hình đến màu sắc, hoa đất sét của Cát Đài mô phỏng một cách chân thực thiên nhiên tươi đẹp. Để tạo nên những cánh hoa giống như hoa thật đã khó, nhưng với Cát Đài, khó nhất là tạo màu sắc cho hoa vì khi hoa đất khô màu sẽ nhạt hơn. Trong quá trình pha màu, trộn đất, em phải thử đi thử lại nhiều lần, có khi làm thành công một bông hoa phải vứt đi cả mấy cục đất sét “thử nghiệm”. 
 
Dù được học hành bài bản, nhưng các tác phẩm của Cát Đài không chỉ đi theo “phác họa” ban đầu mà vừa làm, em vừa sáng tạo theo cảm hứng, mỗi tác phẩm mang hồn riêng, được làm tỉ mỉ, không theo mẫu nào, không rập khuôn sản xuất hàng loạt. Điều Cát Đài quan tâm là tác phẩm “chạm” được đến nghệ thuật chứ không tính đếm thời gian. Vì vậy, từ những bức tranh hoa đất, mẫu thú, đến decor trang trí, khung ảnh do em tạo ra đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, có sức lay động, truyền cảm hứng, khiến người xem thích thú và rung cảm. Xem tác phẩm hoa lan của em trưng bày trên “Đường nghệ thuật Yersin” giống từ hoa, thân, lá, nhụy và cả những chiếc rễ - nhạc sĩ Đình Nghĩ, một người yêu nghệ thuật và đam mê với nghệ thuật đã từng thốt lên rằng: “Tác phẩm của Cát Đài thật vi diệu”. 
 
Đam mê hội họa từ bé, Cát Đài từng tham gia rất nhiều cuộc thi vẽ do Nhà thiếu nhi Lâm Đồng tổ chức. Tình yêu hội họa lớn dần, sau khi học xong phổ thông, Đài mạnh dạn thi vào Đại học Kiến trúc Tp.Hồ Chí Minh - một trong những cái nôi của mỹ thuật Việt Nam, em học chuyên ngành thiết kế nội thất - khoa mỹ thuật công nghiệp. Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Cát Đài làm việc cho một vài công ty tư vấn thiết kế đúng với chuyên ngành được học. Mọi đồ án với những ý tưởng sáng tạo qua quá trình thi công trở thành hiện thực đều bị cắt xén đi, từ cái hồn đến “hình hài” cũng không còn mang dấu ấn cá nhân của mình nữa; Cát Đài bắt đầu muốn làm những gì mình thích, muốn thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình, cho mọi người. Cũng trong quá trình làm việc, em nhận ra rằng tranh là một phần trang trí không thể thiếu trong không gian sống. Tranh mang lại cho con người giá trị lớn về tinh thần và thẩm mỹ. Rồi tình cờ em phát hiện ra nghệ thuật tranh hoa đất sét. Đất sét là một chất liệu thô mộc, khó tạo hình, nhưng tuổi thọ cao. Vốn rất yêu thích tạo hình nghệ thuật bằng tay như đan, móc, điêu khắc, Đài đã chọn đất sét và dồn cả niềm đam mê sáng tạo vào loại nguyên liệu này. Em có thể ngồi cả buổi để tạo nên những con vật, những chậu hoa nhỏ mang tặng bạn bè và được ngợi khen. Đài muốn tìm cách mang chúng vào tranh; qua một năm tìm tỏi, những tác phẩm tranh hoa đất sét đầu tiên của em như một khởi đầu mới. 
 
Cát Đài cho biết, em muốn tạo thương hiệu của mình bắt đầu từ tranh, bởi tranh sẽ gây ấn tượng mạnh. Để tạo ra một tác phẩm độc đáo kết hợp giữa hội họa và hoa đất sét là cả một quá trình. Để có một tác phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự cần mẫn và sáng tạo. Một bức tranh sơn dầu được vẽ hoàn thiện làm nền, những bông hoa đất sét được nặn, được tác tạo rồi phối hợp với tranh. Để tạo được một bông hoa đất sét phải cắt tỉa, tạo hình như những bông hoa thật, từ màu sắc đến đường nét. Việc gắn hoa vào tranh cũng đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong cách bố trí hoa để làm nổi bật tác phẩm. Vừa có phần nổi (hoa đất sét), vừa phần chìm (hội họa), bức tranh trở nên sống động, có chiều sâu.
 
Vươn lên từ gian khó 
 
Rời thành phố Hồ Chí Minh trở về Đà Lạt, mong được ở gần nhà để làm công việc mình muốn, thực hiện đam mê của mình. Ngôi “nhà” mà Cát Đài nhắc đến chính là Làng trẻ SOS Đà Lạt, nơi các mẹ, các dì và rất đông những trẻ mồ côi nương tựa, coi nhau như gia đình. Mẹ mất từ khi lên 2 tuổi, một mình cha không thể lo cho 5 anh em (4 trai, 1 gái). Cát Đài là con út đã cùng người anh trai được gửi vào làng trẻ SOS Đà Lạt. Lớn lên ở Làng trẻ, Cát Đài hầu như chỉ có khái niệm về một gia đình rộng lớn, đầy ắp tình yêu thương và đây cũng là nơi thân thuộc duy nhất.
 
Em được nghe các dì, các mẹ kể, ngày mới vào làng trẻ, dù mới lên hai nhưng em suốt ngày chỉ bám riết lấy anh trai của mình, khi ấy cũng chỉ là cậu bé lên 5. Trong thiếu thốn, mất mát, em luôn nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh đặc biệt. 5 năm học ở Đại học Kiến trúc Tp.Hồ Chí Minh em vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của “ngôi nhà” rộng lớn, nhất là những phí cho đồ án tốt nghiệp và những dụng cụ học tập đắt đỏ. Vươn lên trong gian khó, Cát Đài luôn ý thức rằng, mình phải quay trở về giúp đỡ lại các em, để rồi quyết định mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho mình. 
 
Trong căn nhà trọ của cô gái 29 tuổi nằm trên đường Yersin (Đà Lạt) không có gì đáng giá, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình cảm chị em. Những “đồ nghề” như đất sét, màu nước, cọ vẽ được bày ra. Đài cặm cụi, say mê với từng cánh hoa, từng con thú, vừa làm vừa chỉ cho các em nhỏ. Các em học cấp 3 của Làng trẻ SOS sau giờ học vẫn thường tập trung đến nhà trọ để được chị Cát Đài hướng dẫn làm tranh hoa đất sét. Cát Đài tâm sự: “Khi nhỏ em được các mẹ, các dì dạy thêu, đan, móc len, khâu vá... đến bây giờ mới thấy đó là những kỹ năng rất quý, và rất cần thiết để mình lập nghiệp trưởng thành, nên em muốn các em của mình biết được nhiều việc, nhiều nghề, sẽ rất tốt để chúng lập nghiệp sau này”. Có các em bên cạnh, căn phòng trọ cũng luôn ấm áp. Các em nhỏ cũng chính là động lực để Cát Đài mạnh dạn lập thân lập nghiệp theo con đường của riêng mình. Em mong muốn gây dựng tranh và hoa đất sét của mình thành một thương hiệu, tìm đầu ra ổn định; đồng thời dạy nghề, tạo việc làm cho lớp lớp đàn em lớn lên trong hoàn cảnh giống mình. 
 
Trân quý khát vọng vươn lên, dũng cảm sống với niềm đam mê của Cát Đài, ông Võ Văn Quân - người sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty tranh thêu tay XQ đã dành riêng cho Cát Đài một không gian trưng bày tranh đất sét của cô trong Phố nghệ thuật trên đường Yersin. Sự “nâng đỡ” của ông Quân có ý nghĩa rất lớn đối với một người trẻ tuổi trong bước đầu khởi nghiệp đầy khó khăn. Không những vậy, ông còn giới thiệu sản phẩm của cô với những bè bạn của ông đến từ nhiều nước trên thế giới với mong muốn sản phẩm của người Việt, trí tuệ của người Việt và óc sáng tạo của người Việt được các dân tộc khác biết đến và đón nhận.
 
QUỲNH UYỂN