Đây là cách mà Đoàn xã Lộc Tân đang áp dụng và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút thanh niên đến với các phong trào Đoàn.
Tạo thêm điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, là cách mà Đoàn xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) đang áp dụng và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút thanh niên đến với các phong trào Đoàn tại địa phương.
|
Mô hình chanh dây của chị Ka Phượng được hỗ trợ bởi nguồn vốn ủy thác |
Trao đổi với một số cán bộ đang làm công tác Đoàn trên địa bàn huyện Bảo Lâm mới biết số thanh niên theo thống kê và số thanh niên thực tế sinh hoạt Đoàn tại các địa phương có sự chênh lệch đáng kể. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều thanh niên phải tìm nơi đi làm ăn xa. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đoàn viên và phong trào thanh niên. “Muốn gì cũng phải tạo được các mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên tại địa phương thì mới thu hút và tập hợp được thanh niên!”, anh K’Chàr, Phó Bí thư Đoàn xã Lộc Tân, tỏ rõ quan điểm.
Do vậy, trong những năm qua, Đoàn xã Lộc Tân đã thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác cho đoàn viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm thông qua 2 tổ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Anh Phạm Văn Liêm, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 3, cho biết: “Qua sự ủy thác của Đoàn xã Lộc Tân, 44 thanh niên trong thôn 3 đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm cho vay 800 triệu đồng. Những thanh niên được thụ hưởng vốn vay ủy thác đều quản lý tốt nguồn vốn vay và đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả”.
Từ nguồn vốn vay ủy thác, nhiều thanh niên xã Lộc Tân đã phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất có hiệu quả. Tiêu biểu trong số thanh niên này phải kể đến anh Bùi Văn Nục (dân tộc Mường, thôn 3, xã Lộc Tân). Sau khi vay 18 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh có thêm điều kiện để đầu tư, chăm sóc 6 sào cà phê. Hiện, vườn cà phê của gia đình anh đang phát triển rất tốt. Cũng như anh Bùi Văn Nục, chị Ka Brôm (người Mạ, ngụ cùng thôn) được hỗ trợ 12 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác. Chị Ka Brôm tâm sự: “Gia đình tôi có 3 sào cà phê. Nhờ được Đoàn xã Lộc Tân tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm nên giải quyết được rất nhiều khó khăn khi mới lập nghiệp”. Còn chị Ka Phượng (người Mạ, thôn 3, xã Lộc Tân) được hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư trồng 3 sào chanh dây. Theo chị Ka Phượng, chanh dây hiện có giá từ 30 - 40 ngàn đồng/kg. 3 sào chanh dây của gia đình chị đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch sẽ là một nguồn thu không hề nhỏ đối với một gia đình vừa mới ra ở riêng như gia đình chị.
Ngoài Tổ vay vốn thôn 3, Đoàn xã Lộc Tân còn đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để 46 thanh niên ở thôn 6 - Đạ Tồn vay 1,2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. “Nhờ có nguồn vốn vay ủy thác mà thời gian qua nhiều thanh niên đã vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, anh K’Kròng, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 6 - Đạ Tồn, cho biết. Bản thân anh K’Kròng hiện đang có 2ha chè cao sản và là một trong những đoàn viên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế cũng như tham gia tích cực mọi hoạt động Đoàn ở địa phương.
Bên cạnh việc ủy thác, giúp thanh niên có vốn làm giàu, Đoàn xã Lộc Tân còn đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè và cà phê cho lực lượng thanh niên. Nhờ vậy, Đoàn xã Lộc Tân đã góp phần duy trì ổn định và phát triển phong trào Đoàn ở địa phương trong suốt những năm qua.
Dẫu vậy, Phó Bí thư Đoàn xã Lộc Tân K’Chàr cho rằng, hạn mức vốn vay dành cho thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất. Bởi, trong tổng số 1.919 đoàn viên, thanh niên hiện có của xã Lộc Tân, thì có đến 85% là người dân tộc thiểu số. Trong số thanh niên là người dân tộc thiểu số lại có rất nhiều người mới tách hộ ra ở riêng, nhưng không có sổ hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm. Do đó, anh K’Chàr đề nghị: “Chúng tôi mong, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ có những điều chỉnh, nới lỏng về đối tượng vay vốn để thanh niên có thêm cơ hội được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. Từ thực tế địa phương, theo tôi, mỗi thanh niên cần được hỗ trợ 30 triệu đồng, trong thời hạn 5 năm là phù hợp”.
TRỊNH CHU