Tạo việc làm cho thanh niên từ nhiều mô hình kinh tế

09:06, 16/06/2016

Thời gian qua, với việc triển khai nhiều mô hình kinh tế khác nhau, Đoàn xã Ninh Gia (Đức Trọng) đã tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn.

Thời gian qua, với việc triển khai nhiều mô hình kinh tế khác nhau, Đoàn xã Ninh Gia (Đức Trọng) đã tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn.
 
Đoàn xã Ninh Gia đã và đang tạo việc làm cho ĐVTN bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Trong ảnh: Các thành viên tổ thêu tay
Đoàn xã Ninh Gia đã và đang tạo việc làm cho ĐVTN bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế khác nhau.
Trong ảnh: Các thành viên tổ thêu tay
Mô hình đầu tiên có thể kể đến đó là tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt mà Ninh Gia là một trong 2 xã của huyện (cùng với xã Tân Hội) được Huyện Đoàn Đức Trọng chọn để triển khai thí điểm. Tổ hợp tác này gồm 10 thành viên, đây là những ĐVTN thuộc diện khó khăn nhưng có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực tham gia các hoạt động đoàn - hội.
 
Ngay sau khi tổ hợp tác ra đời, mỗi thành viên trong tổ được Huyện Đoàn tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng và đối ứng 10 triệu đồng để bắt tay vào chăn nuôi. Trong số 10 thành viên của tổ hợp tác, có 3 thành viên tự mua bò giống nuôi tại nhà, 7 thành viên còn lại mua giống và gom lại nuôi chung tại nhà của tổ trưởng tổ hợp tác là anh Hoàng Minh Tuấn. “Sau gần 1 năm triển khai mô hình này, 6 con bò giống mà các thành viên trong tổ mua lúc ban đầu nay đã sản sinh thêm 6 con bò con nữa. Chỉ nhiêu đó thôi, trước mắt, chúng tôi đã thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại. Cùng đó, mô hình này cũng giúp anh em chúng tôi có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, bên cạnh những công việc thường ngày như trồng cà phê, hoa màu” - anh Hoàng Minh Tuấn cho biết. 
 
Cùng với tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt, tổ thêu tay của các chị em (thôn Hiệp Hòa) do Bí thư Chi đoàn thôn Hoàng Thị Đại làm tổ trưởng cũng đang được đánh giá là một mô hình tập hợp chị em trong thôn hiệu quả. Nói về mô hình này, chị Đại cho biết, hiện tổ có 5 thành viên chính thức và 4, 5 thành viên khác đang theo học nghề. Mô hình ra đời cách đây khoảng hơn 2 năm, trước là để thỏa đam mê, sau là có thêm thu nhập. “Tôi biết tới nghề thêu lâu rồi nhưng phải từ hơn 2 năm nay mới thật sự chuyên tâm với nghề. Thấy trong thôn có mấy chị em chơi với nhau, lại cùng yêu thích thêu thùa, vậy là tập hợp nhau lại, chỉ cho nhau cách làm rồi lên Đà Lạt nhận hàng về gia công. Mỗi tháng, chị em chúng tôi cũng có thêm 2-3 triệu đồng để trang trải, nên cũng thấy thích lắm” - Đại nói.
 
Chị Vy Thị Hiền, thành viên của tổ tiếp lời: “Bên cạnh công việc đồng áng thì cứ rảnh giờ nào là chúng tôi lại ngồi vào thêu lúc đó. Chị em nào rành nghề rồi thì có thể nhận hàng về nhà thêu, chị em nào chưa vững lắm thì tới nhà của tổ trưởng, vừa làm, vừa học. Như bản thân tôi chẳng hạn, tôi lấy chồng về trên Liên Nghĩa nhưng vì yêu thích nghề này, nên 2 tháng nay, tôi sắp xếp về ở với mẹ đẻ để tiện qua nhà chị Đại vừa làm vừa học, đến khi rành nghề thì về lại trên nhà chồng rồi hàng tháng nhận hàng về thêu”.
 
Nói thêm về các mô hình này, anh Trần Nhật Hải - Bí thư Đoàn xã Ninh Gia cho biết: Tất cả các mô hình trên được triển khai nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho ĐVTN trong xã. Trước mắt, mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt hiện đang được triển khai hiệu quả. Chúng tôi cũng đã được UBND xã đồng ý hỗ trợ cho thanh niên đứng ra quản lý 5 sào đất thuê để trồng cỏ, dự kiến tháng 8, tháng 9 năm nay sẽ triển khai. Sau 3 năm, các thành viên của tổ hợp tác sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi nên chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất cho ĐVTN khác vay để duy trì mô hình này.
 
Ngoài ra, chúng tôi cũng còn rất nhiều dự định, đó là đề xuất để các thành viên của tổ thêu tay có thể vay vốn, phát triển sản xuất. Đồng thời, mở rộng mô hình này, tập hợp thêm nhiều ĐVTN khác trong xã có chung đam mê thêu thùa để thành lập tổ hợp tác. Và còn nhiều mô hình tạo việc làm cho ĐVTN mà chúng tôi đang có ý định nhân rộng như mô hình trồng dâu nuôi tằm; xã Đoàn cũng đang vận động ĐVTN chuyển đổi từ những sào cà phê chưa có hiệu quả sang trồng hoa màu… Trước mắt, chúng tôi đã chọn bạn Nguyễn Phú Thông (thôn Kinh Tế mới) có 7 sào cà phê để triển khai. Thông cũng đang tiến hành chuyển đổi 3 trong số 7 sào cà phê sang trồng dâu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động những ĐVTN khác thực hiện hình thức chuyển đổi này.
 
THY VŨ