Những ngày này, trên các buôn làng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của 9 huyện trong tỉnh, 250 sinh viên tình nguyện đang cống hiến sức trẻ "ba cùng" với nhân dân, để "đổi lấy" một bài học lớn: Tuổi trẻ phải biết dấn thân và cống hiến!
Những ngày này, trên các buôn làng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của 9 huyện trong tỉnh, 250 sinh viên tình nguyện đang cống hiến sức trẻ “ba cùng” với nhân dân, để “đổi lấy” một bài học lớn: Tuổi trẻ phải biết dấn thân và cống hiến!
|
Tình nguyện trên mọi nẻo đường Tà Năng bằng xe công nông |
Cơn mưa dứt, con đường đất đá vào buôn Masara, xã Tà Năng ướt nhẹp, bết đất. Đã hơn 2 giờ chiều nhưng đội tình nguyện vẫn đến nhà chị Ma Min để tiếp tục làm cỏ vườn càfe. Trong ngôi nhà không có đàn ông, một mình người phụ nữ khuyết tật (lưng gù, xương ức nhô cao) với 3 đứa con nhỏ dại, cha mẹ mất sớm, không anh chị em, Ma Min phải lặn lội vất vả. Sức vóc nhỏ bé nên 1,5ha cà phê cách nhà đến 2 giờ đi bộ đành bỏ mặc vì nuôi con còn thiếu thì lấy đâu ra tiền để thuê người làm. Sau mỗi cơn mưa, chị lại lo lắng bởi cỏ thêm dày đặc ken lấy gốc cà phê... 11 thanh niên tình nguyện (là sinh viên Trường Đại học Yersin) về với buôn làng Tà Năng đã giúp Ma Min làm cỏ từ rẫy xa cho đến vườn gần. Sau cơn mưa, đất “mến người” dính chặt, nhưng 11 tay cuốc vẫn vừa leo đồi, vừa cuốc, vừa luồn vào qua cành lá đẫm nước khéo léo để cây không rụng trái. Trong đội hình, nhiều bạn chưa bao giờ biết đến cái cuốc, cái xẻng, nhưng cứ bắt tay vào là việc cuốn đi. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, tại từng hốc cà phê, những cây cỏ được bứng sạch.
Đặt bước chân qua 10 buôn làng ở khắp Tà Năng, đường đất rộng dài, nếu không có chiếc xe công nông (các bạn vẫn gọi vui là xe “mui trần”) do bạn Lơ Mu Rô Mi (28 tuổi) - Phó chỉ huy xã đội, chi đoàn dân quân tự vệ tự tay lái làm phương tiện hỗ trợ cho việc di chuyển thì sẽ là những ngày vô cùng vất vả. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của xã Đoàn, sự quan tâm tạo điều kiện ăn ở của địa phương và tình cảm của bà con nhân dân đã giúp các bạn phát huy sức trẻ. Khi chúng tôi đến, cơn mưa trút xuống tầm tã, cả đội hình 11 bạn đang ở nhà anh Nguyễn Quang Tự (thôn Masara) đợi ngớt cơn mưa để đi giúp bà con nghèo trong buôn. Vì chỗ ở của sinh viên tình nguyện xa nên trưa các bạn không về nghỉ, gia đình anh Tự đã hỗ trợ nấu ăn để chiều các sinh viên có thêm điều kiện tiếp tục giúp các gia đình nghèo trong thôn. Vợ chồng anh Tự nói: “Có gì đâu, tôi coi các cháu như con cháu mình. Các cháu còn vượt cả trăm cây số xa xôi về đây giúp bà con nghèo được, thì chúng tôi cũng có thể giúp các cháu được”.
Anh Nguyễn Thanh Sơn- Bí thư Đoàn Trường Đại học Yersin Đà Lạt cho biết: Mùa hè tình nguyện năm nay, 30 thanh niên tình nguyện của trường được tuyển chọn từ rất nhiều sinh viên đăng ký đã hình thành nên 3 đội hình về với 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Trọng: Tà Hine, Tà Năng, N’Thol Hạ. Nhân dịp này, Đoàn trường đã thực hiện công trình thanh niên, tặng và lắp đặt 2 máy lọc nước công nghệ cao trao tặng Trường mầm non Tà Hine và Trường tiểu học Tà Năng. |
Cả đội 11 người cùng ngồi lên xe công nông vỗ tay bắt nhịp hát vang cả buôn làng để bắt đầu một buổi làm việc. Giúp dân chăm sóc cây trồng, làm vệ sinh môi trường, dọn và xử lý bãi rác thải, trồng cây phân tán, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em..., các bạn sinh viên đã để lại tình cảm đẹp trong lòng người dân.
Anh Thái - Bí thư Đoàn xã Tà Năng cho biết: “Các bạn làm việc rất nhiệt tình, sáng nào cũng tập trung từ 7g30 để bắt đầu công việc một ngày mới. Tối đến lại sinh hoạt với thanh thiếu nhi trong xã, việc ăn nghỉ chỉ là “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Thanh niên tình nguyện về đã khuấy động thêm phong trào của tuổi trẻ ở địa phương, chúng tôi đã huy động thanh niên trong xã cùng với các bạn giải quyết những việc khó mà không có “tinh thần”, ngại khó ngại khổ thì không thể làm”. Trong một ngày nắng đẹp, bãi rác “khổng lồ” (mà theo Bí thư Đoàn xã thì dọn cả tháng không hết), rác thải sinh hoạt loang ra cả vùng, các bạn đã hợp sức cùng thanh niên địa phương bắt tay dọn rác, dùng chất đốt hỗ trợ xử lý, gọn gàng. Từ đây sẽ thành nếp, mùa khô sẽ là mùa thích hợp để thanh niên địa phương xử lý rác thải triệt để theo định kỳ, để không gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường sống.
Tại Tà Hine (Đức Trọng), nửa tháng nay, sân Nhà văn hóa xã tối nào cũng rộn rã tiếng cười. Đội hình 10 sinh viên tình nguyện về, đã làm cho nơi đây trở thành điểm vui chơi, sinh hoạt của đông đảo thanh thiếu nhi. Từ xế chiều, khi ánh nắng chưa tắt, thì đã có những em háo hức chờ đợi ông mặt trời “đi ngủ” để được vui chơi cùng các anh chị sinh viên. Ban ngày, các bạn đến 5 thôn trong xã cùng dân làm đường, vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, rãnh nước...; tối về không nghỉ, tiếp tục vui chơi cùng các em, hướng dẫn thanh niên tập những bài dân vũ.
Vượt qua điều kiện sống không thuận lợi, khi phải xách từng xô nước sinh hoạt từ cách xa 200 m (từ UBND đến nơi ở - Nhà văn hóa xã), nhưng bữa cơm trưa vẫn dọn ra trong không khí ấm áp với đủ: rau xào, thịt kho măng, canh bí xanh, bàn ăn là những chiếc bàn hội trường được ghép lại. Sau bữa cơm, mọi thứ lại gọn gàng, ngăn nắp. Bạn Nguyễn Thị Nam Phương - trưởng nhóm cười: “Được ăn ở ngay trong Nhà văn hóa cũng có những lợi thế riêng, đây là điều kiện thuận lợi để cả đội tổ chức được rất nhiều sân chơi cho thanh thiếu nhi vào tất cả các buổi tối”. Các anh chị Khoa Kiến trúc (Đại học Yersin) còn biểu diễn “tài năng” vẽ cây và hướng dẫn cho các em chấm những ngón tay vào dĩa màu xanh lá cây, rồi in dấu vân tay nhỏ lên tấm giấy carton lớn như một trò chơi tạo thành một bức tranh với chi chít những dấu vân tay là màu xanh cây lá. Trò chơi nhỏ, hành động nhỏ thôi nhưng sẽ in đậm trong tâm trí các em về tình yêu cây xanh, bảo vệ cây xanh. Bạn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Trò chơi hôm nay, nhưng sẽ là hành động đẹp của các em trong tương lai để bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sống”...
Chỉ gần 3 tuần “ba cùng” với nhân dân, nhưng đoàn viên, thanh niên đã gửi lại nơi đây lòng nhiệt huyết; mang theo trong lòng những người trẻ tuổi là ánh mắt trong vắt của những đứa trẻ Churu chờ đợi đến giờ múa hát, vui chơi; những chiếc bànbé xíu lấm lem, những mái tóc ánh màu vàng của nắng đợi chờ được thắt rít, cắt tỉa gọn gàng. Không thể quên được ánh mắt mừng vui của người phụ nữ nghèo Ma Min, khi vừa chạy vừa vẫy tay theo chiếc xe công nông chở đội sinh viên tình nguyện rời buôn, quyến luyến nói lời cảm ơn. Sẽ là một trường học lớn để tuổi trẻ dấn thân, cống hiến và trưởng thành. Mùa hè tình nguyện cũng qua đi, nhưng màu áo xanh của tuổi trẻ trên những công trình, những việc làm mang dấu ấn mùa hè xanh sẽ để lại tình cảm đẹp trong lòng người dân nơi các bạn đến.
QUỲNH UYỂN