Theo chị Hoàng Thị Mỹ Hằng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, cùng với các hoạt động, các phong trào thanh niên, việc tạo các nguồn vốn giúp thanh niên làm ăn cũng là một hình thức tập hợp thanh niên...
Theo chị Hoàng Thị Mỹ Hằng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, cùng với các hoạt động, các phong trào thanh niên, việc tạo các nguồn vốn giúp thanh niên làm ăn cũng là một hình thức tập hợp thanh niên. Do vậy, liên tục trong nhiều năm qua, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp bằng hình thức tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm, giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo; qua đó, duy trì và phát triển phong trào Đoàn tại địa phương.
|
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm ở Lộc Thành là một trong số những mô hình được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ưu đãi |
Số liệu thống kê của Huyện Đoàn Bảo Lâm cho thấy, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện tổ chức được 31 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả 14 xã, thị trấn trong toàn huyện. Tại 31 tổ tiết kiệm và vay vốn, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã tín chấp giúp 1.462 hộ thanh niên vay. Đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của thanh niên trong huyện vay trên 28 tỷ đồng. Trong đó, hộ cận nghèo có dư nợ cao nhất (trên 7,3 tỷ đồng), tiếp đến là hộ vay làm nước sạch vệ sinh môi trường (hơn 5,6 tỷ đồng) và hộ vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (trên 4,5 tỷ đồng)”.
Anh Lê Thái Sơn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, người trực tiếp phụ trách việc ủy thác giúp thanh niên vay vốn nói: “Ngoài các đối tượng kể trên, chúng tôi còn ủy thác giúp gần 90 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, 21 hộ dân tộc thiểu số, 26 hộ khó khăn về nhà ở, 70 hộ vay vốn làm ăn và 54 hộ vay để giải quyết việc làm...”.
Theo anh Sơn, để quản lý tốt việc tổ chức vay vốn và việc sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, trong 6 tháng đầu năm, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra đối với 23 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các tổ tiết kiệm và vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Ngoài việc nhận ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm cho thanh niên vay vốn, Huyện Đoàn Bảo Lâm còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm triển khai nhiều buổi tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu/dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Trên cơ sở đó, các thanh niên tự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tùy theo điều kiện gia đình để phát triển kinh tế, vươn lên lập thân lập nghiệp. Từ việc được hỗ trợ kỹ thuật đến tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Huyện Đoàn Bảo Lâm, nhiều thanh niên Bảo Lâm đã đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế. Gia đình anh Bùi Văn Nục (xã Lộc Tân) sử dụng 18 triệu đồng vốn vay ưu đãi để đầu tư, chăm sóc 6 sào cà phê. Mặc dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng anh Nục ước tính, một sào cà phê anh có thể thu hoạch từ 7 - 8 tạ. Cùng địa chỉ với anh Bùi Văn Nục, gia đình chị Ka Phượng cũng được vay 30 triệu đồng. Chị cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ủy thác, gia đình tôi đã đầu tư, chăm sóc 3 sào chanh dây. Kết quả bước đầu khá khả quan, nhất là đối với một gia đình vừa ra ở riêng như chúng tôi”. Ngoài chăm sóc vườn chanh dây, gia đình chị Phượng còn nuôi thêm heo, tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Muốn gì cũng phải tạo được các mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên tại địa phương thì mới thu hút và tập hợp được thanh niên trong các hoạt động Đoàn”, anh K’Chàr, Phó Bí thư Đoàn xã Lộc Tân trao đổi.
Anh Lê Thái Sơn cho rằng, vốn vay ưu đãi ở mỗi xã sẽ có cách làm riêng, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của địa phương, như xã Lộc Quảng có mô hình trồng lan công nghệ cao, nuôi gà thương phẩm ở Lộc Thành, trồng bơ cao sản kết hợp với nuôi bồ câu Pháp ở Lộc Đức...
Tuy thế, anh Sơn vẫn còn những trăn trở: “Hạn mức vốn vay dành cho thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất. Hơn nữa, nhiều thanh niên muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh thì vẫn chưa có nguồn vốn để vay. Thêm vào đó, nhiều thanh niên mới ra ở riêng, điều kiện kinh tế cũng rất khó khăn, nhưng lại không có sổ hộ nghèo nên không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện”.
T.ĐỒNG