Chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân vùng khó khăn tại huyện Đam Rông là một hoạt động trong chuỗi chương trình "Chiến dịch tình nguyện hè năm 2016" của sinh viên (SV) Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt nhằm đẩy mạnh phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới".
Chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân vùng khó khăn tại huyện Đam Rông là một hoạt động trong chuỗi chương trình “Chiến dịch tình nguyện hè năm 2016” của sinh viên (SV) Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt nhằm đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
|
Hướng dẫn bà con ủ phân từ phế phẩm nông nghiệp |
Đam Rông là huyện nghèo với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nhiều vùng của huyện, việc canh tác và chăm sóc cây trồng của người nông dân vẫn thực hiện theo cách truyền thống và máy móc. Xuất phát từ trăn trở làm sao giúp nông dân đưa những tiến bộ của KH-KT vào sản xuất, kết hợp cùng với chuyến tình nguyện hè do Tỉnh Đoàn phát động; Ban Chấp hành Chi đoàn Khoa Sinh học đã hiện thực hóa ý tưởng đưa sinh viên của khoa về với thôn, buôn để giúp người dân trong sản xuất nông nghiệp. Trong 2 tuần tình nguyện, tuần đầu tiên các SV sẽ làm những phần việc thanh niên như dọn vệ sinh môi trường, trồng cây, làm đường giao thông...; tuần còn lại SV phối hợp với ngành chức năng địa phương tổ chức chương trình thanh niên tình nguyện tập huấn kỹ thuật về biện pháp chăm sóc cây cà phê, đồng thời trực tiếp cùng người dân thu gom những phế thải nông nghiệp như vỏ cà phê, phân bò, heo... cùng việc chuyển giao công nghệ ủ phân vi sinh cho họ.
Thầy Nguyễn Khoa Trưởng, Phó Trưởng khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Mục đích của hoạt động này là nhằm trang bị cho bà con nông dân các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, Khoa muốn tạo điều kiện để SV vừa làm công tác từ thiện, vừa làm công tác tình nguyện lồng ghép khoa học kỹ thuật. Với những kiến thức đã được học, SVđược tiếp cận với thực tế để điều tra, khảo sát về tập quán canh tác, đất đai, thổ nhưỡng, một số bệnh trên cây cà phê. Các SV sẽ thu mẫu về phòng thí nghiệm của trường phân tích để có kết quả đánh giá sơ bộ về đất canh tác cà phê của khu vực, qua đó, người nông dân tham khảo cho phát triển sản xuất”.
Trong hành trình về với xã Rô Men (Đam Rông) lần này, bạn Trịnh Thị Thanh Nhật (sinh viên năm 2 ngành Công nghệ Sinh học) chia sẻ: “Những tháng ngày gắn bó với ruộng đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân; sinh viên tụi em có thêm những trải nghiệm mới, những kỹ năng mềm mà có lẽ trên giảng đường chúng em sẽ không học được. Được áp dụng những kiến thức của mình vào giúp cho bà con nông dân là việc làm hết sức ý nghĩa trong thời sinh viên của tụi em”. Ông Liêng Hót Ha Chong, người dân thôn 4 (Rô Men) phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác của thôn, thường thực hiện canh tác cà phê theo kiểu truyền thống là bón phân hóa học. Qua thời gian, cây cà phê càng ngày càng già cỗi, năng suất thấp. Sau khi được các cháu sinh viên về giúp chăm sóc cà phê, hướng dẫn làm phân hữu cơ, giờ mình mới biết đến phương pháp chăm sóc cà phê bền vững. Mình vui mừng lắm, hi vọng mùa tới cà phê, gia đình sẽ đạt năng suất cao hơn”.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong đợt tình nguyện hè vừa qua, SV Khoa Sinh sẽ tiếp tục duy trì công tác này, định kỳ hằng tháng xuống địa phương, cùng với bà con chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp qua quá trình đánh giá, phân tích, để biết đất trồng cà phê thừa chất gì, thiếu chất gì, từ đó, giúp bà con bón phân một cách hợp lý, cũng như giúp bà con canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư đoàn Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Việc làm của đoàn viên Khoa Sinh học hướng đến cộng đồng nhằm góp phần giúp chuyển giao KH-KT cho người dân. Thông qua hoạt động này đã tăng cường sự gắn kết giữa nông dân với đội ngũ trí thức trẻ mà đặc biệt là sinh viên, đoàn viên thanh niên. Khi tốt nghiệp ra trường, SV sẽ có những kiến thức để áp dụng cho công việc sau này”.
HOÀNG YÊN