Hồng sấy gió Trạm Hành

09:07, 27/07/2017

Với một kỹ thuật học được ở lớp học nghề cộng với tình yêu dành cho trái hồng bản xứ, Bí thư Đoàn xã Trạm Hành Nguyễn Thị Thu Huyền đang từng bước xây dựng thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này được nhiều người biết đến.

Với một kỹ thuật học được ở lớp học nghề cộng với tình yêu dành cho trái hồng bản xứ, Bí thư Đoàn xã Trạm Hành Nguyễn Thị Thu Huyền đang từng bước xây dựng thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này được nhiều người biết đến.
 
Chị Huyền đã nỗ lực từng bước tạo dựng nên thương hiệu Hồng sấy gió Trạm Hành. Ảnh: H.Y
Chị Huyền đã nỗ lực từng bước tạo dựng nên thương hiệu Hồng sấy gió Trạm Hành.
Ảnh: H.Y
Làm nên dáng vẻ riêng của Đà Lạt không chỉ có sương mù hay bốn mùa ngập tràn sắc hoa, Đà Lạt còn được người sành ăn biết đến bởi những loại rau ôn đới, những loại hoa trái đặc sản mà trong đó có cả trái hồng nổi tiếng phố núi tồn tại đã gần trăm năm nay. 
 
Cây hồng không cần công chăm sóc vẫn lớn lên tại Đà Lạt như một sự thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng nơi này. Thế nhưng, không ít vụ, trái hồng đã từng bị đổ bỏ hoặc bán với giá rẻ mạt. Để không còn phải chịu cảnh được mùa mất giá, những năm qua, trái hồng Đà Lạt đã được chế biến thành nhiều món khác nhau, trong đó có hồng Nhật Bản hay còn gọi là hồng sấy gió. Điều này cũng góp phần mở ra một lối rẽ cho loại đặc sản này, và đây cũng là cách mà Nguyễn Thị Thu Huyền chọn để khởi nghiệp.
 
Được học lớp kỹ thuật làm hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản do Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt mở tại địa phương vào năm 2013, Huyền quyết định tập hợp thanh niên trong xã để làm. Ban đầu, mỗi thanh niên tự làm ở nhà để cung cấp cho thị trường. Những mẻ hồng đầu tiên khó bán bởi chưa có thị trường ổn định. Năm 2015, Huyền quyết định tham gia Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (gọi tắc là SKC) và trình bày đề án của mình. Đề án này sau đó được lọt vào chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp năm 2015 do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Tại cuộc thi này, tuy chỉ giành giải khuyến khích nhưng sản phẩm Hồng sấy gió Trạm Hành của Huyền lại được ban giám khảo đánh giá khá cao. Huyền đã nhận được sự hỗ trợ của hội đồng giám khảo từ khâu tiêu thụ đến hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo, tìm kiếm thị trường, kết nối doanh nghiệp lớn. Sản phẩm của Huyền đã tham gia nhiều Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Chị Huyền chia sẻ: Với công nghệ sấy hồng kiểu Nhật Bản, người làm phải đúng kỹ thuật từ khâu chọn trái đến khâu chế biến - Vì sấy bằng gió nên trái hồng sẽ giữ được lượng đường trong quả, độ ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, đặc biệt mềm và dẻo, đó là những lợi thế hơn hẳn so với cách sấy hồng theo kiểu truyền thống hiện nay. Khi đã có thị trường ổn định, tôi đã thu mua hồng tươi cho người nông dân với giá cả ổn định. Hiện, tôi đang xây dựng mã vạch và có bảo hộ về tem sản phẩm cho sản phẩm Hồng sấy gió của mình.
 
Hiện, sản phẩm hồng sấy gió của chị Huyền đã được thị trường đón nhận tích cực. Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, chị Huyền còn tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn thanh niên ở địa phương. Với vai trò là Bí thư đoàn xã, chị luôn nhiệt tình, năng động và là một đảng viên trẻ gương mẫu. Trên cương vị là một Bí thư Đoàn xã, chị Huyền luôn băn khoăn làm sao để nhân rộng được mô hình cũng như sức tiêu thụ của sản phẩm hồng sấy tới từng đoàn viên, thanh niên có chí hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Hành, đánh giá cao sự tìm tòi, đổi mới khoa học kỹ thuật và phát triển hồng sấy gió của chị Huyền. “Với tham vọng xây dựng thương hiệu hồng sấy Trạm Hành trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường, Huyền còn liên kết sản xuất và tiêu thụ hồng của người nông dân với giá ổn định. Đây là yếu tố góp phần để diện tích hồng đặc sản của địa phương được giữ gìn” - ông Thường chia sẻ. 
 
HOÀNG YÊN