(LĐNhiều năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học của các em học sinh trường PTTH Đức Trọng (huyện Đức Trọng) luôn được nhà trường quan tâm, khuyến khích. Đây thật sự là một sân chơi thú vị để các em thỏa sức thể hiện đam mê, sáng tạo của bản thân.
(LĐNhiều năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học của các em học sinh trường PTTH Đức Trọng (huyện Đức Trọng) luôn được nhà trường quan tâm, khuyến khích. Đây thật sự là một sân chơi thú vị để các em thỏa sức thể hiện đam mê, sáng tạo của bản thân.
|
Các em học sinh trường PTTH Đức Trọng đang thuyết minh đề tài của mình tại cuộc thi khoa học kỹ thuật do Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức |
Hình thành Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học
Theo thầy giáo Thân Tuấn – Thạc sĩ Sử học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của trường PTTH Đức Trọng, phong trào nghiên cứu khoa học của các em học sinh nhà trường đã được hình thành từ khoảng năm học 2007 – 2008, khi trường là một trong trong những trường đầu tiên của huyện tham dự kỳ thi nghiên cứu khoa học dành cho các em học sinh THPT do Sở Giáo dục và Bộ Giáo dục tổ chức.
Đến năm 2009, trường PTTH Đức Trọng tiếp tục tham dự kỳ thi trên và có 1 đề tài đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia và được chọn đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Intel ISEP tại Mỹ. Ở cuộc thi này, đề tài “Nghiên cứu tác động của game online đối với việc hình thành nhân cách học sinh” của các em trường PTTH Đức Trọng đã đạt nhiều giải phụ của trường đại học.
“Lúc bấy giờ, việc hướng dẫn về nghiên cứu khoa học còn rất mới mẻ nên các thầy cô trong trường đã tự tìm tòi để hướng dẫn các em học sinh. Thêm vào đó, các em học sinh mặc dù rất đam mê sáng tạo khoa học nhưng lại không biết quy trình nghiên cứu, vì vậy, năm 2010 nhà trường đã quyết định thành lập CLB nghiên cứu khoa học” – cô giáo Vũ Anh Minh Trang – Hiệu phó nhà trường cho biết.
Từ lúc CLB ra đời và đi vào hoạt động, phong trào nghiên cứu khoa học của các em học sinh trong trường cũng đã thật sự có định hướng và kế hoạch cụ thể. Hàng năm, ngay từ đầu năm học, các em học sinh sẽ được giới thiệu về các cuộc thi nghiên cứu khoa học đã được tổ chức, các đề tài đã đạt giải (của trường mình và cả trường bạn).
Khi các em có ý tưởng, sẽ đăng ký với Ban chủ nhiệm CLBNCKH, CLB sẽ mời các giáo viên trong hội đồng tư vấn nhà trường (là các giáo viên cốt cán có trình độ Thạc sĩ trở lên) để tư vấn cho các em cách thức hình thành đề tài, hoàn thiện đề cương và cũng phân công giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em.
“Trong suốt quá trình học, các em học sinh nếu có đề tài đều có thể đến gặp thầy cô trong CLB để tham khảo, lúc đó, các thầy cô sẽ tư vấn và nếu thấy khả thi sẽ cử giáo viên hướng dẫn các em hoàn thiện đề tài. Quá trình tư vấn sẽ diễn ra quanh năm, kể cả thời gian nghỉ hè. Và, nếu có đề tài nào đó của các anh chị lớp 12 mà chưa hoàn thiện để dự thi, khi ra trường sẽ bàn giao lại cho các em lớp sau để tiếp tục hoàn thiện” – thầy Thân Tuấn cho biết thêm.
Song song với đó, mỗi năm, nhà trường cũng tổ chức 2 cuộc thi chính, gồm cuộc thi ý tưởng sáng tạo dành cho học sinh và giáo viên cùng tham gia. Ở cuộc thi này, các thí sinh sẽ đề xuất ý tưởng, cách thực hiện. Ý tưởng nào đạt, CLB sẽ tiếp tục phân công giáo viên góp ý, hoàn thiện đê tiếp tục tham dự kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp trường. Ở cuộc thi này, sẽ chọn ra những đề tài đạt để tiếp tục hoàn thiện, tham dự kỳ thi cấp tỉnh.
“Trung bình mỗi năm có khoảng trên 100 ý tưởng đăng ký và có khoảng 20-30 đề tài được hình thành để dự thi cấp trường. Ngoài 2 đề tài đạt giải tại cuộc thi ở Mỹ, hầu hết các đề tài được chọn dự thi tỉnh hàng năm đều đạt giải cao và được chọn dự thi cấp quốc gia” – thầy giáo Thân Tuấn tự hào nói.
Chắp cánh ước mơ
Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, để có được thành tích trên, ngoài niềm đam mê và sự nỗ lực hết mình của các em học sinh, CLBNCKH và các em còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà trường, hội phụ huynh học sinh và cả cha mẹ các em. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí để các em nghiên cứu đề tài, nhà trường đã tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất để phục vụ đề tài nghiên cứu của các em. Rồi Hội phụ huynh nhà trường cũng trích một phần kinh phí để hỗ trợ các em nghiên cứu và các bậc phụ huynh cũng tạo điều kiện tối đa trong việc hỗ trợ con em mình hoàn thành ý tưởng như: Hỗ trợ nhà kính để con thực hành; cho mượn rẫy cà phê, hay cho mượn chuồng gà để thực nghiệm…
Em Trần Thảo Sương (10A5), học sinh vừa đạt giải khuyến khích tỉnh với đề tài “Máy đốt rác gia đình” cho biết: “Em tham gia CLBNCKH của trường khi vừa đậu vào lớp 10. Và cũng từ khi tham gia CLB, có những ý tưởng, đề tài tưởng chừng như không thể thực hiện được, tụi em đã được các thầy cô hướng dẫn tận tình, chu đáo. Năm học mới này, em sẽ tiếp tục chọn đề tài nghiên cứu về cây lược vàng để dự thi vì em rất thích học mô Sinh – Hóa, thích thú với cây cối và tác dụng của các chất của cây”.
“Chúng tôi đã cố gắng tạo ra nhiều sân chơi sáng tạo, bổ ích cho các em nhằm góp phần giáo dục kỹ năng, năng lực bước đầu cho các em học sinh. Từ đó, tạo tiền đề tốt để các em bước chân vào đại học. Và cũng rất vui, vì trên thực tế, đã có nhiều em sau khi rời mái trường này, đã thành công ở các trường đại học trong nước và nước ngoài” – Cô giáo Minh Trang nói thêm.
Thy Vũ